Chia sẻ kinh nghiệm về phòng, ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em

Ngày 13/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức 'Đối thoại chính sách: Tiêu chuẩn lao động trẻ em trong bối cảnh các cam kết quốc tế về thương mại'.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại đối thoại.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại đối thoại.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do ngày càng sâu rộng của Việt Nam, việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các chuỗi cung ứng sẽ ngày càng được quan tâm, đặc biệt là vấn đề lao động trẻ em. Do đó, việc phòng ngừa, giảm thiểu và tiến tới chấm dứt lao động trẻ em phải được thay đổi từ nhận thức của chính các em, gia đình, cộng đồng và của cả doanh nghiệp.

Việc phải lao động sớm để lại nhiều hậu quả không nhỏ, gây ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý của các em, đồng thời cản trở việc tiếp cận giáo dục; từ đó tác động tiêu cực tới tương lai của chính trẻ em cũng như tới việc thực hiện các quyền cơ bản của các em, làm ảnh hưởng tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Tại Việt Nam, kết quả Điều tra quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 cho thấy, hiện có 1,75 triệu lao động trẻ em. Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn tỷ lệ trung bình của toàn thế giới và rất gần với tỷ lệ của khu vực. Lao động trẻ em tồn tại đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức, với khoảng 1,7 triệu trẻ em, trong số đó có đến 34% các em làm việc kéo dài trên 42 giờ/tuần.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần có sự tham gia thường xuyên, liên tục, bền vững, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.

Giám đốc ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee phát biểu chương trình

Các công ước của ILO đã thiết lập độ tuổi lao động trẻ em tối thiểu là: 15 tuổi đối với công việc không nguy hiểm; 18 tuổi đối với các công việc nguy hiểm hặc các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Song, nếu chiểu theo các qui định này thì hiện thế giới có tới 152 triệu trẻ em là nạn nhân của lao động trẻ em và gần một nửa trong số này đang tham gia lao động trẻ em nguy hiểm với độ tuổi từ 5-11. Trong đó, vùng cận Sahara (châu Phi) có tỷ lệ lao động trẻ em lớn nhất; tiếp đến là châu Á - Thái Bình dương với 62,1 triệu lao động trẻ em; châu Mỹ là 10,7 triệu và châu Âu là 5,5 triệu lao động trẻ em.

Giám đốc ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee cho rằng, trong sản xuất hộ gia đình, trẻ em thường rất dễ bị tổn thương do thu nhập của bố mẹ không đủ hoặc các doanh nghiệp gia đình phi chính thức không đủ tiền thuê lao động trưởng thành nên phải để con em mình lao động không được hưởng lương.

Ông Chang Hee Lee nhấn mạnh, doanh nghiệp cần phải cảnh giác để đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của họ không có lao động trẻ em, nếu không sẽ bị mất uy tín và ảnh hưởng xấu đến công việc kinh doanh. Phòng chống lao động trẻ em đòi hỏi cần có các chính sách đồng bộ để hỗ trợ pháp luật quốc gia về lao động trẻ em. Đó là nền giáo dục với chất lượng tốt, bảo trợ xã hội và việc làm bền vững cho cha mẹ.

Toàn cảnh đối thoại

Tại đối thoại, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế cũng như các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, đưa ra các khuyến nghị, góp phần đề xuất các giải pháp phù hợp cho việc phòng, ngừa lao động trẻ em với các chuyên đề như: vận động và nâng cao nhận thức cho các bên liên quan về các cam kết và nghĩa vụ quốc tế liên quan đến các vấn đề lao động trẻ em trong bối cảnh hội nhập kinh tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm và thực hành tốt trong phòng ngừa và bảo vệ lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng; và thu thập ý kiến đóng góp và các đề xuất phát triển mô hình doanh nghiệp không sử dụng lao động trẻ em.

Phú Văn

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chia-se-kinh-nghiem-ve-phong-ngua-va-giam-thieu-lao-dong-tre-em-529904.html