'Chìa khóa' mở cửa cho nông sản Việt ra thế giới

Nâng cao tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được quốc tế công nhận sẽ giúp nông sản Việt gia tăng xuất khẩu, mở rộng thị trường nội địa cũng như thâm nhập vào các thị trường nước ngoài.

Khoản đầu tư nhiều lợi ích

Ông Nguyễn Minh Kha (Đồng Nai) bắt đầu gây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm vào năm 2009. Mặc dù trang trại đáp ứng được các tiêu chuẩn để xuất khẩu vào Nhật, ông vẫn muốn nâng cao thương hiệu cho sản phẩm nhằm dễ dàng tiếp cận hơn với các thị trường trong khu vực và quốc tế, cũng như mở rộng tiêu thụ ngay tại thị trường nội địa.

Với sự tư vấn của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), cách đây 5 tháng, trang trại của ông Kha đã được cấp chứng nhận Global G.A.P. Việc áp dụng Global G.A.P đang mang lại nhiều kết quả tích cực cho trang trại của ông. Cụ thể, tỷ lệ chết và thải loại gia cầm đã giảm. Với cùng số ngày nuôi, gà xuất chuồng nay có trọng lượng nặng hơn, lượng thịt cao hơn khoảng 3-4,6% so với lứa gà trước khi được chứng nhận Global G.A.P.

Theo ông Kha, chứng nhận Global G.A.P sẽ giúp sản phẩm của trang trại thâm nhập các thị trường khó tính như châu Âu. Năng suất và giá thành tăng lên sẽ giúp bù đắp phần gia tăng chi phí đầu vào. Ông Kha còn dự định sẽ xây dựng thêm một trang trại mới với 10 chuồng nuôi gà thịt đạt chứng nhận Global G.A.P vào năm 2019 và sẽ tuyển dụng hơn 30 lao động làm việc cho trang trại này.

Bằng cách thiết lập một hệ thống tập trung vào vệ sinh và an toàn sinh học, giảm sử dụng kháng sinh, thực hiện truy xuất nguồn gốc, triển khai cùng với nhiều quy trình và tiêu chuẩn khác, trang trại gà sẽ đạt chứng nhận Global G.A.P.

Dù mang lại nhiều lợi ích, song khoản chi phí cho đầu tư và duy trì chứng nhận hiện vẫn là nỗi băn khoăn không nhỏ của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Kha, mức phí thường niên 2.500 USD để duy trì chứng nhận Global G.A.P, cùng một số các chi phí sắp xếp lại hoạt động sản xuất, là hoàn toàn xứng đáng .

Lãng phí 100 tỷ USD vì thực phẩm không an toàn

Theo IFC, thực phẩm không an toàn đang gây bệnh cho 600 triệu người và gây lãng phí hơn 100 tỷ USD do phát sinh các chi phí chăm sóc y tế, suy giảm năng suất lao động tại các nền kinh tế mới nổi.

Tại Việt Nam, thực phẩm và đồ uống chiếm tới 35% tổng chi tiêu hàng tháng của các hộ gia đình. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm của ngành này đạt 15%, là một trong những thị trường dẫn đầu châu Á. Song việc thiếu các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm có thể kiềm chế tiềm năng phát triển của ngành, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, đẩy các công ty địa phương ra khỏi các chuỗi giá trị thực phẩm hiện đại và cản trở sự tăng trưởng doanh thu của các công ty này.

IFC đã giúp nâng cao nhận thức cũng như xây dựng năng lực về an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam từ 2017. Trong vòng ba năm, cùng với sự hợp tác của New Zealand và Cộng hòa Slovakia, IFC sẽ làm việc với các doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu và các chuỗi cung ứng của họ nhằm cải thiện vấn đề an toàn thực phẩm và giúp họ đạt được các chứng nhận mà quốc tế công nhận.

Bằng cách triển khai các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiện đại, dự án được kỳ vọng sẽ giúp ít nhất 5 công ty và hàng nghìn nông dân trong chuỗi giá trị của họ tham gia vào dự án, nâng được tổng doanh số bán hàng lên thêm 30 triệu USD. Ngoài ra, nguồn tài chính mà các công ty này có thể tiếp cận được, nhiều khả năng sẽ tăng khoảng 25 triệu USD trong một năm sau khi hoàn thành dự án.

Doãn Phong

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/thi-truong-tieu-dung/chia-khoa-mo-cua-cho-nong-san-viet-ra-the-gioi-495426.html