'Chìa khóa' – mở ra một thế giới!

Ở thời hiện đại người ta hay nói tới hình ảnh 'chìa khóa' với ý nghĩa như một giải pháp, một 'cẩm nang', một cách giải quyết vấn đề. Ví như có hẳn một quyển sách có tên 'Chìa khóa giữ gìn hạnh phúc'. Lại có một Hội thảo khoa học có chủ đề là 'Bảo tồn Di sản Đô thị - Chìa khóa phát triển bền vững'...

Một bài báo khoa học thì ở trang đầu, dưới phần Tóm tắt bao giờ cũng phải có mục "Từ khóa" kèm theo dăm ba từ mang tính khái quát, tức tính "chìa khóa". Dưới nữa là phần Tóm tắt tiếng Anh phải có "Key words" (Từ khóa). Hiện nay các nước Âu Mỹ thường hay sử dụng từ "Key Match" chỉ cầu thủ nào có khả năng "mở ra" thế trận, có tính xoay chuyển tình thế của trận đấu (bóng đá)...

Thời hôm nay bất cứ ai cũng phải sử dụng tới hàng chục cái "chìa khóa". Đủ cả, chìa khóa nhìn thấy: Khóa nhà, khóa xe, khóa phòng, khóa hòm, khóa tủ... Lại có chìa khóa "ảo". Mở máy tính, mở điện thoại, mở thư điện tử, rút tiền... phải có "mã". "Mã" ấy chính là "chìa khóa". Thế nên có thể khẳng định "chìa khóa" là vật bất ly thân của bất cứ ai. Quên gì thì quên cấm được quên chìa khóa. Đến cơ quan lại quên chìa khóa ở nhà?! Đi làm về muộn lại quên chìa khóa ở cơ quan, tệ nhất là quên ở quán bia hay chỗ mua hàng...?! Đó là những "tai nạn" nhớ đời!

Chúa Giêsu trao chìa khóa Nước Trời cho Thánh Phêrô.

Chúa Giêsu trao chìa khóa Nước Trời cho Thánh Phêrô.

Quan trọng thế nên người ta mới thi vị hóa cái khóa cùng cái chìa bằng kim loại lạnh lẽo kia thành "báu vật" biểu tượng cho tình yêu vĩnh cữu, vững bền, bất tử không bao giờ nhạt phai. Đó là câu chuyện ở những xứ đầy mơ mộng kia các cặp uyên ương quấn quýt nhau, thề đến chết không lìa nhau bằng cách dìu dặt cùng lên cái cầu được gọi chung là "Cầu Tình yêu" rồi cả hai cùng viết tên nhau sao cho thật tình tứ vào ổ khóa rồi móc khóa vào thành cầu, tất nhiên phải khóa lại rồi... vứt chìa xuống sông, tức không bao giờ mở ra được nữa.

Thế là từ đây, mượn ý của Shakespeare, vĩnh viễn chỉ còn là sống trong lòng nhau, chết trong trái tim nhau và được chôn trong mắt nhau... Nhưng mà nhiều khóa đến nỗi nghe đâu nhà chức trách nước nọ vừa phải ra quyết định "cấm" vì sợ cầu quá... tải trọng và nước sông bị ô nhiễm vì... chìa khóa bị ném xuống!!!

Ngược dòng lịch sử thì thấy ý nghĩa của biểu tượng chìa khóa không thay đổi.

Trong thần thoại Ai Cập cổ đại, hình tượng con chó tên Anubis của Thần Chết giữ chìa khóa mở cửa dẫn lên Thiên đường hay xuống Địa ngục cho linh hồn người chết sau khi kiểm tra họ tốt xấu như thế nào. Trong thần thoại Hy Lạp chìa khóa biểu tượng cho sự thành đạt, quyền cao chức trọng khi để cho Thần nữ Ceres mang trong tay chiếc chìa khóa quyền lực tối cao.

