Chia sẻ giải pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động

Sáng 25/9, tại Phiên trọng thể Đại hội Công đoàn khóa XII, đại diện Công đoàn hai địa phương Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có lực lượng lao động lớn trên cả nước đã chia sẻ về kết quả, giải pháp, bài học kinh nghiệm trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong tình hình hiện nay.

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động

Tham luận tại Đại hội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh Kiều Ngọc Vũ cho biết, Liên đoàn Lao động Thành phố hiện đang quản lý 20.067 công đoàn cơ sở, với trên 1,37 triệu đoàn viên, trong đó có 17.104 công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước, với hơn 1,1 triệu đoàn viên. Người lao động tại Thành phố phần lớn là lao động đến từ các tỉnh, thành; làm việc chủ yếu tại các doanh nghiệp nằm trên địa bàn các quận, huyện ven đô và tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Trình độ học vấn, tay nghề, hiểu biết về pháp luật của người lao động không đồng đều. Tình hình quan hệ lao động trên địa bàn phong phú, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Do đó, công tác tham gia đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn Thành phố ưu tiên hàng đầu trong nhiều năm qua.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh Kiều Ngọc Vũ trình bày tham luận. Ảnh: TTXVN

Các cấp Công đoàn đã chủ động đề ra và từng bước bổ sung các hoạt động công đoàn với nhiều nội dung và phương thức mới; tích cực tham gia xây dựng chính sách cho công nhân, viên chức, lao động, đồng thời chú trọng chọn lựa các đối tượng đặc biệt khó khăn để chăm lo cụ thể. Công tác chăm lo cho công nhân, lao động trở thành những hoạt động có quy mô lớn, sức lan tỏa rộng, làm cho hoạt động công đoàn ngày càng hiệu quả, thiết thực và đến được với nhiều công nhân, người lao động. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động được khẳng định trên thực tế, góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của tổ chức công đoàn trong lòng người lao động.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong việc mang lại lợi ích, bảo vệ quyền lợi của người lao động, các cấp công đoàn Thành phố đã tập trung chỉ đạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thỏa ước; phối hợp với người sử dụng lao động thương lượng, đối thoại, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước. Vì vậy, số lượng và chất lượng thỏa ước được ký kết đã tăng mạnh so với đầu nhiệm kỳ. Đến nay, toàn Thành phố đã có 8.674 bản thỏa ước. Các điều khoản cơ bản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của luật như tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, điều kiện làm việc...

Công đoàn các cấp đã chủ động đổi mới trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc; tích cực tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, nội quy, quy chế thuộc ngành, địa phương, đơn vị và doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Đối với vấn đề tiền lương của người lao động, bên cạnh việc Chính phủ điều chỉnh tiền lương tối thiểu hàng năm theo quy định, các cấp Công đoàn Thành phố đã tiến hành khảo sát mức sống thực tế của người lao động để tham gia cùng người sử dụng lao động xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tại doanh nghiệp, đề xuất thêm các khoản phụ cấp ngoài lương, do đó, thu nhập bình quân của công nhân lao động khu vực sản xuất năm 2017 đạt khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng, tăng so với đầu nhiệm kỳ.

Cùng với đó, Liên đoàn Lao động Thành phố đã thành lập một Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Thành phố và 28 tổ tư vấn pháp luật tại các quận, huyện và các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn. Từ năm 2016 đến nay, đã có 1.970 công nhân lao động được cán bộ công đoàn Thành phố hỗ trợ các thủ tục pháp lý hoặc đại diện theo ủy quyền tham gia khởi kiện thành công, đòi lại tiền doanh nghiệp nợ lương và bảo hiểm xã hội người lao động trên 17 tỷ đồng.

Liên đoàn Lao động Thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các doanh nghiệp thực hiện chưa tốt, kiến nghị xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm, từ đó tác động tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp; tuyên truyền, tập huấn những quy định pháp luật mới cho cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động và công nhân lao động, góp phần nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động hiểu rõ hơn về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng được pháp luật quy định.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động Thành phố định kỳ khảo sát và lập danh sách các doanh nghiệp đông công nhân có biểu hiện vi phạm pháp luật lao động: nợ bảo hiểm xã hội trong thời gian dài, thường xuyên chậm trả lương, tiềm ẩn tranh chấp lao động, để đề xuất cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động những đơn vị này.

