Chia sẻ công bằng lợi ích và trách nhiệm của các quốc gia

Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học (ĐDSH) biển nằm ngoài vùng tài phán quốc gia là vấn đề mới đang được Liêp hợp quốc thảo luận để xây dựng một cơ chế pháp lý. Các nhà hoạch định chính sách và nhà khoa học đều cho rằng, vấn đề này chưa tác động nhiều đến Việt Nam, nhưng để duy trì và bảo tồn nguồn tài nguyên cho tương lai, Việt Nam cần tham gia tích cực và có đóng góp thiết thực vào quá trình thảo luận vấn đề này tại Liên hợp quốc.

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm một mô hình bảo tồn ĐDSH hiệu quả của Việt Nam. Ảnh: Mạnh Trinh

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm một mô hình bảo tồn ĐDSH hiệu quả của Việt Nam. Ảnh: Mạnh Trinh

Hướng tới một cơ chế quản lý thống nhất

Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến nay, các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia được điều chỉnh bởi một số văn bản pháp lý quốc tế ở cấp toàn cầu và khu vực. Đặc biệt, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là văn bản pháp lý quốc tế ở cấp toàn cầu, là khuôn khổ pháp lý toàn diện đối với các đại dương của thế giới và biển; quy định quản lý sử dụng tất cả các đại dương và nguồn tài nguyên biển.

Ngoài ra, Công ước về ĐDSH năm 1992 là công cụ bổ sung hiệu quả đối với việc bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH biển. Mặc dù đã có hệ thống văn bản pháp lý ở cả cấp quốc gia và quốc tế, tuy nhiên, nguồn tài nguyên ĐDSH biển tại khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia đang chịu áp lực ngày càng tăng từ tác động của con người. Đặc biệt trong đó nảy sinh những bất hợp lý và không công bằng trong bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên này.

Theo ông Lê Việt Phương, Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, khó khăn hiện nay đối với việc bảo tồn ĐDSH ngoài vùng tài phán là thiếu cơ chế quản lý thống nhất đối với tài nguyên sinh vật. Về nguyên tắc, vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia là vùng biển quốc tế, tất cả các quốc gia có quyền sử dụng, khai thác tài nguyên. Nhưng do năng lực khác nhau, trên thực tế hiện nay, các nước phát triển đang thu được những khoản lợi khổng lồ từ khai thác các nguồn tài nguyên ở vùng biển quốc tế, đặc biệt là nguồn gen sinh vật biển, nguyên liệu dùng để chế tạo các loại thuốc đặc hiệu.

Trong khi, việc khai thác và chia sẻ lợi ích từ tài nguyên khoáng sản ở đáy biển quốc tế do một cơ chế quốc tế quản lý, còn việc khai thác tài nguyên sinh vật ở biển quốc tế chưa có một cơ chế quản lý tương tự. Thực tế này tạo ra sự bất công giữa các nước phát triển và nước đang phát triển về mặt lợi ích thu được, bởi những rủi ro và các tác động tiêu cực về môi trường thì tất cả các nước phải gánh chịu.

Chính vì vậy, từ năm 2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thành lập Nhóm làm việc về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH biển tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Nhiệm vụ chủ yếu của Nhóm là nghiên cứu để khuyến nghị những biện pháp, chính sách về bảo tồn và chia sẻ công bằng nguồn tài nguyên sinh vật, đặc biệt là các nguồn gen được khai thác từ vùng biển quốc tế.

Từ năm 2006 đến nay, Nhóm làm việc đã tổ chức 8 cuộc họp để thảo luận về vấn đề này. Việt Nam đang tích cực tham gia các cuộc hội thảo do Nhóm tổ chức. Quan điểm của các nước cơ bản thống nhất cho rằng, hệ thống các điều ước quốc tế và cơ chế tồn tại hiện nay không đáp ứng được những yêu cầu đặt ra đối với vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH.

Do vậy, cần phải xác định được những vấn đề hiện chưa được điều chỉnh để từ đó xác định phạm vi và nội dung cần có trong văn bản tương lai này. Văn bản mới này cần điều chỉnh các vấn đề từ khai thác, nghĩa vụ bảo tồn và duy trì nguồn gen vi sinh vật, chia sẻ lợi ích đến chuyển giao công nghệ và đào tạo nâng cao năng lực...

