'Chìa khóa miễn dịch' cho cả thế giới nằm trong tay ai?

Các nhà lãnh đạo thế giới đang đứng trước sức ép dỡ bỏ bảo hộ sáng chế đối với vaccine Covid-19 để tăng sản lượng toàn cầu.

Ngày 30/4, đề xuất tạm dừng bảo hộ bằng sáng chế, bản quyền, và thiết kế công nghiệp của các sản phẩm chống Covid-19 được đưa ra tranh luận trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đề xuất này do Nam Phi và Ấn Độ trình trước WTO lần đầu vào tháng 10/2020.

Cuộc tranh luận trên diễn ra trong bối cảnh nguồn cung vaccine cho các nước nghèo bị gián đoạn do số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ tăng mạnh. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải vội vã đi tìm vaccine.

 Từng là quốc gia xuất khẩu vaccine lớn nhất thế giới, giờ đây, Ấn Độ lại trở thành nước thiếu hụt vaccine. Ảnh: Reuters.

Từng là quốc gia xuất khẩu vaccine lớn nhất thế giới, giờ đây, Ấn Độ lại trở thành nước thiếu hụt vaccine. Ảnh: Reuters.

“Người dân khắp thế giới đang chết vì không được tiêm chủng, xét nghiệm, hoặc điều trị. Một số nước và công ty cần chia sẻ những nguồn lực có thể được dùng để cứu người”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nói vào tuần trước.

Người ủng hộ cho rằng đề xuất tạm dừng bảo hộ bằng sáng chế vaccine sẽ giúp các nhà sản xuất bắt đầu chế tạo và vận chuyển vaccine tới những nơi có nhu cầu cấp thiết nhất. Nhưng người phản đối đặt câu hỏi liệu đây có phải cách tốt nhất để mở rộng nguồn cung hay không.

Cùng ngày 30/4, nhóm ủng hộ cho biết có thể điều chỉnh nội dung đề xuất để đạt được tiếng nói chung. Những điều chỉnh này sẽ được thảo luận trước hội đồng quyền sở hữu trí tuệ vào tháng 5.

Tranh cãi trong nội bộ WTO

Theo Hiệp định TRIPS (thỏa thuận về khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ), các quốc gia trong WTO phải công nhận bằng sáng chế độc quyền 20 năm cho dược phẩm, bao gồm vaccine.

Nhưng hiện tại, hơn 100 quốc gia, chủ yếu là các nước đang phát triển, tỏ thái độ ủng hộ đề xuất tạm đình chỉ thỏa thuận TRIPS. Ngược lại, một số nền kinh tế giàu trong Liên minh châu Âu, Anh, Thụy Sĩ, và Mỹ cho rằng quyền sở hữu trí tuệ cần được tôn trọng để tạo động lực thúc đẩy các công ty dược phẩm đầu tư nghiên cứu và phát triển.

Một vài quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc, vẫn để ngỏ khả năng trao đổi về đề xuất trên.

Một cơ sở sản xuất vaccine Covid-19 tại Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Dagfinn Sorli, Đại sứ Na Uy tại WTO kiêm Chủ tịch Hội đồng về những khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, cho rằng có căn cứ để bày tỏ thái độ “lạc quan thận trọng” sau những lần trao đổi gần nhất về đề xuất tạm đình chỉ TRIPS.

Chẳng hạn, Mỹ trong quá khứ là nước đề cao vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với lập trường cứng rắn. Nhưng lúc này, có một số dấu hiệu cho thấy Mỹ đang nghiêm túc cân nhắc việc tạm dừng bảo hộ sáng chế.

Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai tuần trước có trao đổi về vấn đề này trong cuộc gặp mặt với Bill Gates cùng các giám đốc điều hành từ Pfizer và AstraZeneca, hai công ty sản xuất vaccine.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki ngày 27/4 cũng xác nhận việc ngưng bảo hộ bản quyền là “một trong những cách” tăng cường nguồn cung vaccine mà Nhà Trắng đang xem xét.

