Chia sẻ khó khăn, mang niềm vui đến với con trẻ vùng biên viễn

Đặt vấn đề với lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện và Phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, về việc Báo An ninh Thủ đô phối hợp cùng các nhà hảo tâm muốn trao tặng những phần quà thiết yếu đến các em học sinh ở địa bàn còn nhiều khó khăn, chúng tôi nhận được hồi âm chung: Trường mầm non và Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Lũng Chinh!

Khu nhà nội trú của cô - trò Lũng Chinh nằm cheo leo trên sườn đá

Khu nhà nội trú của cô - trò Lũng Chinh nằm cheo leo trên sườn đá

Chẳng đắn đo sự thất thường của thời tiết những ngày đầu tháng 4 này, và cả “cảnh báo” của cô Lý Thị Dung – Phó phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc: “Đường về Lũng Chinh có những tuyến ngay cả người dân bản địa cũng ngại đi”, sáng sớm ngày 9-4, đoàn công tác của Báo An ninh Thủ đô do Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Tổng Biên tập dẫn đầu, đã xuất phát rời Hà Nội.

Hơn 20 năm “bám bản, gắn trường”

Xã nội địa, nhưng điều kiện kinh tế, xã hội của Lũng Chinh khó khăn chẳng kém các địa bàn biên giới. Mà ở đây, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học là…một điển hình của sự khó.

Giờ học của các con tại điểm trường chính Lũng Chinh

Trường có hơn 500 học sinh đang theo học tại 8 điểm trường và khuôn viên trường chính ở gần trung tâm xã. Cùng cô Phạm Thu Hường – Hiệu trưởng đi tham quan cơ sở vật chất của trường, đan xen trong chúng tôi thật nhiều cảm xúc. Đó là góc “Thư viện thân thiện”, “Thư viện xanh” với đơn sơ những đầu sách, song vẫn toát lên sự chăm chút của các thầy, các cô; là khu nhà nội trú thênh thang gió với những bộ giường tầng lênh khêng, cỡ 30 con trẻ chung một phòng. Chiếc bể nước lớn gần đó, được chắt lọc từ nước mưa mát lành, là nơi tụi trẻ tự túc tắm giặt sau mỗi buổi học.

Khang trang nhất của Trường là dãy nhà 2 tầng, được xây dựng từ ...trước năm 1995. Năm 2017 vừa rồi, cô Hường nhớ, có một tổ chức xã hội đến thăm, và tài trợ để sửa chữa, nâng cấp lan can tầng 2 để tránh nguy hiểm cho con trẻ. Khu vực làm việc của Ban Giám hiệu có 2 phòng, nằm ngay cạnh phòng học của các con trong dãy nhà cấp 4. Bảo ít cũng được, mà nói nhiều cũng không sai; vì 36 cán bộ giáo viên của Trường hàng ngày phải tỏa đi và “cắm” ở 8 điểm trường. Trừ những vấn đề đột xuất, còn 1 tháng mới gặp nhau đầy đủ để họp, mà cũng phải chọn ngày chủ nhật hoặc thứ bảy, khi con trẻ đã về nhà.

Thầy Trần Văn Hưng đã 25 năm gắn bó với việc dạy học ở Lũng Chinh

Cách đây 2 năm, Trường tiểu học Lũng Chinh được chuyển sang mô hình nội trú. Căn cứ cơ cấu cán bộ giáo viên và số học sinh, Trường được tạo điều kiện để bố trí hơn 200 em ăn học, ngủ nghỉ tại Trường. Chiều thứ Sáu, bố mẹ đến đón về và chiều Chủ nhật quay lại lớp.

Nghe chuyện của cô giáo Hường, và những thầy cô giáo Lũng Chinh, để nghĩ và “thấm” thật nhiều về sự hy sinh, tấm chân tình, trọn vẹn với nghề của những người gieo chữ nơi địa đầu Tổ quốc. Trong đội ngũ cán bộ giáo viên đang giảng dạy ở Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Lũng Chinh, cô Hường là một trong những giáo viên có thâm niên lâu nhất, 23 năm. Lâu hơn cô là thầy Trần Văn Hưng – giáo viên chủ nhiệm lớp 4, và cũng là...ông xã của cô hiệu trưởng!

Thầy Hưng quê gốc Thái Bình, về Lũng Chinh từ năm 1994. Điểm chung của những người thầy, người cô ấy khi về nhận nhiệm vụ ở địa bàn khó khăn, vất vả như Lũng Chinh, chỉ đơn giản để chia sẻ với bà con dân tộc, muốn tụi trẻ được đến lớp, tới trường.

Một góc thư viện tại điểm trường chính

Hầu hết trong 36 cán bộ, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học, cả đội ngũ giáo viên Trường mầm non Lũng Chinh mà chúng tôi gặp, đều trẻ, và rất lạc quan. Hỏi chuyện các thầy, các cô, đâu là động lực lớn nhất, là niềm vui để các thầy, các cô vững tâm bám bản, gắn trường? Đó là 100% con trẻ trong độ tuổi bậc tiểu học ở Lũng Chinh đã đến trường, yêu lớp, quý mến thầy cô.

Độ chục năm trước, một trong những công việc chính của các thầy, các cô Trường Tiểu học Lũng Chinh, là đến từng hộ gia đình, cùng cán bộ cơ sở… vận động để con em trong độ tuổi đến trường, đến lớp. “Mời” được các con đi học rồi, làm sao phải “giữ” để các con say mê, hiểu biết cái chữ. Đơn giản hơn, các thầy cô gặp gỡ, chuyển tải đến các bậc phụ huynh ở Lũng Chinh: con trẻ phải được học để thành người, để Lũng Chinh vượt qua nghèo khó.

