'Chia lửa' với Bắc Giang trong phòng, chống dịch, Lạng Sơn chủ động đón công nhân về địa phương

Ngày 10/6, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức đón hơn 300 công nhân làm việc tại Bắc Giang về địa phương. Hoạt động này thể hiện sự quan tâm, chủ động của tỉnh nhằm chia sẻ, chung tay cùng tỉnh bạn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay. Phóng viên Thanh Huyền, Phó trưởng phòng Văn hóa - Xã hội Báo Lạng Sơn đã phỏng vấn nhanh đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn về vấn đề này.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết mục đích của việc đón công nhân từ Bắc Giang về tỉnh đợt này?

Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn.

Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn.

Đồng chí Dương Xuân Huyên: Trước tình hình dịch Covid-19 ở tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi số lượng công nhân của tỉnh Lạng Sơn làm việc tại 2 địa phương này rất đông, tại tỉnh Bắc Giang có hơn 21 nghìn người, Bắc Ninh gần 23 nghìn người.

Thời gian qua, để công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện có hiệu quả, nhằm ngăn chặn, khống chế không lây lan dịch sang các địa phương khác trong cả nước, UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu người lao động ngoại tỉnh ở lại tỉnh Bắc Giang; các lao động này đã được các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên quan tâm hỗ trợ ổn định đời sống và chăm sóc y tế.

Đến nay, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số khu nhà trọ, xóm trọ quanh các khu công nghiệp của tỉnh do tập trung nhiều người lao động ngoại tỉnh (hơn 60.000 người) đang lưu trú với mật độ rất cao.

Để bảo đảm an toàn cho người lao động, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, đồng thời góp phần giúp tỉnh Bắc Giang giảm bớt những khó khăn, nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phối hợp triển khai chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương liên quan tổ chức đón người lao động của tỉnh có nhu cầu trở về địa phương khi đã bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 gồm: Các trường hợp F0 đã được chữa khỏi bệnh, các trường hợp F1 đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung, đủ điều kiện trở về cách ly tại nhà; các trường hợp công nhân đang ở trong các vùng cách ly, giãn cách xã hội, cách ly y tế đã xét nghiệm RT-PCR âm tính 3 lần trở lên.

Ngày 3/6/2021, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn có buổi làm việc cụ thể với lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang để nắm bắt tình hình và bàn các biện pháp tiếp nhận, vận chuyển, cách ly 1.063 trường hợp người lao động đủ điều kiện về địa phương trong đợt 1 này.

Công nhân phải mặc đồ bảo hộ trước khi lên xe để bảo đảm yêu cầu phòng dịch.

Phóng viên: Lạng Sơn đã chuẩn bị các điều kiện để đón số công nhân này như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Dương Xuân Huyên: Sau khi làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang ngày 3/6, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là đầu mối, chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải và các cơ quan liên quan của tỉnh Lạng Sơn khẩn trương liên hệ, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang thống nhất thời gian, địa điểm tiếp nhận công dân của tỉnh về các huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn (chia làm 3 đợt theo từng ngày từ 10/6 đến 12/6/2021); rà soát danh sách để sắp xếp lộ trình, phương tiện đón công dân Lạng Sơn tại Bắc Giang, vận chuyển về các huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn bảo đảm tuyệt đối an toàn, khoa học, thuận tiện nhất.

Công nhân Lạng Sơn ngồi chờ trước khi lên xe về địa phương.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan của tỉnh Lạng Sơn làm việc với các ngành chức năng của tỉnh Bắc Giang thực hiện thủ tục bàn giao, tiếp nhận người Lạng Sơn tại Bắc Giang, bố trí mỗi xe vận chuyển có 1 người phụ trách (là công chức, viên chức của Sở Y tế hoặc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) để vận chuyển công dân Lạng Sơn từ tỉnh Bắc Giang về bàn giao cho các huyện, thành phố thực hiện cách ly theo quy định; yêu cầu người trên xe phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, hạn chế tối đa việc xuống xe trong quá trình vận chuyển; chuẩn bị trang thiết bị phòng, chống dịch (quần áo, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn…) và công tác hậu cần (nước uống, đồ ăn nhẹ…) cho người tham gia nhiệm vụ và các công dân đi về tỉnh Lạng Sơn.

