Chia sẻ kinh nghiệm điều hành kinh tế cấp tỉnh khu vực Tây Nguyên

Ngày 22/5, VCCI phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh và kinh nghiệm xây dựng bộ chỉ số PCI khu vực Tây Nguyên.

Quanh cảnh hội thảo. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Quanh cảnh hội thảo. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Ngày 22/5, tại thành phố Pleiku, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh và kinh nghiệm xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và huyện, thị (Department and District Competitiveness Index – DDCI) khu vực Tây Nguyên.
Hội thảo nhằm phân tích những hạn chế, khó khăn của các tỉnh Tây Nguyên trong việc cải thiện bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của các tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 trong việc điều hành kinh tế cấp tỉnh và xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh DDCI cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên nghiên cứu, ứng dụng theo điều kiện thực tế của từng địa phương.
Chia sẻ tại Hội thảo, các đại biểu đến từ Thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế đưa ra nhiều ý kiến về việc cải thiện lòng tin của người dân, doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tiếp nhận và xử lý thông tin; cải thiện môi trường kinh doanh; tiếp nhận, hỗ trợ cho doanh nghiệp…
Về ứng dụng công nghệ thông tin, tỉnh Thừa Thiên – Huế tạo nhóm quản lý điều hành online trên Zalo – Chủ nhật xanh - kênh điều hành, chỉ đạo nhanh 24/7 về các vấn đề của thành phố; hay ứng dụng Hue S – các nhóm tương tác hỗ trợ cho “đô thị thông minh”.

Nhờ đó, người dân dễ dàng tiếp cận và phản ánh thông tin cho các cơ quan trong tỉnh xử lý các vấn đề.
Trong khi đó, với khoảng 263.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 97%, những năm qua, Thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách và giải pháp khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, lành mạnh… “

Nhờ đó, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp trong PCI của Hà Nội năm 2018 đứng thứ 5, đưa xếp hạng PCI của Hà Nội lên vị trí số 9 cả nước và là năm đầu tiên Hà Nội lọt vào tốp 10 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI tốt nhất cả nước”, ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cho biết.
Đối với bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và huyện, thị (DDCI), cả nước hiện có 28 tỉnh, thành triển khai, song tại khu vực Tây Nguyên chưa có tỉnh nào xây dựng.

Mục tiêu DDCI hướng tới là xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện; hỗ trợ lãnh đạo các sở, ngành và huyện, thị cải thiện hoạt động của đơn vị; tạo sự cạnh tranh, thi đua lành mạnh giữa các sở, ngành và huyện, thị trong việc cải thiện mức độ hài lòng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp…
Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ Quảng Ninh, Tuyên Quang và thành phố Đà Nẵng đã chia sẻ thực tiễn tốt trong xây dựng và công bố DDCI, tập trung nhấn mạnh vai trò của chính quyền các cấp trong xây dựng DDCI; vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng DDCI và những bài học kinh nghiệm, thực tiễn triển khai.
Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, chỉ số DDCI sẽ nâng cao chất lượng điều hành kinh tế cấp cơ sở bằng cách lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành cùng chuyển động.

Bên cạnh đó, sức ép từ cộng đồng doanh nghiệp tạo nên bài học thành công của địa phương và các sở, ban, ngành.
Tiếp nhận ý kiến đóng góp, kinh nghiệm thực tiễn từ các tỉnh, thành phố, đại diện 5 tỉnh Tây Nguyên bày tỏ, việc xây dựng, cải thiện các chỉ số PCI, DDCI tại khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp không phản ánh với chính quyền địa phương; việc lấy phiếu khảo sát ý kiến các doanh nghiệp về mức độ hài lòng còn bất cập.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đánh giá cao chỉ số DDCI và sẽ tham gia xây dựng bộ chỉ số này trong thời gian tới (tỉnh Kon Tum và Gia Lai đã có kế hoạch thực hiện).
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, khu vực Tây Nguyên có nhiều đặc thù so với các khu vực khác, nhưng phát triển kinh tế luôn là mục tiêu ưu tiên.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Tuy nhiên, Tây Nguyên là khu vực có số doanh nghiệp hoạt động thấp nhất cả nước (14.660 doanh nghiệp), mật độ doanh nghiệp trên mặt bằng dân số còn khiêm tốn (25 doanh nghiệp/10.000 dân); hầu như vắng mặt các dự án FDI khi toàn vùng chỉ có 144 dự án đăng ký và đang còn hiệu lực, với số vốn đăng ký chỉ đạt 0,9 tỷ USD.

Bên cạnh đó, chất lượng cơ sở hạ tầng khu vực Tây Nguyên mặc dù đã cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, điểm số cơ sở hạ tầng năm 2018 đạt 62,79 điểm, thấp nhất trong cả nước.
Tại khu vực Tây Nguyên, ngoài Lâm Đồng đứng ở nửa trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2018, các tỉnh còn lại đều nằm ở nửa dưới, với điểm số PCI trung bình vùng thấp nhất cả nước, đạt 61,63 điểm.

Tỉ lệ nhũng nhiễu doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính là phổ biến, chiếm 62%, một số lượng lớn doanh nghiệp tại khu vực Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn do thời gian hoàn thành các thủ tục khá lâu.
“Các tỉnh Tây Nguyên cần tích cực, chủ động và sáng kiến để xây dựng phương án, tổ chức thực thi các chương trình, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, năng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương trong những năm tới.

Bên cạnh đó, tăng cường gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp ở nhiều cấp độ để nắm bắt những khó khăn và có chính sách hỗ trợ.

Đồng thời sớm nghiên cứu, triển khai thực hiện bộ chỉ số DDCI, góp phần nâng cao, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI”, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị./.

Dư Toán/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/chia-se-kinh-nghiem-dieu-hanh-kinh-te-cap-tinh-khu-vuc-tay-nguyen/123117.html