Nếu Mỹ thay đổi thái độ, điều này có thể khiến tình hình tại WTO có chuyển biến đáng kể, theo Deborah Gleeson, phó giáo sư y tế công cộng thuộc Đại học La Trobe (Australia).

Sức ép ngày càng tăng

Trong bối cảnh đại dịch tăng tốc và tình trạng thiếu hụt vaccine cận kề, các nhà lãnh đạo thế giới đang ngày càng chịu sức ép yêu cầu ủng hộ đề xuất tạm dừng bảo hộ sáng chế vaccine.

Đầu tháng 4, hơn 170 cựu nguyên thủ quốc gia và người thắng giải Nobel đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ ngưng bảo hộ bản quyền.

Tại Australia, hơn 700 chuyên gia y tế và học giả tuần trước cũng thúc giục Thủ tướng Scott Morrison làm điều tương tự. Đồng thời, 400 người từ Nghị viện châu Âu và nghị viện các quốc gia thành viên đã cùng ký lời kêu gọi ủng hộ biện pháp tạm dỡ bỏ bằng sáng chế.

Các nhà hỏa táng tại New Delhi, thủ đô Ấn Độ, đang trong tình trạng quá tải vì số người chết tăng cao. Ảnh: Reuters.

Prabhash Ranjan, giáo sư luật thuộc Đại học Nam Á (Ấn Độ), cho rằng “tình thế cấp bách tại Ấn Độ có thể gây thêm sức ép và khiến số ít các quốc gia phát triển đang chặn đề xuất phải nhượng bộ”.

Khủng hoảng lây nhiễm trong làn sóng thứ hai đã khiến Ấn Độ phải hạn chế xuất khẩu, trong khi quốc gia này là một nhà cung cấp lớn cho chương trình phân phối vaccine Covid-19 toàn cầu của WHO (còn gọi là cơ chế COVAX).

90 triệu liều vaccine AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất dự kiến được phân phối cho COVAX trong hai tháng qua. Tuy nhiên, số liều vaccine này đã bị trì hoãn.

“Sức ép là điều rất hữu ích”

Một số người phản đối ngưng bảo hộ bản quyền tỏ thái độ muốn mở rộng quy mô sản xuất vaccine thông qua các thỏa thuận li-xăng giữa nhà phát triển vaccine và nhà sản xuất. Thỏa thuận li-xăng cho phép chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ có giới hạn.

Ugur Sahin, Tổng giám đốc điều hành BioNTech nhà sản xuất vaccine Đức, tuần này đã lên tiếng ủng hộ biện pháp dùng thỏa thuận li-xăng. Ông Sahin cho rằng ngưng bảo hộ bản quyền “không phải là giải pháp”.

Nhưng những người phản đối cho rằng số vaccine được sản xuất dưới dạng thỏa thuận li-xăng không đủ. Những người này kêu gọi cần có cơ sở sản xuất rộng hơn để sớm ngăn chặn đại dịch.

“Rất hiển nhiên, chính quyền cần phải có hành động để buộc các nhà sản xuất vaccine chia sẻ tri thức và công nghệ”, phó giáo sư Gleeson nói.

Bất chấp phía phản đối chịu sức ép ngày càng lớn, người ủng hộ đề xuất tạm dừng bảo hộ sáng chế vẫn phải trải qua cuộc chiến cam go nếu muốn đạt được sự đồng thuận 100% - mức cần thiết để đề xuất được thông qua tại WTO, theo Enrico Bonadio, phó giáo sư luật sở hữu trí tuệ tại Đại học City (Anh).

Dù vậy, các cuộc thảo luận sắp tới có thể thúc đẩy các công ty và chính phủ tìm ra những cách khác để mở rộng quy mô sản xuất.

“Trong những kịch bản này, sức ép là điều rất hữu ích”, phó giáo sư Bodanio nói.

An Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chia-khoa-mien-dich-cho-ca-the-gioi-nam-trong-tay-ai-post1210515.html