Trong thần thoại Ai Cập thì chìa khóa còn là biểu tượng cho tình yêu, may mắn và hạnh phúc khi để cho nữ thần tình yêu sở hữu cái chìa khóa vàng mà ai nếu có sẽ mở ra cả một thế giới ngập tràn yêu thương. Người ta còn tìm thấy một số tượng Nữ thần Tình yêu và Nữ thần Biển cả nói lên ý nghĩa về sự dâng nguyện tình yêu và cống hiến của con người đều có hình chìa khóa.

Người Hy Lạp cổ quan niệm chìa khóa mang tính nước đôi, là biểu tượng của sự mở ra cũng đồng thời là biểu tượng cho sự tĩnh lặng tuyệt đối. Ở cửa đền thờ Adyton có khắc hình chìa khóa với ý nghĩa: Dâng kính hay cầu xin thần thánh phải giữ yên lặng; đến với Thánh là đến với sự mầu nhiệm bí ẩn, thiêng liêng vì chỉ Thánh mới có thể mở ra những bí mật cùng những ao ước khát khao của con người.

Trong tín ngưỡng đạo Hindu thì Thần Lord Ganesh là vị thần Voi, biểu tượng cho sự vượt qua những khó khăn, thường gắn liền với hình ảnh chìa khóa. Thần Ganesh còn gắn liền với sự thông minh và tri thức tâm linh nên sau này các tín đồ đạo Hindu thường tạo dáng chiếc chìa khóa có hình ảnh giống hình đầu voi biểu tượng cho việc mở ra một quá trình mới hoặc tiếp nhận thêm tri thức mới.

Trong thần thoại ở các nước châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc) thì chìa khóa như là biểu tượng về vị thần giữ cửa với lòng tin tưởng và tôn trọng đặc biệt của gia chủ. Tín ngưỡng Nhật Bản cho đến tận hôm nay vẫn coi ba chiếc chìa khóa buộc vào nhau sẽ đem lại sự may mắn. Nó là con đường đến với tình yêu, sức khỏe, sự giàu sang, tài lộc... Người Nhật quan niệm chìa khóa là biểu tượng hạnh phúc mở ra kho tàng của cải, ngọc ngà châu báu, mở ra kho tàng lúa gạo, cũng là mở cửa trái tim để cùng bước vào thế giới yêu đương...

Không ai quên câu thần chú "Vừng ơi, mở ra!" trong "Ali Baba và bốn mươi tên cướp" một trong những truyện hay nhất của "Nghìn lẻ một đêm" (Ba Tư). Alibaba một tiều phu nghèo , chăm chỉ, hiền hậu trở nên giàu có nhờ tình cờ phát hiện ra cái hang bí mật chứa đầy kho báu của bọn cướp cùng câu thần chú để mở ra, đóng lại. Người anh Kasim tham lam quên mất câu thần chú nên bị băng cướp giết chết thành sáu mảnh...

Như vậy câu thần chú kia chính là cái "chìa khóa" để mở ra sự sống giàu sang hay khép lại cái chết thảm thương. Ý nghĩa phổ quát rộng rãi của câu chuyện là mỗi người phải nắm giữ cái chìa khóa bí mật của cuộc sống mới có thể thành công và ngược lại. Muốn vậy phải chịu khó, chăm chỉ, phải rèn luyện trí nhớ, nhất là phải thật thà...

Cây cầu Tình Yêu trên dòng sông Seine (Paris, Pháp).

Với Kitô Giáo thì Đức Giêsu là người có quyền năng phục sinh cái chết. Với tấm lòng bao dung, nhân ái, Người lên án những kẻ giữ chìa khóa tri thức nhưng đã không làm gì có ích cho bản thân và người khác. Thánh Gioan là người được thấy và nghe tiếng Chúa Giêsu nói về chiếc chìa khóa quyền hành: "Ta là Ðấng Hằng Sống, Ta đã chết, nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời, và Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ". Thánh Gioan được ủy thác viết lại lời của Thiên Chúa tối cao: "Ðây là lời của Ðấng Thánh, Ðấng chân thật, Ðấng giữ chìa khóa vua Ðavít, Người mở ra thì không ai đóng lại được, Người đóng lại thì không ai mở ra được"...

