Chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật mới chuyên ngành sản phụ khoa

Ngày 1/11, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức Hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa lần thứ 7. Đây đồng thời là diễn đàn khoa học để công bố những đề tài nghiên cứu, những báo cáo về các kỹ thuật mới, tư liệu y học mới và những kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình khám chữa bệnh.

PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Ảnh: VGP/Hiền Minh

PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, những rủi ro và tai biến nguy cơ rất phức tạp, đòi hỏi các bác sĩ phải luôn cập nhật kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thì mới có thể tiên lượng, dự báo và tư vấn tốt cho người bệnh. Chính vì vậy, hội nghị này cũng là cơ hội để các bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa Hà Nội và các tỉnh, thành phố học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp. Hội nghị năm nay thu hút nhiều Giáo sư, bác sĩ đầu ngành đến từ các bệnh viện lớn cùng 15 bài tham luận về chuyên ngành sản phụ khoa.

Đáng chú ý trong các bài tham luận này, có bài của BSCK II Đỗ Xuân Vinh, Trưởng Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Theo bài tham luận, tình trạng tiền sản giật ở phụ nữ mang thai là một bất thường đa cơ quan ảnh hưởng trực tiếp tới 2-5% số phụ nữ mang thai và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho sản phụ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là khi khởi phát sớm. Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 76.000 phụ nữ và 500.000 trẻ sơ sinh tử vong do bệnh lý này. Bệnh thường gặp ở phụ nữ ở các nước đang phát triển.

BSCK II Đỗ Xuân Vinh cũng cho biết, đến nay, cơ chế sinh bệnh của tiền sản giật vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, số liệu nghiên cứu các bệnh nhân bị tiền sản giật tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội từ năm 2017-2018 cho thấy, tỉ lệ bệnh nhân mắc tiền sản giật bị tăng huyết áp chiếm gần 60%. Bệnh tiền sản giật có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi thai nào với các mức độ khác nhau. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trên 70% bệnh nhân mắc tiền sản giật trước đó không mắc bệnh gì, chỉ có 12,3% bệnh nhân có mắc bệnh trước đó.

Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra phương pháp dự đoán chính xác và dự phòng đồng nhất đối với tiền sản giật. Tuy nhiên, nếu sản phụ được xác định sớm có nguy cơ cao xuất hiện tiền sản giật sẽ được kích thích quá trình hình thành bánh rau, nhờ đó phòng chống hoặc ít nhất là giảm tỉ lệ mắc bệnh. Đặc biệt, nếu xác định sớm được nguy cơ tiền sản giật, các bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp theo dõi thai kỳ đặc biệt hơn nhằm tiên đoán và phát hiện các hội chứng lâm sàng sớm và xử lý kịp thời.

BSCKII Lê Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm khám điều trị cơ sở 3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trình bày bài tham luận tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Một chia sẻ khác từ bài tham luận của BSCKII Lê Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm khám điều trị cơ sở 3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bệnh nhân mắc u buồng trứng giáp biên ác là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ trẻ, tuổi từ 13-43, trong đó độ tuổi trung bình khoảng 27, tức là đang trong độ tuổi sinh đẻ.

Bệnh u buồng trứng giáp biên ác thường tiến triển thuận lợi, lành tính, chỉ một số hiếm trường hợp mắc các triệu chứng nặng, thậm chí tử vong.

Theo BSCKII Lê Thị Hiếu, điều trị bệnh này không khó, nhưng kết hợp với bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân là điều quan trọng, khẩn cấp vì bệnh nhân sau khi điều trị phẫu thuật có nguy cơ vô sinh rất cao, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, hạnh phúc của người bệnh.

Trung tâm khám điều trị cơ sở 3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có tiếp nhận một bệnh nhân 25 tuổi, vô sinh hai năm ứ dịch vòi. Sau khi bệnh nhân được mổ nội soi cắt buồng trứng trái, kết quả giải phẫu bệnh cho thấy, bệnh nhân bị u giáp biên ác buồng trứng trái. Tuy nhiên, sau một thời gian theo dõi, bệnh nhân được chỉ định kích thích buồng trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Rất may mắn, hiện bệnh nhân đang mang thai 16 tuần và không có dấu hiệu tái phát.

BSCKII Lê Thị Hiếu khuyến cáo, nếu bệnh nhân mắc u buồng trứng giáp biên ác được phát hiện ở giai đoạn sớm cần được phẫu thuật bóc u hoặc cắt buồng trứng, để lại buồng trứng đối diện và có thể điều trị hỗ trợ sinh sản cho bệnh nhân khi bệnh nhân muốn có con. Tỉ lệ mang thai khoảng 40-45%.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/chia-se-kinh-nghiem-va-ky-thuat-moi-chuyen-nganh-san-phu-khoa/378822.vgp