Chia sẻ rủi ro trong dự án PPP: 'Nhà nước không nên bao sân quá nhiều'

Đây là một trong những nội dung còn nhiều tranh cãi trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Chiều nay (24/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo, và cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Một trong những vấn đề nhận được sư quan tâm nhiều nhất chính là cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu đối với các doanh nghiệp đầu tư dự án PPP.

Một trong những vấn đề nhận được sư quan tâm nhiều nhất chính là cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu đối với các doanh nghiệp đầu tư dự án PPP.

Một trong những vấn đề nhận được sư quan tâm nhiều nhất chính là cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu đối với các doanh nghiệp đầu tư dự án PPP.

Theo dự thảo Luật, nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng đối với dự án PPP. Các loại hợp đồng áp dụng bao gồm: BOT, BTO, BOO.

Điều kiện chia sẻ rủi ro là khi quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn mức doanh thu cam kết tại hợp đồng. Đồng thời, khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP theo quy định, mà vẫn chưa bảo đảm được mức doanh thu quy định.

Về vấn đề này Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ sự đồng tình là phải chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp, song phải xác định rõ rủi ro tới mức độ nào thì nhà nước mới cần can thiệp, hỗ trợ chứ không thể hỗ trợ khi doanh nghiệp giảm doanh thu như dự thảo Luật.

“Nếu nhà nước chia sẻ rủi ro khi doanh nghiệp giảm doanh thu thì nguy hiểm. Không cẩn thận thì nhà nước thành con nợ. Nhất là khi không xác định chặt chẽ giá ban đầu. Rộng tay một chút thì sẽ rất khó khăn cho ngân sách nhà nước”, ông Hiển nói.

Từ đó, ông Hiển đề nghị nhà nước chỉ chia sẻ rủi ro khi doanh nghiệp lỗ, mất vốn, còn giảm doanh thu thì là rủi ro khi đầu tư, doanh nghiệp phải chấp nhận chứ không thể đòi hỏi nhà nước chia sẻ.

“Tôi không đồng ý với việc chia sẻ rủi ro khi giảm doanh thu”, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cùng quan điểm. Theo ông Hải, nhà nước không nên bao sân quá nhiều. “Anh đầu tư thì anh phải tính toán. Nhà nước có trách nhiệm nhưng chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm. Những chủ đầu tư lớn, dài hạn thì thường họ cũng tính toán rủi ro rồi”, ông Hải nêu.

Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư bị giảm doanh thu lại được nhà nước chia sẻ rủi ro thì "không ổn". Bà Nga cũng đề nghị xác định rõ các căn cứ hỗ trợ của nhà nước trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, công trình tạm khi triển khai các dự án.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu phải đối chiếu với thông lệ quốc tế, bởi có một thực tế đang đặt ra là nhiều doanh nghiệp không muốn làm BOT. Chưa thực hiện dự án đã kiểm toán, làm xong lại kiểm toán lần nữa có thể gây phiền hà cho hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây chúng ta thu hút đầu tư BOT khi các quy định chưa hoàn thiện, còn có những kẽ hở, do đó đã gây những phản ứng của nhân dân. Vấn đề đặt ra với luật này là vừa đảm bảo quy định chặt chẽ, nhưng đồng thời phải thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư, đây mới là vấn đề.

“Nếu tôi là doanh nghiệp tư nhân tôi đọc dự thảo luật này thì tôi chưa bỏ tiền ra đầu tư đâu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tại phiên họp hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát các quy định của dự thỏa luật, đánh giá tác động, lấy ý kiến các chủ thể có liên quan, đặc biệt là tham khảo ý kiến các doanh nghiệp, hoàn thiện nội dung để trình Quốc hội thảo luận, quyết định.

Đỗ Huyền

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/chia-se-rui-ro-trong-du-an-ppp-nha-nuoc-khong-nen-bao-san-qua-nhieu-169379.html