Chia sẻ khó khăn với học sinh dân tộc thiểu số

Dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng công tác khuyến học tại vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Nhờ vậy, nhiều học sinh được hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần để vươn lên trong cuộc sống, học tập.

Nhiều chính sách trợ giúp

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện toàn tỉnh có khoảng 10 nghìn học sinh dân tộc thiểu số, tập trung nhiều ở các huyện: Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế. Toàn tỉnh có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho con em vùng khó được đến trường.

 Em Lê Văn Sinh, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Đông Hưng (Lục Nam) thường xuyên được thầy cô giáo giúp đỡ trong học tập.

Em Lê Văn Sinh, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Đông Hưng (Lục Nam) thường xuyên được thầy cô giáo giúp đỡ trong học tập.

Trung bình mỗi năm, Nhà nước đã miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập khác với tổng số tiền hơn 43,7 tỷ đồng; gần 4 nghìn học sinh các xã, thôn đặc biệt khó khăn được hỗ trợ gạo. Tại mỗi địa phương, các cấp hội khuyến học có nhiều hoạt động hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện thực tế.

Là địa bàn vùng cao của huyện Sơn Động song xã Tuấn Đạo được đánh giá có nhiều cách làm hiệu quả trong phong trào khuyến học. Sau khi sáp nhập với xã Bồng Am, xã Tuấn Đạo có 19 chi hội khuyến học ở các thôn, trường học, dòng họ. Để tạo nguồn quỹ ổn định, HĐND xã ban hành Nghị quyết xây dựng quỹ khuyến học với mức thu 20 nghìn đồng/hộ/năm, đồng thời vận động các nguồn xã hội hóa khác từ doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức.

Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” trong đó tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, huy động sự tham gia của gia đình, nhà trường và xã hội.

Ông Hoàng Văn Lập, Phó Chủ tịch HĐND xã, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tuấn Đạo cho biết: "Để nâng cao nhận thức của bà con về công tác khuyến học thì trước hết cán bộ, đảng viên cần nêu gương. Xã chỉ đạo 100% trưởng thôn là chi hội trưởng chi hội khuyến học, chủ trì thực hiện phong trào “tiếng loa học bài” hằng ngày thông báo trên loa truyền thanh cơ sở.

Trung bình mỗi năm, Hội Khuyến học xã, các chi hội đã khen thưởng hơn 1,3 nghìn lượt học sinh khá, giỏi các cấp". Chất lượng giáo dục ở 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn có bước phát triển tích cực, 5 năm gần đây có hơn 80% học sinh THCS trúng tuyển vào lớp 10.

Tiếp bước đến trường

Em Lê Văn Sinh (SN 2010), dân tộc Tày, học sinh lớp 4A tại điểm trường thôn Trại Quan, Trường Tiểu học Đông Hưng (Lục Nam) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhà có hai mẹ con, mẹ em sức yếu, khả năng lao động hạn chế nên cuộc sống gia đình thiếu thốn đủ bề, nằm trong danh sách hộ nghèo ở địa phương nhiều năm liền. Biết gia cảnh ấy, cứ dịp lễ, Tết, đầu năm học mới, các thầy cô giáo và bạn bè trong trường lại tặng Sinh quần áo, sách vở, cặp, bút.

Theo cô Trịnh Thị Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Hưng, Trường có 971 học sinh ở 3 khu, tỷ lệ học sinh là con em đồng bào dân tộc chiếm hơn 70%. Nhiều em hoàn cảnh rất khó khăn nhưng ham học. Với quyết tâm không để các em bị bỏ lại phía sau, nhà trường lập Quỹ “Chắp cánh ước mơ”, vận động cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh ủng hộ. Trung bình mỗi năm học có từ 34-50 lượt học sinh được tặng quà, động viên để các em có động lực tiếp bước đến trường.

Công tác khuyến học tại vùng dân tộc thiểu số được các địa phương triển khai trên cơ sở bám sát, phù hợp với điều kiện thực tế. Ví như tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Dương Hưu (Sơn Động), đầu năm học 2020-2021, qua rà soát còn nhiều em lực học hạn chế.

Chi hội khuyến học nhà trường phối hợp với tổ chức công đoàn phát động phong trào “Mỗi giáo viên nhận giúp đỡ một học sinh khó khăn vươn lên trong học tập”. Nhờ được thầy cô giáo tận tình kèm cặp, 24 em lực học yếu đã có chuyển biến, vươn lên thành học sinh khá.

Tại các nơi làm tốt công tác khuyến học, cán bộ hội đều được lựa chọn là người có uy tín trong cộng đồng, am hiểu các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục và đào tạo, khuyến học, khuyến tài. Cách thức vận động xây dựng nguồn quỹ được lồng ghép, liên kết với các tổ chức, đoàn thể khác như: Công đoàn, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, người cao tuổi...

Theo ông Đào Xuân Cần, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, để phong trào khuyến học ngày càng lan tỏa trong đồng bào dân tộc thiểu số và toàn tỉnh, các cấp hội tiếp tục quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò của giáo dục, hoạt động khuyến học, khuyến tài.

Tham mưu với cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm khen thưởng học sinh vượt khó, các tập thể, cá nhân có nhiều cách làm sáng tạo. Các cấp hội tiếp tục phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền, giới thiệu những tấm gương học sinh dân tộc thiểu số vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện để tạo sức lan tỏa.

Bài, ảnh: Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/359182/chia-se-kho-khan-voi-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so.html