Chìa khóa nào mở cánh cửa hạnh phúc?

Điều người ta cố sức tìm kiếm trong đời là hạnh phúc, nhưng phần đông lại quên rằng đời sống vợ chồng - mạch nguồn phát triển gia đình - có thể là một tổ hợp dựng xây hạnh phúc.

Ảnh minh họa

Có ai đến với nhau mà không mong cầu hạnh phúc? Không những người trong cuộc mong cầu hạnh phúc mà ngay cả người ngoài cuộc cũng luôn chúc “trăm năm hạnh phúc” khi tổ hợp này hình thành. Vậy thì tại sao “Hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu”, và “hạnh phúc chẳng tày gang”? Cũng bởi người ta luôn cất công tìm kiếm những cái vĩ đại mà quên rằng cái đơn giản nhất luôn hiện hữu bên mình đó là đồ ăn thức uống, vật liệu cơ bản của tổ hợp hôn nhân.

Có thể nói thức ăn và những hiện tượng của sự sống có liên hệ mật thiết với nhau, nơi nào không có thức ăn thì nơi đó không có hiện tượng sống. Xét ở mức độ thông thường, chúng ta sở dĩ sống được là nhờ thèm ăn thèm uống. Vì sao ông bà ta lại dạy “Học ăn, học nói, học gói, học mở”? “Học ăn” vẫn là cái học quan trọng nhất và là cái học đầu tiên mà con người ta phải đạt được. Vậy “học ăn” là học cái gì và học như thế nào? Có phải là học về “thức ăn” và học về “cách ăn” không?

Học về thức ăn. Có phải học về cái nào ăn được, cái nào không ăn được, món nào ăn ít, món nào ăn nhiều, thức ăn nào tốt cho sức khỏe, thức ăn nào không tốt...? Học từ ông bà mình ăn những gì. Từ thời Vua Hùng đã xem hạt gạo và hạt nếp là thượng phẩm, vượt mọi sơn hào hải vị, trong lời răng của sự tích “Bánh Chưng Bánh Dày”. Thượng phẩm này đã hun đúc nên một Lang Liêu đủ đức đủ tài để được chọn kế vị ngôi vua. Học từ ngài Ohsawa, người Nhật, đó là lấy hạt gạo lức hoặc hạt cốc làm thức ăn chính. Điều này phù hợp với qui luật tự nhiên như con bò ăn cỏ, con cọp ăn thịt và con người ăn gạo lức hoặc hạt cốc.

“Nhân nào quả đó”. Chúng ta sử dụng thức ăn nào thì thức ăn đó sẽ quyết định sức khỏe, tuổi thọ và số phận tương lai của chúng ta. Nơi nào có sự sống, nơi đó luôn có đủ thức ăn cho nó. Thức ăn là cội nguồn của sự sống và những gì chúng ta làm đều bị chi phối bởi thức ăn mà chúng ta đã ăn vào. Hãy luôn dành cho thức ăn niềm tôn kính và tri ân sâu sắc nhất. Muốn có phương hướng tốt, chẳng gì dễ bằng thực hành ăn uống phù hợp với trật tự của tự nhiên.

Vậy thì còn cách ăn thì sao? Có gì khó đâu, chỉ cần bỏ vào miệng nhai rồi nuốt thôi mà, ai chẳng làm được. Có phải vậy không? Vậy thì tại sao người ta lại kháo nhau rằng “nhìn tướng ăn cách uống, biết chuẩn tính cách con người”.

Ảnh minh họa

Từ xa xưa, ông bà đã dạy rằng “ăn trông nồi, ngồi trông hướng; khi nhai không được hở môi, không được nói chuyện, không được phát ra tiếng động; làm ngược lại được xem là vô duyên”. Khi còn nhỏ, mình cứ cho rằng do bà nội mình phong kiến quá nên khó chịu. Mình cũng chẳng bao giờ tìm hiểu tại sao phải làm thế, bởi vì xung quanh phần đông đều vướng vào lỗi “vô duyên” này. Cho đến mãi sau này, tôi mới hiểu ra ông bà đã biết được rằng khi nhai chúng ta đang tiếp nhận một nguồn năng lượng vô cùng quý giá.

Thức ăn khi đưa vào miệng đang ở thể rắn, qua quá trình nhai kỹ, chúng dần chuyển qua thể lỏng. Tiếp tục nhai, thể lỏng chuyển dần sang thể khí cùng với sự nóng dần lên trong khoang miệng. Chúng ta đang tiếp nhận cái năng lượng khí ‘tinh’ này mà nếu chúng ta mở miệng ra thì đồng nghĩa với việc năng lượng sẽ thoát ra ngoài và phần còn lại để nuốt chỉ còn là phần bả ‘thô’ mà thôi.