GS Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng: "Đầu tiên phải xác định đâu là vùng ngoài quyền tài phán quốc gia. Chúng ta phải cân nhắc ở Biển Đông có vùng gọi là vùng ngoài quyền tài phán quốc gia không? Lợi ích của Việt Nam đối với khu vực này như thế nào?".

Vấn đề ông Tuấn nêu, ông Vũ Hoài Đăng, Ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao nêu quan điểm: "Chúng ta có nhiều lợi ích khi tham gia xây dựng cơ chế pháp lý về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH biển ngoài quyền tài phán quốc gia. Thứ nhất là lợi ích từ việc khai thác tài nguyên. Thứ hai là đảm bảo được quyền có quyền đặc quyền kinh tế và bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về đường lưỡi bò".

Phải bắt đầu từ bảo tồn ĐDSH vùng biển Việt Nam

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là một trong những nước có ĐDSH biển cao của thế giới, với hơn 20 kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Thế nhưng, hiện, nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển và bảo tồn, quá trình xây dựng thương hiệu ĐDSH biển trong hội nhập quốc tế.

Theo TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, để bảo vệ ĐDSH biển thì các vùng biển đảo cận biên với vùng biển quốc tế giàu tài nguyên ĐDSH như đảo Trần, Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Phú Quý, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Cù Lao Chàm... cần được đánh giá, nghiên cứu. Cần có hỗ trợ cho nghiên cứu để phân vùng các vùng biển cận biên (tài phán của Việt Nam) phục vụ hợp tác quốc tế, bảo vệ tài nguyên với vùng ngoài tài phán.

Đề cập đến cơ chế quản lý, TS Dư Văn Toán cho biết: Việt Nam đang thiếu một đầu mối chung về quản lý tài nguyên đa dạng sinh học, mặc dù đã có rất nhiều cơ quan cùng tham gia. Ngoài ra, nước ta cũng còn thiếu lực lượng giám sát, các văn bản quy định pháp lý chưa đồng bộ, trong khi sự phân cấp, phân vùng cho hoạt động bảo tồn ĐDSH biển lại chưa rõ ràng.

PGS. TS Nguyễn Văn Cư, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định: Muốn bảo tồn và khai thác bền vững ĐDSH vùng biển sâu, xa, vùng ngoài quyền tài phán quốc gia cần phải bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH vùng biển của chúng ta. Theo ông, để bảo vệ và sử dụng ĐDSH bền vững vùng biển trong nước, phải bảo vệ các loài đặc hữu, kỳ quan sinh thái vùng biển nước ta qua việc xây dựng các khu bảo tồn biển. Công tác bảo vệ phải gắn với khai thác bền vững dựa trên một quy hoạch tổng thể được xây dựng từ nền tảng khoa học và công nghệ.

"Bảo vệ ĐDSH biển phải gắn với an ninh quốc gia, an toàn trên biển, nhất là ở vùng biển quốc tế. Và Việt Nam nên tham gia tích cực hơn vào các điều ước quốc tế" - Ông Cư nhấn mạnh.

Theo UNCLOS, các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia bao gồm: Cột nước ngoài vùng đặc quyền kinh tế, hoặc vượt quá lãnh hải mà không có đặc quyền kinh tế đã được tuyên bố, được gọi là "biển cả" (Điều 86) và đáy biển nằm ngoài giới hạn của thềm lục địa, được thành lập phù hợp với Điều 76 của Công ước, được gọi là "vùng".

Ở khía cạnh khai thác và bảo tồn các nguồn gen, TS Đào Việt Hà, Viện Hải dương học khẳng định, Việt Nam có nhiều thành tựu trong nghiên cứu cơ bản các nguồn tài nguyên biển, nhưng hoạt động nghiên cứu ứng dụng, ứng cứu ở vùng biển sâu, xa, ngoài vùng tài phán quốc gia còn hạn chế, có thể nói là chưa thực hiện được.

Nguyên nhân là do chúng ta thiếu trang thiết bị hiện đại, thiếu đồng bộ. Hiện, Việt Nam vẫn phải phối hợp với các nước khác trong nghiên cứu các vùng biển sâu, xa. Bà Hà đề xuất: "Nên đầu tư mua một tàu nghiên cứu khoa học biển hiện đại, thích hợp với điều kiện của Việt Nam và đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại về di truyền, độc tố và ĐDSH".

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chia-se-cong-bang-loi-ich-va-trach-nhiem-cua-cac-quoc-gia/