Chia sẻ rủi ro khi đầu tư dự án PPP: Không có mức cụ thể sẽ dẫn đến tiêu cực và lợi ích nhóm

Nếu không quy định rõ các dạng rủi ro như trên thì rất có thể dẫn đến chuyện lợi dụng để chuyển những rủi ro vận hành thành những các rủi ro đẩy về phía Chính phủ hoặc người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm chia sẻ.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm khi thảo luận tại hội trường về Dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là quy định về chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) cho rằng, Dự thảo luật quy định các dự án được chia sẻ rủi ro là những dự án quy mô lớn, những dự án trọng điểm và nhà nước chia sẻ 50% rủi ro thì chia sẻ bằng hình thức nào? Nguồn sẽ lấy từ đâu? Khi tác động đến nợ công thì sẽ xử lý như thế nào?

“Dự thảo luật đưa ra một quy định nghe có vẻ rất hợp lý. Tức là trong trường hợp có lợi nhuận tăng thêm thì nhà đầu tư chia sẻ với nhà nước về lợi nhuận tăng thêm. Tuy nhiên, trong 22 năm qua, kể từ khi áp dụng cơ chế PPP đến nay chưa có một trường hợp nào nhà đầu tư chia sẻ lợi nhuận tăng thêm với nhà nước, nhưng có một thực tế là hiện nay nhà nước vẫn đang phải chi trả một số khoản nợ trong một số hợp đồng BOT.

Tôi kiến nghị cân nhắc thận trọng quy định này trong dự thảo luật và ngay từ thời điểm thương thảo hợp đồng, để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư cần tính toán để đưa ra mức lợi nhuận hợp lý và nhà nước chỉ bồi thường chỉ hỗ trợ duy nhất trong trường hợp đó là do thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật mà có tổn hại đến lợi ích của nhà đầu tư”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng cần qui định rõ 3 loại rủi ro trong Dự luật (ảnh QH)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng cần qui định rõ 3 loại rủi ro trong Dự luật (ảnh QH)

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) dẫn qui định của Dự thảo, khi doanh nghiệp dự án PPP hụt thu thì Chính phủ sẽ chia sẻ không quá 50% hụt thu, và khi tăng thu thì doanh nghiệp dự án chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu. Theo đại biểu, như vậy là không công bằng, khó chấp nhận và không có mức cụ thể sẽ dẫn đến mặc cả, xin cho, gây tiêu cực và lợi ích nhóm.

Về nguyên tắc, theo đại biểu, chia sẻ phải công bằng, dễ chấp nhận nghĩa là hụt thu chia sẻ bao nhiêu phần trăm thì tăng thu cũng chia sẻ bấy nhiêu phần trăm. Tỷ lệ chia sẻ phải quy định với mức cụ thể để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Mỗi lĩnh vực đầu tư khác nhau có thể quy định mức chia sẻ có thể sẽ khác nhau và Chính phủ cần chỉ rõ nguồn kinh phí để chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư, khi xảy ra thì lấy ở đâu và bằng nguồn nào?

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) phân tích, dự án PPP có ba loại rủi ro cần phải quy định rất rõ ở trong luật. Đó là rủi ro về chính sách, rủi ro thị trường, rủi ro vận hành.

Nếu như Chính phủ không cam kết thực hiện đúng chính sách ban đầu đặt ra thì nhà đầu tư có thể gặp phải những rủi ro, như vậy rủi ro chính sách này là rủi ro do Chính phủ gây ra và Chính phủ phải chịu trách nhiệm trong việc chia sẻ, thậm chí là phải bồi hoàn phần lớn rủi ro đó.

Rủi ro thứ hai là rủi ro thị trường, là do trong quá trình thiết kế chúng ta chưa thể lường trước được sự phát triển của thị trường và vì chưa lường trước được như thế cho nên nhà đầu tư tư nhân không sẵn sàng bỏ tiền mà Chính phủ phải đứng ra để cam kết, chia sẻ một phần rủi ro đó, như vậy phần rủi ro thị trường này cần được chia sẻ giữa hai bên.

Phần rủi ro thứ ba là rủi ro vận hành, là do khả năng quản lý vận hành của nhà đầu tư là không tốt hoặc là những thay đổi về kỹ thuật mà nhà đầu tư không đáp ứng được. Những rủi ro này chủ yếu là thuộc về cá nhân nhà đầu tư và nhà đầu tư phải chịu.

“Nếu chúng ta không quy định rõ các dạng rủi ro như trên thì rất có thể dẫn đến chuyện lợi dụng để chuyển những rủi ro vận hành thành những các rủi ro đẩy về phía Chính phủ hoặc người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm chia sẻ.

Chính vì vậy, tôi cho rằng việc quy định rất rõ những điều này vào trong quy định thì chúng ta sẽ đảm bảo tránh được tình trạng như người dân hiện nay đang thắc mắc là nhiều rủi ro của các dự án tại sao nhà nước hoặc là người dân phải chịu trách nhiệm”, đại biểu nói.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chia-se-rui-ro-khi-dau-tu-du-an-ppp-khong-co-muc-cu-the-se-dan-den-tieu-cuc-va-loi-ich-nhom-170788.html