Đức Chúa trao cho Thánh Phêrô giữ hai chìa khóa. Một bằng vàng biểu tượng của sức mạnh cho phép những người xứng đáng bước chân vào Nước Trời. Một bằng sắt để đóng cửa Nước Trời lại. Về sau với chức phận lớn lao, Thánh Phêrô vừa là người giữ cửa Nước Trời vừa chịu trách nhiệm về thời tiết nắng mưa. Nắng mưa chính là cái "chìa khóa" mở ra mùa vụ tốt tươi. Sau này tượng Thánh Phêrô thường có trong tay hai chiếc chìa khóa là theo cái tích ấy. Từ đó trên huy hiệu Đức Giáo hoàng luôn có hình hai chiếc chìa khóa.

Dần dần trong văn hóa phương Tây hình tượng chìa khóa được mở rộng, nới dần phạm vi biểu tượng không chỉ tượng trưng cho sự đóng/mở, còn là tượng trưng cho ranh giới sống/ chết; tự do, ánh sáng/ giam hãm, ngục tối... Rộng rãi hơn nó còn là biểu tượng cho quyền lực, sự mạnh mẽ, tri thức, sự khai mở, cách thức, phương pháp giải quyết tốt nhất. Người ta tặng nhau chìa khóa là tặng nhau những điều tốt đẹp, hy vọng, sự tin tưởng, điều hứa hẹn... và cả tình yêu nữa. Trao cho nhau chìa khóa là trao bí mật của trái tim để cả hai cùng mở ra con đường dẫn đến hạnh phúc...

Trong triều đình phong kiến phương Đông thì chìa khóa là biểu trưng cho ân sủng của nhà vua với vương phi, cung tần, mỹ nữ. Nhà thơ lớn Đỗ Mục có bài thơ "Cung oán" nổi tiếng, bản dịch nghĩa như sau: "Quan Giám cung dẫn ra, cửa cung tạm mở/ Theo lệ dẫn vào chầu, chứ không phải là ân vua/ Quan thu chìa khóa bạc, rồi lấy khóa vàng khóa lại/ Trăng sáng, hoa rụng, trời lại mờ tối". Âm hưởng câu cuối ở bản phiên âm rất hay, day dứt, bàng hoàng như mê như tỉnh trong không gian nhập nhoạng hoàng hôn, hôn hoàng: "Nguyệt minh hoa lạc hựu hoàng hôn".

Vua có tới hàng nghìn cung tần mỹ nữ, thế nên ai được hưởng ân "mưa móc" của "Hoàng thượng" là điều cực kỳ may mắn. Mà những cô gái xinh đẹp, tài năng, đang tuổi yêu đương ân ái lại bị cấm cung thì là một bi kịch khủng khiếp. Có người đã tự tử vì không chịu nổi cảnh bị "chôn sống". Bài thơ diễn tả rất sâu sắc tâm trạng xót xa, bàng hoàng, đau đớn ấy. Người cung nữ nồng nàn khao khát xuân tình, hôm ấy quá hồi hộp theo Giám cung ra ngoài tưởng rằng sẽ được hưởng ân vua.

Nhưng không phải. Giám cung thu chìa khóa bạc rồi lấy khóa vàng khóa lại. Nàng chết lặng trong nỗi oán sầu. Lúc ấy, trăng sáng, hoa rụng, trời lại mờ tối, "Nguyệt minh hoa lạc hựu hoàng hôn". Nỗi sầu liệu có gửi vào được nơi trăng, nơi cánh hoa tàn, nơi hoàng hôn? Nàng chỉ còn biết chờ đợi trong mỏi mòn thảng thốt "nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng" luẩn quẩn, chết mòn...

Bước vào thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, chìa khóa được thay bằng dấu vân tay, bằng tiếng nói... Nhưng đó cũng vẫn lại là... chìa khóa!!!

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/chia-khoa-mo-ra-mot-the-gioi-597871/