Chia năm học thành 4 kỳ: Khoa học nhưng cần lộ trình dài hơi

Với đề xuất chia năm học thành 4 kỳ của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, rất nhiều ý kiến đồng tình cho rằng đó là một tính toán khoa học. Tuy vậy, muốn triển khai cần xây dựng lộ trình dài hơi với nhiều điều chỉnh.

Học sinh tránh được “mùa dịch bệnh”

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội gần đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất Bộ GD&ĐT xây dựng kế hoạch và tổ chức 4 kỳ nghỉ trong một năm học như nhiều quốc gia khác. Nếu có thể áp dụng ngay từ năm học tới.

Theo lãnh đạo TP Hà Nội, nếu có 4 kỳ nghỉ thì tổng thời gian nghỉ Hè vẫn là 3 tháng, trong đó nghỉ Hè kéo dài 35 ngày, nghỉ Tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại mỗi kỳ nghỉ 2 tuần.

Trao đổi về ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đề xuất cơ quan có thẩm quyền chia năm học thành 4 kỳ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, TP Hà Nội Phạm Thị Lệ Hằng cho rằng, đây là một đề xuất khoa học. Theo bà Hằng, hiện nay học sinh được nghỉ hè 3 tháng, khoảng thời gian này là khá dài, dễ dẫn đến hiện tượng quên kiến thức, sao nhãng các thói quen và kỷ luật học tập.

Giáo viên vệ sinh phòng học tại trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình phòng chống dịch Covid - 19. Ảnh: Phạm Hùng

Giáo viên vệ sinh phòng học tại trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình phòng chống dịch Covid - 19. Ảnh: Phạm Hùng

Ngoài ra, giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán khí hậu Việt Nam thường rét, độ ẩm lớn và các loại dịch bệnh phát triển mạnh, do đó, nếu chia các kỳ học hợp lý, học sinh được nghỉ Tết nhiều hơn sẽ góp phần tránh được dịch bệnh lây lan và truyền nhiễm trong môi trường giáo dục. Cũng theo phân tích của Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, vào dịp Tết Nguyên đán, Việt Nam có nhiều lễ hội, giao thông đi lại khó khăn, với nguy cơ về ùn tắc, tai nạn nhiều nên học sinh được nghỉ thời điểm này là hợp lý, tránh được các rủi ro không đáng có.

Ủng hộ với nội dung đề xuất của người đứng đầu chính quyền TP, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội Lê Đức Thuận đánh giá, trong môi trường giáo dục luôn tránh những tư duy lối mòn. Bởi vậy, các đề xuất mang tính đột phá, đổi mới, và hội nhập luôn rất cần thiết. Theo ông Thuận, đã quá lâu, mọi người quen với mô hình 2 kỳ học mỗi năm, với kỳ nghỉ Hè quá dài. Trong khi đó, nhiều quốc gia với nền giáo dục tiến bộ đã phân chia các kỳ nghỉ đều hơn, trong đó có các kỳ nghỉ Đông hay Hè có khoảng thời gian tương đương (hơn kém 1 tháng).

Dẫn chứng lời Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, bà Nguyễn Thanh Hằng – Hiệu trưởng trường THCS Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, ở một số trường quốc tế trên địa bàn Thủ đô đã chia các kỳ nghỉ hợp lý, học sinh chỉ được nghỉ Hè từ 30 - 35 ngày, nghỉ Đông hơn 20 ngày cùng các kỳ nghỉ, dịp lễ khác.

“Học lâu quá, các em sẽ bị căng thẳng, quá tải, ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu bài giảng. Còn nghỉ lâu quá, khi trở lại, các em lại mất thêm một giai đoạn khởi động, làm quen do sức ì từ các kỳ nghỉ dài đem lại” – bà Hằng nói thêm.

Vấn đề mang tính quốc gia

Còn theo Hiệu trưởng trường THCS Lương Thế Vinh, quận Cầu Giấy, Hà Nội Phạm Trung Dũng, việc thay đổi chương trình học theo đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội mang tính quốc gia và cần lộ trình dài hơi với nhiều điều chỉnh lớn.

Phân tích của thầy Dũng cho thấy, để điều chỉnh một chương trình học mang tính vĩ mô, điều đầu tiên phải có chỉ đạo từ cơ quan quyền lực cao nhất – Quốc hội, sau đó, hệ thống pháp luật chuyên ngành điều chỉnh chi tiết với việc quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ GD&ĐT khi ban hành chương trình giáo dục mới.

“Đơn cử như việc thay đổi sách giáo khoa, ban đầu Quốc hội ban hành Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, sau đó, hệ thống luật về giáo dục được thông qua với tinh thần cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết 88. Các bộ sách lần lượt được Bộ GD&ĐT phê duyệt sau rất nhiều sự chuẩn bị công phu của các chuyên gia đầu ngành và sau đó mới áp dụng rộng rãi trên toàn quốc” – thầy Dũng ví dụ.

Cũng theo nhận định của Hiệu trưởng trường THCS Lương Thế Vinh, khi thay đổi 2 kỳ học thành 4 kỳ cũng đồng nghĩa với hàng loạt điều chỉnh lớn trong năm học. Cụ thể, theo thầy Dũng, việc chuyển sang 2 kỳ sẽ ảnh hưởng đến các kỳ thi truyền thống, như kỳ thi tuyển sinh đầu tháng 6 hằng năm, kỳ thi quốc gia, đại học vào tháng 7, tháng 8. Và có một lo ngại, khi giảm các kỳ nghỉ như hiện tại cũng đồng nghĩa với việc học sinh thiếu thời gian ôn thi cho các kỳ quan trọng, trong đó có kỳ thi quốc gia, đại học.

“Về cơ bản, tôi cho rằng, việc chia lại các kỳ học sẽ góp phần giảm tải, tránh được lối mòn học liền mạch, nghỉ dài hơi như hiện nay. Tuy nhiên, đây là đề xuất của người đứng đầu chính quyền Thủ đô, nhưng giả thiết áp dụng phải tính đến toàn quốc. Mà khi đã áp dụng ở toàn quốc, các cơ quan có thẩm quyền lại phải tính đến tính đồng bộ, áp dụng rộng và tính địa phương, với các đặc thù riêng” – thầy Phạm Trung Dũng nói.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới - GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, việc cân nhắc tăng thời gian nghỉ cho học sinh là cần thiết, tuy nhiên, cần xem xét đầy đủ các yếu tố xã hội, tự nhiên. Ví dụ ở Việt Nam là quốc gia nhiệt đới, với mùa Hè kéo dài, thời tiết nắng nóng. Khi ấy, nếu tính toán kỳ nghỉ Hè quá ngắn, sẽ gây những ảnh hưởng tới sức khỏe cho học sinh, sinh viên và ảnh hưởng hưởng đến việc tiếp thu kiến thức. Còn các kỳ nghỉ lễ, Tết cũng không nên kéo dài, học sinh dễ bị mất nết học tập, ngoài ra là những khó khăn cho cha mẹ khi thu xếp trông nom con cái.

Tại Pháp, mỗi học sinh sẽ đi học 160 ngày mỗi năm và được chia thành 4 kỳ học, giữa các kỳ sẽ nghỉ đến 2 tuần. Ngoài ra, các học sinh sẽ được nghỉ các kỳ lễ, như lễ Các Thánh, nghỉ Lễ Giáng sinh, nghỉ Đông, nghỉ Xuân, nghỉ Hè.

Bảo Thắng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chia-nam-hoc-thanh-4-ky-khoa-hoc-nhung-can-lo-trinh-dai-hoi-365622.html