Chia sẻ nguồn lực, kết nối thông tin hỗ trợ dự án khởi nghiệp

Đó là chủ đề của chương trình hội thảo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2019 do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM tổ chức ngày 30/3.

Các đơn vị ký kết hợp tác nhằm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Ảnh T.D

Các đơn vị ký kết hợp tác nhằm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Ảnh T.D

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm giữa các mô hình khởi nghiệp tăng trưởng bền vững, đặc biệt là các sản phẩm khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa thành công nhờ đổi mới sang tạo, ứng dụng sức mạnh công nghệ như mô hình bột rau má Quảng Thanh, kính mát với gọng kính hoàn toàn từ tre…

Chia sẻ tại buổi hội thảo về chiếc mắt kính đang được bán tại sân bay Paris với giá 400 euro do một bạn trẻ khởi nghiệp ở Củ Chi (TPHCM) làm ra, với gọng kính hoàn toàn từ tre, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sihub) cho rằng, sở dĩ mắt kính trên bán mắc như thế mà vẫn có người mua, bởi bạn trẻ này đã nắm bắt được xu hướng dùng các sản phẩm thiên nhiên, tự nhiên của người tiêu dùng trên thế giới. Đó là những ưu thế của khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa, kết hợp với việc am hiểu thị trường, tầm nhìn của người khởi nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật để tạo ra một sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Đồng quan điểm với việc khởi nghiệp từ các sản phẩm bản địa ở từng vùng miền, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Vinamit cho biết, các vùng quê Việt Nam có rất nhiều nguồn tài nguyên quý từ cây, trái. Do đó, các bạn trẻ nên học tập, tìm hiểu để khởi nghiệp, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này. Tuy nhiên, trong ứng xu thế hiện nay, các bạn trẻ khởi nghiệp cần ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp tốt nhất.

Ông Nguyễn Hải An, giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM cũng cho biết, thời gian gần đây có nhiều hiệu ứng tốt trong hoạt động khởi nghiệp Việt Nam, nhất là về nông nghiệp.

Thế nhưng, với những người mới bắt đầu các dự án khởi nghiệp ngoài ý tưởng kinh doanh thì năng lực thực thi (tài chính, kinh doanh, bán hàng, nghiên cứu…) cũng khá quan trọng. Đòi hỏi sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức và các DN lớn, giàu kinh nghiệm.

Không gian chợ phiên khởi nghiệp năm 2019. Ảnh T.D

Theo đó, bà Nguyễn Thị Xuân Yến, Giám đốc Chương trình tăng tốc khởi nghiệp của Trung tâm BSA cho biết, trong năm 2019 đơn vị sẽ triển khai chương trình khởi nghiệp với chủ đề “Tăng tốc khởi nghiệp phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ” nhằm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Các dự án được chọn tham gia chương trình sẽ được tham gia các lớp đào tạo kỹ năng về quản trị, tầm nhìn, sứ mệnh… để khởi nghiệp thành công.

Trong khuôn khổ hội thảo, Trung tâm BSA, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sihub) và Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ đã ký kết hợp tác nhằm kết nối cơ hội phát triển về thị trường cho hoạt động khởi nghiệp tại địa phương có nhu cầu.

Song song với hội thảo tại TPHCM lần này, Ban tổ chức còn tổ chức hoạt động Chợ phiên khởi nghiệp là không gian để các doanh nghiệp khởi nghiệp trưng bày giới thiệu sản phẩm cũng như giao lưu, kết nối với các đối tác.

Ngoài ra, tại khu vực này, các doanh nghiệp sẽ được chuyên gia tư vấn về phát triển sản phẩm từ ý tưởng đến thực tế và bảo quản, vệ sinh an toàn thực phẩm; thiết kế bao bì sản phẩm; Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm khởi nghiệp…

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/chia-se-nguon-luc-ket-noi-thong-tin-ho-tro-du-an-khoi-nghiep-102082.html