Công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ, cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động cũng luôn được các cấp Công đoàn Thành phố quan tâm. Mạng lưới an toàn vệ sinh viên trong các doanh nghiệp thường xuyên được kiện toàn, tập huấn. Công tác tuyên truyền, cảnh báo nhằm nâng cao ý thức của người lao động trong việc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động được chú trọng. Liên đoàn Lao động Thành phố đã phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Đặc biệt, Liên đoàn Lao động Thành phố đã thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động, góp phần kéo giảm các vụ tranh chấp lao động và đình công. Giai đoạn 2008 – 2012, toàn Thành phố có 627 vụ ngừng việc tập thể, đình công; đến giai đoạn 2013 – 2017, con số này là 360 vụ (bằng 59%); trong đó, năm 2013 toàn Thành phố xảy ra 97 vụ; đến năm 2017, con số này là 39 vụ.

Nâng cao kiến thức-kỹ năng nghề nghiệp và pháp luật

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa, hiện nay, địa bàn Hà Nội có 2,5 triệu lao động. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đang quản lý 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; 23 công đoàn cơ sở trường đại học, cao đẳng với tổng số hơn 8.000 công đoàn cơ sở và 600.000 đoàn viên. Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục trong công nhân viên chức lao động, có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với các cấp công đoàn, hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực và sát với tình hình thực tế.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội Trần Thị Phương Hoa trình bày tham luận. Ảnh: TTXVN

Theo đó, Liên đoàn Lao động Hà Nội lựa chọn nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Đối với đội ngũ cán bộ công đoàn từ cơ sở, đã tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, của Công đoàn, các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động. Đối với công nhân lao động, đó là kiến thức pháp luật liên quan đến quan hệ lao động, đến quyền và nghĩa vụ của người lao động, của công dân, kiến thức về nghề nghiệp, giới tính, sức khỏe sinh sản; in và phát hành hàng triệu cuốn sổ tay pháp luật, tờ rơi, tờ gấp, áp phích đến đoàn viên và người lao động; phát hành miễn phí 9.200 tờ báo/kỳ tới công nhân lao động các khu công nghiệp và Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân; tổ chức nhiều buổi giao lưu trực tuyến về kiến thức pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của công nhân lao động.

Cùng với đó, Liên đoàn Lao động Hà Nội đã triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp” gắn với xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Năm trật tự văn minh đô thị”, “Năm kỷ cương hành chính”; hàng năm tổ chức “Hội chợ hàng Việt” tại các Khu công nghiệp phục vụ công nhân lao động và nhân dân địa phương; tổ chức hoạt động chiếu phim miễn phí, “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”; thành lập mới 19 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, thành lập 42 Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân.

Liên đoàn Lao động Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động nhân “Tháng Công nhân”, “Tết Sum vầy”; Chương trình “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”; tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại giữa Công đoàn - Người sử dụng lao động - Người lao động, qua đó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết các vấn đề người lao động bức xúc; tổ chức nhiều hình thức khác nhau để giáo dục kiến thức – kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, các buổi sinh hoạt của Công đoàn.

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại các Khu công nghiệp, chế xuất xây dựng lực lượng công nhân nòng cốt trong doanh nghiệp, chủ động nắm tâm tư, nguyện vọng, tình hình tư tưởng đoàn viên; giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc và xử lý nhanh các tình huống xảy ra. Việc tuyên truyền, giáo dục được triển khai với nhiều hình thức phong phú, hướng đến từng người lao động; ngoài các phương thức truyền thống, đã coi trọng và sử dụng rộng rãi mạng xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

Thu Phương-Thanh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chinh-tri/chia-se-giai-phap-cham-lo-doi-song-vat-chat-tinh-than-cho-nguoi-lao-dong-20180925111943462.htm