Chia sẻ dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số

Với Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường; người dân, doanh nghiệp có thể xem dữ liệu phân khu, diện tích, quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất... toàn thành phố TP. Hồ Chí Minh trên nền tảng trực tuyến. Đây sẽ là một trong những nền tảng số đáp ứng chuyển đổi số trong ngành tài nguyên và môi trường nói riêng và chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh nói chung.

Đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, thực hiện khoản (b), mục 3, Điều 27 của Nghị định 73/2017/NĐ-CP về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại khoản (b), mục 1, Điều 6 của Quyết định số 37/2018/QĐ-UBND về việc Xây dựng Cổng thông tin tài nguyên và môi trường phục vụ lưu trữ, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường giữa các cơ sở dữ liệu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành; Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành xây dựng Cổng thông tin dữ liệu Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh vào năm 2021. Đồng thời, để dữ liệu, thông tin về tài nguyên và môi trường dễ dàng được tiếp cận khai thác và sử dụng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng bước đầu Hệ thống trục tích hợp các dịch vụ Web ngành tài nguyên và môi trường vào năm 2020.

Ông Bùi Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, Cổng thông tin dữ liệu Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh và Hệ thống trục tích hợp các dịch vụ Web ngành tài nguyên và môi trường đã hình thành Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường, nhằm phục vụ các cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định đã ban hành.

Hiện nay, nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường đã công bố và cung cấp kênh chia sẻ dữ liệu không gian địa lý cho gần 450 tập dữ liệu, thông qua các giao tiếp mở, chuẩn mở quốc tế và theo quy định của Nhà nước. Thông qua nền tảng này, các tổ chức cá nhân có thể hiểu rõ được dữ liệu và cách thức tiếp cận để tạo ra các ứng dụng phục vụ lợi ích cộng đồng trên nhiều nền tảng thiết bị khác nhau (điện thoại thông minh, máy tính cá nhân và nền tảng Web) mà không cần phải làm lại dữ liệu từ đầu, nhằm tiết kiệm kinh phí đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng giá trị dữ liệu. Trong đó, có dữ liệu bản đồ nền địa lý Thành phố, các quy hoạch sử dụng đất, các pháp lý về dự án liên quan đến quy hoạch đã được phê duyệt…

Theo các chuyên gia, nền tảng này cũng giải quyết một thực tế tồn tại thời gian qua là các loại dữ liệu tài nguyên và môi trường đang được quản lý phân tán ở nhiều nơi; các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường lưu giữ và quản lý dữ liệu thuộc chuyên môn của mình; các phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện lại lưu giữ và quản lý dữ liệu của huyện. Ngoài ra, dữ liệu tài nguyên và môi trường còn được quản lý và sử dụng bởi nhiều cơ quan, tổ chức khác. Trong khi, việc lưu trữ dữ liệu sau khi thu thập về cũng gặp không ít khó khăn do chưa có đầy đủ hạ tầng công nghệ thông tin cũng như về nhân lực. Để cập nhật được cơ sở dữ liệu cấp địa phương lên cơ sở dữ liệu quốc gia, cần có một công cụ để chuẩn hóa, chuyển đổi, biên tập các dữ liệu theo một chuẩn chung để trao đổi và cập nhật dữ liệu thường xuyên. Đây cũng là hoạt động tham gia vào hành trình chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Bùi Hồng Sơn, trước đây, các bản đồ của Sở Tài nguyên và Môi trường chưa được đăng tải trực tuyến. Khi muốn lấy dữ liệu đất đai, các đơn vị phải gửi văn bản yêu cầu để nhận tệp dữ liệu bản đồ, sau đó mới khai thác. Với nền tảng này, người dân có thể truy cập trực tuyến miễn phí, còn cơ quan nhà nước được cấp tài khoản để lấy dữ liệu theo nhu cầu.

Dữ liệu đất đai được chia sẻ đầy đủ trên Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường
Nguồn: Sở TNMT TP.Hồ Chí Minh

Hướng tới hình thành cộng đồng mở

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng, dựa trên nền tảng này, Sở đang xây dựng dự án dữ liệu thông tin giá đất để người dân, doanh nghiệp có thể theo dõi. Với các đơn vị khác, đây sẽ là dữ liệu nền để tạo ra nhiều ứng dụng mới, nhằm quản trị tổng thể.

Đơn cử như trên bản đồ nền mà Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp, Sở Giao thông vận tải có thể chồng các lớp về giao thông để quản lý giao thông của Thành phố. Các ngành khác như Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giáo dục và Đào tạo... cũng có thể sử dụng bản đồ nền từ gốc của ngành tài nguyên và môi trường, để chồng thêm các lớp quản lý (thông tin về đo độ cao, quản lý về mức độ ngập lụt, kiểm tra pháp lý của các quy hoạch sử dụng đất...). Hay mới đây, khi Sở Tài nguyên và Môi trường thí điểm cho phép khai thác dữ liệu trên nền tảng này, quận Bình Tân đã dùng các lớp dữ liệu như ảnh vệ tinh, thông tin địa chính, kế hoạch sử dụng đất trên nền tảng... để phát triển ứng dụng trong quản lý đô thị. Cụ thể như giám sát trật tự xây dựng bằng cách so sánh hình ảnh viễn thám các thời điểm khác nhau để thấy sự thay đổi của nhà cửa, rà soát quy hoạch.

Thông tin thêm về nền tảng này, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, Sở hiện đang hoàn thiện bảng giá đất của thành phố. Tới đây, khi hoàn thành, sẽ cập nhật lên nền tảng này và các đơn vị, người dân có thể xem được giá đất của địa phương mình, số lượng giao dịch mua bán… Sở Tài nguyên và Môi trường mong muốn và kỳ vọng, các tổ chức, cá nhân sẽ tìm hiểu, khám phá dữ liệu tài nguyên môi trường và khai thác, sử dụng hiệu quả, để đem lại lợi ích cho chính mình và cộng đồng theo đúng quy định của Nhà nước. Sở sẵn sàng hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn sử dụng nền tảng này cho tất cả các sở - ban - ngành, quận - huyện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Việc làm này giúp hình thành cộng đồng mở và giúp làm mới (cập nhật các biến động) về dữ liệu chuyên ngành.

Thanh Điểu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/moi-truong/chia-se-du-lieu-thuc-day-chuyen-doi-so-i299764/