Đó cũng chính là lý do ông bà dạy con cháu rằng “nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”. Về mặt sinh học: khi nhai kỹ, thức ăn được nghiền nát thành mịn hơn, sẽ dễ thấm dịch vị và enzyme, dẫn tới hiệu quả tiêu hóa thức ăn cao, cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể nên no được lâu.

Ngoài ra, thức ăn được nghiền mịn ở miệng sẽ góp phần giảm gánh nặng cho dạ dày, cơ thể đỡ tiêu tốn năng lượng cho hoạt động tiêu hóa cơ học ở dạ dày. Hoạt động nhai giúp kích hoạt bài tiết các men tiêu hóa, kích thích bài tiết nước bọt giúp phân giải tinh bột chín thành đường glucose, đồng thời kích thích bài tiết dịch vị ở dạ dày, trong đó có men pepsin, giúp tiêu hóa chất đạm.

Nhờ vào các men tiêu hóa của dịch vị, dịch tụy, dịch ruột và dịch mật mà các thức ăn là chất đạm, chất béo, chất bột được tiêu hóa thành dưỡng chất dễ hấp thu. Có ai kiên nhẫn ngồi nhai cơm cho thật kỹ trong thời hiện đại này? Hay ai cũng nghĩ rằng không có thời gian để làm việc đó, một việc cực kỳ quan trọng cho sự sống?

Người xưa lại bảo “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Bà và mẹ là những người đầu tiên dạy cho con “thức ăn” và “cách ăn”. Việc học ăn đầu đời sẽ theo suốt cuộc đời của con trẻ, xây nên cuộc sống hạnh phúc hay khổ đau, mạnh khỏe hay bệnh tật.

Rõ ràng, vai trò của bà và mẹ cực kỳ quan trọng. Vậy mà trong thời hiện đại, một số bà và mẹ “đào tạo” con cháu một cách “bài bản” là mỗi bữa ăn phải cố ép cho bằng được một tô thức ăn. Có khi còn dụ con xem tivi hay chơi điện thoại để được dịp đút thức ăn thoải mái mà không bị phản kháng. Vậy thì đừng bao giờ la mắng con khi lớn lên con vẫn ăn một cách vô ý thức, kéo theo làm việc một cách vô ý thức.

“Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất”, đó là câu nói cửa miệng của người xưa để răng dạy con cháu. Hai cái học đầu tiên “học ăn, học nói” cũng liên quan đến cái miệng. Vì sao những năm gần đây, bệnh tật của con người được phát hiện nhiều hơn, các bệnh về đột biến gen như tỷ lệ ung thư tăng, các loại u bướu kỳ dị phát hiện nhiều hơn.

Đây có phải là khoa học hiện đại phát triển, có thể phát hiện được những bệnh tật mà trước đây chưa thấy hay còn nguyên nhân sâu xa nào khác - nguyên nhân hình thành nên các bệnh này. Phải chăng ngày nay chúng ta đã “mở đường vào” dạ dày quá lớn, dung nạp hết tất cả: chất bảo quản, thuốc kích thích tăng trưởng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

“Đằng sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người đàn bà” và cũng lại “Đằng sau mọi tội lỗi đều có hình bóng đàn bà”. Vậy đàn bà có cái gì mà ghê gớm quá vậy. Đó chính là tầm quan trọng của người quản lý tổ ấm gia đình, người chăm sóc miếng ăn cho các tổ viên. Người này có khả năng kiến tạo sức khỏe cho tổ hợp hạnh phúc này. Người có khả năng tạo niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống và làm cho cuộc đời trở nên đáng yêu hơn, đó chính là người nấu bếp, phụ nữ, người vợ, người mẹ, “nội tướng của gia đình”. Các bà nắm trong tay một công cụ đầy quyền năng chi phối sự sống là cái bếp. Do đó, điều kiện tiên quyết là các bà phải hiểu được thức ăn nào tốt, thức ăn nào xấu. Không những hiểu mà còn phải biết thực hành. Nếu hiểu và hành được thì các bà tự nhiên có lòng kiên nhẫn, cẩn thận, khéo léo, dịu dàng, tế nhị, nhất là tâm hồn trở nên trong sáng, vị tha, và làm cho gia đình được yên vui lành mạnh.

Một gia đình tươi vui, ấm cúng là nơi nghỉ ngơi, bồi sức dưỡng tâm, là gốc rễ của sự sống, là cội nguồn sinh lực và là căn bản của cuộc đời. Vậy sự nghiệp vĩ đại nhất - cách mạng con người, cách mạng thế giới - nằm trong tay phụ nữ. Thất thú vị và đáng trân trọng biết bao.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/chia-khoa-nao-mo-canh-cua-hanh-phuc-post180526.html