Chia rẻ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân trong dự án PPP

20 năm tới, mỗi năm Việt Nam cần thu hút từ 15 - 20 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng đất nước. Tuy nhiên, khung pháp lý hiện nay chưa đủ tin cậy để nhà đầu tư yên tâm rót vốn vào lĩnh vực hạ tầng.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ KH-ĐT đang gấp rút soạn thảo Luật đầu tư theo hình thưc đối tác công tư (Luật PPP) để gỡ bỏ các rào cản trong hợp tác đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân. Bàn về dự thảo Luật PPP, nhiều nhà đầu tư cho rằng vấn đề quan trọng nhất của Luật PPP là cơ chế hỗ trợ dự án, là sự chia sẻ rủi ro đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân.

Đại diện cho cơ quan soạn thảo Luật PPP, ông Trần Việt Dũng, Chánh Văn phòng PPP, Cục đấu thầu, Bộ KH&ĐT cho biết giờ chỉ có Nghị định 15 về hình thức đầu tư công tư và Nghị định 30 về lựa chọn nhà đầu tư thì không không giải quyết được vấn đề thu hút đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng. Cả hai nghị định này đều không có chế tài bởi cấp nghị định rất hạn chế. Đây là vấn đề được cơ quan soạn thảo lưu ý trong quá trình xây dựng dự thảo luật.

Bàn về bất cập trong cơ chế hợp tác đầu tư PPP hiện nay, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tasco, một doanh nghiệp (DN) nhiều năm tham gia thực hiện các dự án BOT, cho rằng vốn chủ sở hữu dự án là vấn đề cần quan tâm trong dự thảo. Theo Luật DN, thì DN phải bỏ hết vốn đầu tư nhưng với dự án hạ tầng lớn, nhà đầu tư đóng hàng ngàn tỷ vào “để chơi” rất lãng phí. Ngay cả với dự án Quốc lộ 1, vừa rồi Quốc hội cũng tạm thời đồng ý việc góp vốn theo tiến độ dự án. Vì nhà đầu tư đóng vào chỉ là hình thức, DN luôn phải tính toán lợi nhuận. Nếu đóng cả ngàn tỷ vào một chỗ để 5-6 tháng, thậm chí có dự án vướng GPMB tiền nằm một chỗ từ 2-3 năm, rất bất cập.

Vấn đề thứ 2 với dự án đầu tư hạ tầng là GPMB, vấn đề rất lớn hiện nay là thường giao cho cơ quan nhà nước địa phương thực hiện GPMB. Cần có những ràng buộc cụ thể trong hợp đồng PPP về tiến độ GPMB. Vì một dự án BOT có vốn đầu tư 5.000-7.000 tỷ đồng, thậm chí cả chục ngàn tỷ đồng nhưng công tác GPMB luôn luôn chậm trễ, trong khi nhà đầu tư đã bố trí hàng ngàn tỷ vào dự án rồi cứ phải ngồi chờ mặt bằng thiệt hại rất lớn.

Nhà nước với tư cách là một bên trong hợp đồng PPP cần có những cam kết cụ thể về GPMB, chứ không nói chung chung Nhà nước đảm nhiệm, đến khi GPMB không đúng tiến độ thì không ai chịu trách nhiệm, rồi lại đổ lên đầu DN. Cần quy định rõ, nếu hết thời hạn GPMB, cơ quan nhà nước không hoàn thành cũng phải chịu phạt hợp đồng. Tránh lãng phí vốn của DN, của xã hội.

Vấn đề rất quan trọng là hỗ trợ đầu tư cho các dự án PPP, trong đó quan trọng nhất là chia sẻ rủi ro dự án. Vị đại diện cho Tasco khẳng định đây là vấn đề cốt yếu của Luật PPP. Vì suốt thời gian qua chúng ta kêu gọi rất mạnh mẽ đầu tư vào BOT giao thông nhưng không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia. Cốt lõi ở đây là vấn đề Nhà nước chia sẻ rủi ro dự án.

Thí dụ, Tasco làm dự án BT tại Hà Nội 10 năm rồi, trong hợp đồng BT khẳng định rõ khi nhà đầu tư làm công trình BT, Nhà nước sẽ giao cho một khu đất đầu tư dự án bất động sản để hoàn vốn. Và đã định giá rõ giá trị công trình đổi giá trị đất đai là vật đổi vật ngang giá, không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Nhưng giờ sau khi làm dự án 10 năm, Hà Nội lại xin ý kiến bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính xem xét lại vấn đề này vì vướng luật này, luật kia mới thay đổi. Giờ Hà Nội vẫn không quyết toán hợp đồng BT khiến chúng tôi nản lòng. Dự án đã kinh qua bao nhiêu thời gian giá bất động sản trồi lên, sụt xuống, có những lúc DN bán dưới giá thành để tồn tại nhưng giờ thành phố cứ cân lên đặt xuống.

