'Chìa khóa vàng' của những thành quả mới

Học viện Hậu cần (HVHC) là trung tâm giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), nghiên cứu khoa học hậu cần, tài chính quân sự. Những thành tựu đạt được của Học viện hơn 71 năm qua luôn có những đóng góp to lớn của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD). Bởi thế, trong điều kiện mới, lãnh đạo, chỉ huy HVHC luôn xác định quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo (ĐNNG), CBQLGD ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ; xem đây là 'chìa khóa vàng' cho những thành quả mới.

Trong thư gửi Lớp cán bộ cung cấp-tiền thân của HVHC (tháng 6-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của giáo viên: “Các đồng chí giáo viên đã có nhiều kinh nghiệm hiểu rõ tình hình, biết thấu những ưu điểm và khuyết điểm của học trò, sẵn lòng chịu khó dạy dỗ...”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, ngay từ những ngày đầu và trong suốt chặng đường xây dựng, phát triển, HVHC luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ĐNNG cả về chuyên môn, phẩm chất và kinh nghiệm thực tiễn.

 Giảng viên Khoa Chỉ huy hậu cần, Học viện Hậu cần lên lớp đối tượng học viên đào tạo ngắn cán bộ hậu cần trung đoàn, sư đoàn, tháng 9-2022. Ảnh: THANH HẢI

Giảng viên Khoa Chỉ huy hậu cần, Học viện Hậu cần lên lớp đối tượng học viên đào tạo ngắn cán bộ hậu cần trung đoàn, sư đoàn, tháng 9-2022. Ảnh: THANH HẢI

Những năm kháng chiến và chiến đấu bảo vệ biên giới, nhiệm vụ GD-ĐT của Học viện luôn được quán triệt và thực hiện tốt quan điểm “nhà trường gắn liền với chiến trường”. Nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp giúp ĐNNG được trải nghiệm thực tiễn chiến đấu và công tác bảo đảm hậu cần cho bộ đội; tích lũy kiến thức thực tế, vận dụng xây dựng các bài giảng phục vụ giảng dạy. Từ kinh nghiệm ấy, những năm sau này, Học viện tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao trình độ, năng lực cho ĐNNG; kết hợp giữa bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ học vấn với cử cán bộ, giảng viên đi thực tế tại các đơn vị trong toàn quân.

Chỉ tính trong 10 năm gần đây, HVHC đã tổ chức đi thực tế đơn vị cho gần 200 lượt cán bộ, giảng viên. Đây là chủ trương đúng đắn, biện pháp hiệu quả và là kinh nghiệm quý báu; vừa giúp ĐNNG rèn luyện vừa tạo điều kiện nghiên cứu thực tế công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm hậu cần của các đơn vị để xây dựng nội dung huấn luyện sát tính thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo cán bộ, nhân viên hậu cần cho Quân đội.

Những năm gần đây, nhiệm vụ GD-ĐT của Học viện đang đặt ra yêu cầu đổi mới toàn diện để đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Để thực hiện tốt yêu cầu trên, một trong những giải pháp hàng đầu được Đảng ủy, Ban giám đốc HVHC xác định là tiếp tục lãnh đạo nâng cao hơn nữa trình độ, năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, nhà giáo.

Đảng ủy Học viện đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng ĐNNG, CBQLGD: Nghị quyết chuyên đề về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên ở nước ngoài đến năm 2020 và những năm tiếp theo (năm 2011); Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhà giáo trẻ đến năm 2020 và những năm tiếp theo (năm 2017); Nghị quyết lãnh đạo nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, CBQLGD giai đoạn mới (năm 2018) và Nghị quyết lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ HVHC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới (năm 2019).

Đồng thời, Đảng ủy, Ban giám đốc HVHC lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Từ năm 2010 đến nay, HVHC đào tạo và gửi đi đào tạo các bậc học hơn 500 lượt cán bộ, giảng viên... Ngoài ra, nhà trường thực hiện tốt chính sách đãi ngộ đối với ĐNNG; quan tâm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc; động viên, khuyến khích cán bộ, giảng viên tự học, tự nghiên cứu...

Nhờ vậy, hiện nay ĐNNG của HVHC đã được đào tạo cơ bản, đúng chuyên ngành, có phẩm chất tốt, trình độ kiến thức, năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học nhìn chung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhiều đồng chí có kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy tốt, một số giảng viên là chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực hậu cần, tài chính trong Quân đội. Đội ngũ giảng viên trẻ nhanh chóng tiếp cận tri thức mới, có trình độ chuyên môn vững vàng, trình độ tin học, ngoại ngữ khá, triển vọng phát triển tốt. Hiện nay, đội ngũ giảng viên của Học viện 100% có trình độ đại học trở lên, trong đó 77,8% sau đại học (19,4% tiến sĩ).

Thời gian tới, HVHC tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết các cấp về xây dựng ĐNNG, CBQLGD có trình độ tương xứng với công việc, ngành đào tạo; cụ thể hóa phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” của Bộ Quốc phòng. Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện tiếp tục triển khai nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng tiềm lực khoa học, chăm lo xây dựng ĐNNG, CBQLGD. Tập trung làm tốt việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch và kiên quyết thực hiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng ĐNNG, CBQLGD; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng đưa vào nguồn quy hoạch đội ngũ giảng viên, cán bộ có phẩm chất, năng lực tốt. Đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng, gắn bồi dưỡng tại chức với gửi đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội; đào tạo trong nước với học tập, nghiên cứu ở nước ngoài và thực tế ở cơ sở; phấn đấu đến năm 2025, 100% giảng viên có trình độ đại học trở lên, trong đó 90% có trình độ sau đại học (25% có trình độ tiến sĩ).

Cùng với đó, HVHC sáng tạo đổi mới, phát huy tốt tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tự đào tạo, bồi dưỡng, tự rèn luyện, tu dưỡng của ĐNNG, CBQLGD. Xây dựng môi trường sư phạm dân chủ, mẫu mực; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, kịp thời động viên ĐNNG, CBQLGD phấn đấu, rèn luyện và cống hiến... tạo tiền đề quan trọng, vững chắc thực hiện đột phá nâng cao chất lượng toàn diện công tác GD-ĐT của nhà trường trong tình hình mới, xây dựng HVHC ngày càng phát triển.

Thiếu tướng, TS LÊ THÀNH LONG - Phó chính ủy Học viện Hậu cần

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chia-khoa-vang-cua-nhung-thanh-qua-moi-711328