Chia sẻ các khuyến nghị đối với Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi

Trong khuôn khổ Dự án 'Nâng cao vị thế của lao động di cư ở Việt Nam' do Tổ chức OXFAM tài trợ và chương trình hợp tác cùng các mạng lưới và nhóm làm việc về lao động, sáng 20-6, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) phối hợp với Mạng lưới hành động vì lao động di cư (M.net) tổ chức Hội thảo 'Tham vấn và chia sẻ các khuyến nghị đối với Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi'.

Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ) và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn được ban hành đã điều chỉnh rất nhiều vấn đề như: Việc làm, hợp đồng lao động, cho thuê lại lao động, học nghề, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,…

 Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Các văn bản quy phạm về pháp luật lao động đã tạo hành lang pháp lý để người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động, tạo điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hòa và ổn định, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định việc làm và thu nhập của NLĐ. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động đã có ý thức chấp hành pháp luật lao động và có cách nhìn đúng đắn hơn về nghĩa vụ của mình đối với NLĐ. Đồng thời, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước về lao động thực hiện tốt vai trò và chức năng quản lý nhà nước, thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động, là cơ sở để giải thích, giải quyết tranh chấp lao động khi có phát sinh trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, sau gần 7 năm thực hiện, BLLĐ 2012 đã bộc lộ một số vấn đề bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với thực tế, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ngày 28-4-2019, Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội đã công bố Dự thảo lần 2 Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhằm thu thập ý kiến công chúng cho bản dự thảo này. Thời hạn tiếp nhận ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân là ngày 28-6-2019. Bản dự thảo này có nhiều thay đổi lớn liên quan đến khung giờ làm thêm; tiền lương; quấy rối tình dục; tổ chức đại diện người lao động; tuổi nghỉ hưu… Đây là một bộ luật hết sức quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận lớn người dân trong xã hội. Bộ luật này cũng sẽ có tác động trực tiếp đến nền kinh tế, chính trị và xã hội của Việt Nam.

Tại hội thảo các đại biểu đã trao đổi nhiều nội dung như: Cập nhật kết quả thảo luận của đại biểu Quốc hội về Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; quan điểm, góc nhìn của các bên; tham vấn khuyến nghị của các mạng lưới, tổ chức, các chuyên gia và các bên liên quan đến 4 chủ đề chính: Lương và thời giờ làm việc; tổ chức đại diện người lao động; phòng chống quấy rối tình dục và phân biệt đối xử trên cơ sở giới; giải quyết tranh chấp lao động; hoàn thiện các khuyến nghị…

Tin, ảnh: HỒNG UYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/chia-se-cac-khuyen-nghi-doi-voi-du-thao-bo-luat-lao-dong-sua-doi-577088