Nên Luật PPP sắp tới phải làm rõ, đã ký hợp đồng rồi Nhà nước phải tuân thủ cam kết như một bên tham gia hợp đồng PPP, chứ cứ bắt DN chạy theo những thay đổi trong chính sách của Nhà nước rất khó. Cơ quan nhà nước cấp dưới làm sai phải chịu trách nhiệm với cơ quan nhà nước cấp trên, nếu không nhà đầu tư không dám làm dự án PPP.

Đồng quan điểm, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Đèo Cả, nêu vấn đề dự thảo Luật PPP cần lưu ý tính nguyên tắc tuân thủ hợp đồng, nhà đầu tư, cơ quan nhà nước đều là một bên thực hiện hợp đồng, nhưng nhà đầu tư lại bị các mệnh lệnh hành chính can thiệp vào quá trình thực hiện hợp đồng. Ngay dự án Đèo Cả, có nhiều cam kết trong hợp đồng dự án mà Nhà nước không thực hiện được, chẳng hạn như cam kết thu xếp vốn GPMB dự án nhưng khi Nhà nước không thu xếp được nguồn, rồi phần vốn nhà nước làm phần BT trong dự án. Cần coi các cam kết trong hợp đồng là căn cứ pháp lý cao nhất trong các hợp đồng PPP. Hơn nữa cách hành xử các bên tham gia hợp đồng phải theo luật. Nhiều năm làm việc các cơ quan nhà nước thì thấy họ hành xử với nhà đầu tư như một cơ quan cấp dưới, bắt nhà đầu tư phải tuân thủ cả nghị quyết của ban cán sự Đảng là không được, vì nhà đầu tư là DN tư nhân, là một bên tham gia hợp đồng.
Quyết toán hợp đồng cũng vậy, vừa qua các hợp đồng BOT, BT đều có điều khoản trước khi nhà nước quyết toán hợp đồng đều phải kiểm toán độc lập dự án. Nhưng có dự án, hết kiểm toán độc lập, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra 2 -3 lần vẫn chưa quyết toán được. Nên Luật PPP cần đưa luôn Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán trước khi quyết toán hợp đồng, để tránh gây khó cho nhà đầu tư. Hay chỉ có một bộ phận chuyên kiểm toán dự án PPP, nếu bộ phận này làm sai nhà nước phải xử lý họ. Tránh nay lôi ra mai kéo vào làm DN quá mệt mỏi, nản lòng.

Hiện còn lại toàn các dự án hạ tầng lớn muốn kêu gọi đầu tư PPP, có rất ít nhà đầu tư trong nước đủ khả năng tham gia nên dự thảo Luật PPP phải tính đến sự phù hợp với thông lệ quốc tế để lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án PPP phát triển hạ tầng. Cần hướng tới nguồn tín dụng nước ngoài vì khả năng cung cấp của các nhà băng trong nước hiện nay khó đáp ứng được nhu cầu vốn của các dự án lớn. Trong thời gian qua, gần như chưa có nhà đầu tư nào tham gia vào các dự án BOT giao thông vì chưa có sự cam kết giảm thiểu rủi ro.

Nói về các vướng mắc khi triển khai dự án BOT, ông Phan Xuân Dương, Phó tổng giám đốc Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 kể rằng, dù đang đầu tư dự án BOT nhiệt điện Vĩnh Tân 3, công suất 2.000 MW, tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD, nhưng 9 năm qua dự án chưa khởi động được. Quá trình làm dự án, DN cảm nhận được cơ quan nhà nước vẫn là ông giời, nhà đầu tư vẫn phải đi xin họ. Vì vậy nếu ban hành Luật thì nên cần soạn sẵn nghị định, thông tư ban hành cùng lúc để DN đỡ vất vả. Tránh ngày nào cũng thay đổi giá trị hợp đồng, phải quy định mức điều chỉnh thay đổi, còn dưới mức đó nhà đầu tư phải chịu.

Kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới như tại Hàn Quốc, Luật PPP mạnh hơn các luật khác, có thể phủ quyết luật khác nếu vướng trong quá trình thu hút đầu tư PPP vào phát triển hạ tầng. Xu hướng xây dựng Luật PPP của nhiều quốc gia đã thay đổi, trước đây họ bảo đảm doanh thu tối thiểu cho nhà đầu tư tư nhân thì bây giờ họ đã chuyển sang xu hướng Nhà nước mua lại dịch vụ của nhà đầu tư tư nhân.

Đăng Tuân

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/quy-hoach-do-thi/chia-re-rui-ro-giua-nha-nuoc-va-tu-nhan-trong-du-an-ppp-56548.html