Công an tỉnh Lạng Sơn bảo đảm công tác an ninh trật tự, an toàn trong quá trình đưa công dân từ Bắc Giang về Lạng Sơn; bố trí mỗi xe vận chuyển người lao động từ tỉnh Bắc Giang về tỉnh Lạng Sơn có 1 chiến sĩ công an để bảo đảm công tác an ninh trật tự.

Sở Giao thông-Vận tải Lạng Sơn có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế Lạng Sơn để bố trí xe ô tô đón, vận chuyển người Lạng Sơn từ tỉnh Bắc Giang về bàn giao cho các huyện, thành phố theo từng tuyến (như: tuyến Hữu Lũng - Chi Lăng - TP Lạng Sơn; tuyến Văn Quan - Bình Gia - Bắc Sơn…). Sở Tài chính thẩm định và cấp kinh phí để thực hiện công tác đón công dân từ Bắc Giang về tỉnh Lạng Sơn.

UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng, thực hiện phương án tiếp nhận, sàng lọc, cách ly công dân thuộc địa bàn quản lý theo danh sách kèm theo Công văn trên của UBND tỉnh Bắc Giang; giao đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, thành phố (là Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của huyện, thành phố) trực tiếp thực hiện việc tiếp nhận công dân tại huyện, thành phố, chỉ đạo khám sàng lọc, phân loại và bố trí cách ly công dân từ tỉnh Bắc Giang trở về địa phương theo hướng dẫn của ngành Y tế; bảo đảm chu đáo công tác hậu cần, sinh hoạt cho người cách ly tập trung, bố trí ăn uống tập trung một đầu mối để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang kiểm tra thông tin trước khi công nhân Lạng Sơn lên xe về địa phương.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết tỉnh có gặp khó khăn trong công tác tiếp nhận số công nhân này về các địa phương trong tỉnh?

Đồng chí Dương Xuân Huyên: Hiện nay, tỉnh cũng gặp 2 vấn đề khó khăn: Thứ nhất, là do số lượng công nhân đông, trong khi tỉnh không có phương tiện tập trung để tuyên truyền chủ trương của chúng ta cho công nhân biết nên một số ít công nhân tưởng được đón về nhà, vì vậy khi họ được bố trí tới các điểm cách ly thì tỏ thái độ không bằng lòng lắm.

Thứ hai, là do hiện nay tỉnh Bắc Giang thực hiện xét nghiệm gộp mẫu hàng nghìn mẫu 1 lần, do đó những mẫu nào dương tính thì họ mới xét nghiệm lại để xác định người dương tính. Vì thế, số công nhân này của chúng ta không có giấy chứng nhận đã xét nghiệm Covid-19 âm tính 3 lần.

Trước thực tế đó, tỉnh đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang để có sự thống nhất, tạo điều kiện để các công nhân nếu không có giấy chứng nhận cho từng trường hợp thì cung cấp chứng nhận theo một danh sách chung những trường hợp này đã có xét nghiệm âm tính 3 lần và có xác nhận của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang.

Các y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân vừa được đón về từ Bắc Giang.

Phóng viên: Sau khi trở về địa phương, tỉnh có chính sách gì để hỗ trợ những công nhân trên?

Đồng chí Dương Xuân Huyên: Tỉnh Lạng Sơn đã ủy quyền, phân cấp cho cấp huyện và các huyện, thành phố sẽ sử dụng kinh phí dự phòng của các huyện để lo cho công tác phòng chống dịch. Trước tiên, nếu cách ly tại khu vực trung tâm của huyện thì huyện lo về nơi cách ly, xét nghiệm, y tế, còn chi phí phục vụ nhu cầu ăn, uống hằng ngày thì theo quy định công dân phải đóng góp. Tuy nhiên hiện nay, số công nhân này không có việc làm, kinh tế khó khăn thì các huyện, thành phố chỉ đạo các tổ chức đoàn thể ủng hộ, phát động các “bếp ăn tình nguyện”, các suất ăn hằng ngày hỗ trợ cho công nhân đang phải cách ly trên địa bàn nhằm tạo điều kiện tốt nhất để họ được bảo đảm các điều kiện về cách ly.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Thanh Huyền (thực hiện)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/dich-viem-duong-ho-hap-cap-do-ncov/362009/chia-lua-voi-voi-bac-giang-trong-phong-chong-dich-lang-son-chu-dong-don-cong-nhan-ve-dia-phuong.html