Tám điểm trường nằm trong các khu dân cư; những bước chân bền bỉ, không mỏi của các thầy, cô giáo, đa phần dưới xuôi lên; tiếng ê a đọc sách và cả những ánh đèn sáng trong đêm tối…cứ thế âm thầm giúp sự học ở Lũng Chinh thay đổi, chuyển biến. “Mấy chục cán bộ giáo viên bao nhiêu năm qua, chỉ ai đến tuổi nghỉ hưu, hoặc tổ chức phân công điều động, còn không, chỉ muốn mãi gắn bó với mảnh đất còn nghèo khó này. Chúng tôi đã chứng kiến những lúc gian nan nhất, và cả thành công bước đầu hôm nay, của sự học”, thầy Trần Văn Hưng tâm sự.

Niềm vui lớn của con trẻ

Biết tin đoàn công tác của Báo An ninh Thủ đô lên trao quà cho con trẻ Lũng Chinh, ông Hoàng Lão Lử - Phó Bí thư Đảng ủy xã tâm sự: “Mình vui lắm! Quà chỉ là một phần; điều lớn hơn là tụi trẻ sẽ ý thức được rằng xã hội luôn quan tâm, thương yêu các con. Và các con sẽ phải thực sự cố gắng học tập”.

Phó Bí thư Hoàng Lão Lử kể, bấy nhiêu năm qua, “xin” được chủ trương gì của tỉnh, của huyện để phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, xã đều ưu tiên cho khối giáo dục. Lũng Chinh hiện có 3 bậc học, từ mầm non đến Trung học cơ sở. Mỗi bậc, cấp học khó một kiểu, nhưng lại có điểm chung, là sự hiếu học, là nhận thức của các bậc phụ huynh: “Không học, bao giờ hết nghèo”. Tới đây, bậc Tiểu học sẽ được ưu tiên triển khai chủ trương kiên cố hóa một phần cơ sở vật chất nơi học tập, nội trú.

Xe ô tô chở quà vào tận điểm trường chính Lũng Chinh

“Nguyện vọng thì nhiều, thì lớn lắm, nhưng chúng tôi cũng rất chia sẻ với Nhà nước, cả những tấm lòng hảo tâm, thiện nguyện. Nói đơn giản như việc xây ngôi nhà cấp 4 ở Lũng Chinh, mọi chi phí không thua việc xây ngôi nhà 2 tầng dưới xuôi. Bởi thời tiết khắc nghiệt, bởi đường ra vào hiểm trở, và bởi địa hình để xây mới cơ sở vật chất cũng rất ep hẹp, do toàn đá núi”.

Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Bình trao quà tặng các con

Chuyện “đường vào” của Phó Bí thư Hoàng Lão Lử lại khiến chúng tôi nhớ đến “cảnh báo” của cô Lý Thị Dung – Phó phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc. Đó là để đến được Lũng Chinh, phải qua những tuyến, đoạn mà người dân bản địa cũng ngại. Đường rộng…bằng chiều rộng mặt bàn uống nước, bên là vực lởm chởm đá. Chưa kể những khúc cua, lắc ê ẩm toàn thân.

Mỗi phần quà đều rất thiết yếu: sữa, đồ dùng học tập

Thực hiện trao quà ở Lũng Chinh, đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô phải khởi hành sớm trước 1 ngày để định hình đường đi. Và những vất vả, hiểm trở của cung đường đồi núi trên 500 cây số đã tan biến, khi gặp được những ánh mắt háo hức của con trẻ, những tiếng cười trong trẻo ở thung núi.

Ai cũng có quà được các chú Công an nhà báo Thủ đô chuyển lên

5.000 hộp sữa Vinamilk của công ty cổ phần sữa Vinamilk và 500 bộ đồ dùng học tập của Công ty cổ phần văn phòng phẩm Hồng Hà đến với con trẻ Lũng Chinh. Mỗi thành viên trong đoàn công tác chỉ muốn ngày dài thêm, và có thêm nhiều quà nữa, để cùng với đại diện Phòng Giáo dục huyện, lãnh đạo xã và các thầy cô giáo nhân mãi niềm vui học trò.

Niềm vui của con trẻ Lũng Chinh

Đón nhận tấm lòng, tình cảm của đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô, cô Nguyễn Thị Quỳnh Huế - Hiệu trưởng Trường mầm non Lũng Chinh, thay mặt các thầy cô, học trò chân thành cảm ơn Báo An ninh Thủ đô đã là cầu nối ân tình, gần gũi giữa những nhà hảo tâm với các thầy cô, học trò còn nhiều khó khăn nơi miền biên viễn.

“Có điều kiện các anh cố gắng quay lại Lũng Chinh nhé. Để chứng kiến, ghi nhận nỗ lực, tâm huyết của các thầy cô. Để thấy con trẻ Lũng Chinh ngoan hơn, trưởng thành hơn, bằng tâm huyết của cha mẹ và những người thầy, và thịnh tình của những nhà báo Công an Hà Nội”, cô Huế bắt tay chúng tôi thật chặt, trước khi chia tay...

Minh Hà - Minh Quân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/chia-se-kho-khan-mang-niem-vui-den-voi-con-tre-vung-bien-vien/806610.antd