Chia sẻ nỗi đau, hành động vì người ở lại

Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT không chỉ góp phần làm vơi bớt nỗi đau của thân nhân người đã khuất, mà còn trao đi những thông điệp ý nghĩa, thiết thực về ATGT với người đang sống.

Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và cả vạn tăng ni, Phật tửlàm lễ cầu siêu cho các nạn nhân TNGT tại chùa Trình (Yên Tử, Quảng Ninh) sáng 13/11 - Ảnh: Tạ Tôn

Tưởng nhớ người đi

Trong màn sương mờ sớm 13/11, dòng người đổ về non thiêng Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh), chen kín trước cổng chùa Trình để cầu nguyện cho chân linh người thân và những người đã tử vong vì TNGT được siêu thoát, an lạc.

Nước mắt tuôn rơi từ lúc đặt chân vào cổng chùa Trình, bà Dương Thị Nhi (xã Cẩm La, TX Quảng Yên, Quảng Ninh) cho hay, con trai cả của bà tên Nguyễn Văn Long vừa mất cách đây 12 ngày vì TNGT đường thủy. “Hai vợ chồng Long cùng con nhỏ đang ở trên tàu cá thì một tàu to chạy qua làm tràn sóng nước, hất nghiêng chiếc thuyền nhỏ của hai vợ chồng, khiến cả hai rơi xuống sông. Lúc đầu, chiếc tàu chạy vụt qua không quay lại. Cháu nội tôi thấy bố mẹ bị hất văng xuống nước khóc thét lên, tàu mới quay lại cứu được con dâu tôi. Còn con trai tôi đã vĩnh viễn ra đi trong dòng nước lạnh, để lại hai cháu nhỏ côi cút…”, bà Nhi gạt nước mắt.

Vốn ốm yếu vì căn bệnh tiểu đường hành hạ, chị Nguyễn Thị Loan (khu Gia Mô, phường Kim Sơn, Đông Triều, Quảng Ninh) sụt 12kg kể từ ngày nhận tin chồng tử vong vì TNGT hồi tháng 6/2016. “Anh ấy là trụ cột gia đình, là điểm tựa sống của tôi. Anh ấy làm ăn chăm chỉ, thương vợ chăm con, ai cũng yêu quý. Anh vừa nhận sổ hưu nhưng vẫn xin đi làm thêm để kiếm tiền chữa bệnh cho tôi. Ngày 3/6/2016, trên đường đi làm về anh ấy bị TNGT và tử vong. Giờ tôi cũng không biết mình phải xoay xở ra sao…”, chị Hiền khóc và cho hay, dù rất mệt, chị vẫn cố đến dự đại lễ để cầu siêu cho chồng và cả những nạn nhân không may ra đi vì TNGT như chồng mình.

Hàng nghìn tăng ni, Phật tử thành tâm cầu nguyện cho các nạn nhân tử vong do TNGT - Ảnh: Tạ Tôn

Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng bà Nguyễn Thị Nụ (73 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) vẫn lặn lội về đất Phật Yên Tử tham dự Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do TNGT. Bà Nụ cho hay, bà luôn cố tham dự đủ các Đại lễ cầu siêu do Ủy ban ATGT Quốc gia và T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, bởi sự quy mô và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của sự kiện này. Nức nở khóc trong suốt quá trình diễn ra đại lễ, bà Nụ kể, con trai bà mất vì TNGT đã 15 năm nay nhưng bà vẫn chưa nguôi được nỗi đau này. “Con trai tôi vừa tốt nghiệp trung cấp, đi làm thì bị TNGT. Cháu ra đi khi ở độ tuổi trẻ khỏe nhất, đau lòng quá. Tôi đến đây không chỉ cầu siêu cho con mình mà cầu mong mọi nạn nhân tử vong do TNGT đều được siêu thoát. Đến những Đại lễ cầu siêu này, tôi được gặp người thân của các nạn nhân TNGT khác, cảm thấy được chia sẻ, vơi bớt nỗi đau”, bà Nụ tâm sự.

Mới nguôi nỗi đau con trai ra đi vì bệnh ung thư phổi, bà Vũ Thị Tuất (60 tuổi, phường Phương Đông, TP Uông Bí) lại nhận tin con dâu Đào Thị Hải (SN 1982) tử nạn do đâm vào dải phân cách vào cuối năm 2012. Con trai và con dâu mất cùng một năm, để lại bốn đứa cháu nhỏ, cháu út mới 7 tháng tuổi cho mẹ già chăm bẵm. Nhiều người khuyên bà đưa bọn trẻ vào trại trẻ mồ côi nhưng bà kiên quyết gồng mình nuôi cháu. Khuôn mặt khắc khổ nhòe nước, bà cho biết nhà nghèo khó, chả có điều kiện làm lễ cầu siêu cho các con, nên Đại lễ cầu siêu này giúp bà được an lòng, mong con siêu thoát.

