Chia sẻ kinh nghiệm đổi mới giáo dục phổ thông

Coi trọng cả hai chiều của đổi mới: từ trên xuống với sự tăng cường hỗ trợ của các chuyên gia và chiều từ dưới lên là coi trọng vai trò của các hoạt động triển khai, kinh nghiệm của giáo viên, hiệu trưởng..., đó là cách làm của Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam vừa mới ra đời.

Ngày 2-11, Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng thành công đổi mới giáo dục phổ thông. Nhiều nội dung phong phú về cách làm hay, hiệu quả trong đổi mới giáo dục phổ thông được các đại biểu chia sẻ như: Phát huy vai trò tự chủ của nhà trường, đa dạng hóa các hình thức hoạt động giáo dục, phát triển năng lực, bồi dưỡng năng khiếu học sinh, xã hội hóa giáo dục để tăng cường các điều kiện cho hoạt động giáo dục…

Hội thảo là hoạt động đầu tiên từ khi thành lập của Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam vào tháng 8-2018.

Chủ tịch VGEF, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Hiện nay chúng ta đang quan tâm triển khai đổi mới từ trên xuống: chú trọng chỉ đạo và hướng dẫn, chưa coi trọng đúng mức việc tổ chức thực hiện, phát hiện và giải quyết các khó khăn phát sinh, rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm, sáng kiến từ các nhà trường.

“Cách làm của Quỹ VGEF là sẽ coi trọng cả hai chiều của đổi mới: từ dưới lên và từ trên xuống. Chiều từ trên xuống sẽ là tăng cường sự hỗ trợ kịp thời của các chuyên gia; chiều từ dưới lên là coi trọng vai trò và các hoạt động triển khai, cộng tác, trao đổi kinh nghiệm cả thành công và chưa thành công của các giáo viên cốt cán, hiệu trưởng cốt cán” - ông nói.

Hiện Quỹ VGEF hoạt động trên toàn quốc theo cơ chế xã hội hóa, công khai về quản lý tài chính, nguồn tài trợ, hình thức, nội dung, chịu sự quản lý nhà nước về tổ chức bởi Bộ Nội vụ, quản lý chuyên môn bởi Bộ GD-ĐT, quản lý tài chính bởi Bộ Tài chính.

Chủ tịch VGEF cho biết thêm Quỹ có mục đích góp phần vào thành công của quá trình đổi mới giáo dục phổ thông bằng nguồn nhân lực và tài lực từ các nhà tài trợ xã hội, Quỹ có tư cách pháp nhân độc lập nhưng người thực hiện phải chính là các nhà khoa học giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, trước hết là đội ngũ các nhà giáo, giáo viên cốt cán của các trường phổ thông.

THANH XUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/38119002-chia-se-kinh-nghiem-doi-moi-giao-duc-pho-thong.html