Lãnh đạo Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội và T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao10 phần quà, mỗi phần trị giá 2 triệu đồng từ Quỹ Chung tay vì ATGT của Báo Giao thông cho gia đình các nạn nhân bị TNGT có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Tạ Tôn

Hành động vì người ở lại

Ngày 13/11, tại chùa Trình, Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) đã diễn ra Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT do T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam kết hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia và Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh tổ chức. Đại lễ cầu siêu thu hút hàng vạn tăng ni, Phật tử và người nhà nạn nhân TNGT.

Đây là năm thứ 5 Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, các tổ chức tôn giáo hưởng ứng lời kêu gọi của Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức các hoạt động hướng tới Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT, trong đó có Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do TNGT do T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì. Tại Đại lễ, toàn thể đại biểu và các tăng ni, Phật tử, người thân nạn nhân TNGT đã dành một phút tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT; Cùng thực hiện khóa lễ cầu nguyện cho các nạn nhân và kêu gọi tăng ni, Phật tử, cộng đồng cùng có trách nhiệm hơn trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.

"Đây là một sự kiện đặc biệt, là dịp để chúng ta tưởng nhớ và bày tỏ niềm xót thương với những người không may qua đời khi tham gia giao thông; Cùng chia sẻ để phần nào xoa dịu nỗi đau đối với người thân của họ. Đây cũng là cơ hội để mỗi chúng ta nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống và hãy làm tất cả những gì có thể để góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn cho bản thân, xã hội, đồng thời chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT”.

Bộ trưởng Bộ GTVT
Trương Quang Nghĩa

“Thông qua Đại lễ cầu siêu này, tôi kêu gọi các cấp giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, Phật tử, các tự viện, các học viện, trường Phật học, các pháp sư, giảng sư tại các giảng đường có trách nhiệm tuyên truyền, giảng dạy pháp luật trật tự ATGT cho mọi người, mọi thành viên của mình, góp phần cùng cộng đồng, xã hội giảm thiểu tối đa TNGT, thực hiện nét đẹp văn hóa giao thông”.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu
Phó chủ tịch Thường trực
Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Cũng trong chương trình Đại lễ cầu siêu, lãnh đạo Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội và T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trao 10 phần quà (mỗi phần trị giá 2 triệu đồng) trích từ Quỹ Chung tay vì ATGT của báo cho người thân nạn nhân thiệt mạng do TNGT có hoàn cảnh khó khăn. Sau đó, các đại biểu tham dự lễ phóng sinh, thả chim bồ câu vì hòa bình.

Với tinh thần “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại”, Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do TNGT đã chuyển tải rất nhiều thông điệp nhân văn, ý nghĩa và lời kêu gọi thiết thực của T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban ATGT Quốc gia đối với tăng ni, Phật tử và cộng đồng về công tác đảm bảo trật tự ATGT.

Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa cho biết, mỗi ngày trôi qua, trên đất nước Việt Nam, TNGT lại cướp đi sinh mạng của 24 người và làm cho gần 60 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời, mang đến sự mất mát, tang thương và đớn đau tột cùng cho hàng trăm gia đình. Thiệt hại to lớn về nhân mạng là không gì bù đắp được. Di chứng thương đau của TNGT là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của người thân, bạn bè những người bị nạn. Đau lòng hơn là phía sau cái chết của những nạn nhân tử vong, trong ánh nhìn tuyệt vọng của những nạn nhân không còn khả năng lao động là những em nhỏ mất đi cơ hội đến trường, những bậc cha, mẹ già không còn nơi nương tựa. Hậu quả của những vụ tai nạn là nguy cơ đói nghèo của hàng chục ngàn gia đình, là sự xói mòn những thành quả phát triển kinh tế mà cả dân tộc đang gắng sức thực hiện, là sự sợ hãi lan tỏa trong cộng đồng, xã hội, làm tổn thương nghiêm trọng hình ảnh một đất nước Việt Nam yên bình, thân thiện trong mắt bạn bè, đối tác.

“Tại buổi lễ trang nghiêm và xúc động này, tôi kêu gọi các cơ quan hữu quan của Nhà nước ở T.Ư và địa phương, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân hãy nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo ATGT, đồng thời chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT để cho niềm vui, hạnh phúc, an toàn và bình yên trọn vẹn đến với mỗi người dân khi tham gia giao thông và đến với mọi người, mọi nhà”, Bộ trưởng nói.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, hàng vạn người hiện diện ở Đại lễ này đều một lòng tưởng niệm đến những nạn nhân đã chết vì TNGT, những người đã bị thương tật suốt đời vì TNGT, chia sẻ đau thương, mất mát với những người còn ở lại.

“Trong tinh thần “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại”, tất cả chúng ta hãy hành động vì người đang sống, thương người như thể thương thân, máu chảy ruột mềm - là đạo lý tình người của dân tộc Việt Nam, Phật giáo Việt Nam xưa nay. Những người đang sống hãy vì người đã khuất và vì chính bản thân mình, vì cộng đồng hãy cụ thể hóa, thiết thực các hành động đảm bảo trật tự ATGT”, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu kêu gọi.

An Na - Hữu Tuấn

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/chia-se-noi-dau-hanh-dong-vi-nguoi-o-lai-d176291.html