'Chìa khóa' giảm tải cho bệnh viện ở Trung Quốc

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện là chuyện thường xuyên diễn ra ở Trung Quốc do hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia này từ lâu đã phải vật lộn với việc thiếu hụt bác sĩ. Để tháo gỡ vấn đề trên, Trung Quốc đang ứng dụng các công nghệ hiện đại vào việc khám, chữa bệnh cho người dân…

“Người khổng lồ” thương mại điện tử vào cuộc

Theo Reuters, tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc), xe cứu thương có thể lưu thông trên đường nhanh hơn nhờ vào sự trợ giúp của hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data). Hệ thống hỗ trợ xe cứu thương này đang được Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba thử nghiệm và có khả năng gửi thông tin đến một máy chủ có liên kết với mạng lưới giao thông của thành phố. “Người khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc cũng hy vọng sử dụng hệ thống điện toán "đám mây" của mình để giải quyết các vấn đề làm xáo trộn hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc, như: Tắc đường, đông bệnh nhân, tình trạng bệnh nhân chờ đợi lâu để thăm khám cũng như thiếu hụt đội ngũ bác sĩ...

Tập đoàn Alibaba đang hợp tác với một bệnh viện ở Thượng Hải trong việc sử dụng dữ liệu để dự đoán nhu cầu của bệnh nhân và phân bổ bác sĩ. Ở tỉnh Chiết Giang, tập đoàn này đang nghiên cứu các công cụ chẩn đoán có sự hỗ trợ của AI để phân tích các hình ảnh y tế như chụp cắt lớp (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI).

 Người dân chạm vào màn hình robot tích hợp công nghệ AI tại một bệnh viện ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters.

Người dân chạm vào màn hình robot tích hợp công nghệ AI tại một bệnh viện ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters.

Việc tham gia giải quyết những vấn đề khó khăn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Alibaba phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn ở Trung Quốc, nơi các công ty công nghệ đang chạy đua để thúc đẩy ngành y tế trong nước phát triển. Thị trường chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc được Công ty tư vấn toàn cầu McKinsey & Co. ước tính sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2020.

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc từ lâu đang vật lộn với sự thiếu hụt bác sĩ. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn tại nhiều phòng khám nhỏ ở địa phương do mức lương thấp. Điều đó có nghĩa là bệnh nhân thường tập trung vào các bệnh viện chuyên khoa lớn, dù cho bị bệnh nhẹ. Trong bối cảnh đó, các bệnh viện Trung Quốc ngày càng sử dụng nhiều công nghệ hiện đại để thu hẹp khoảng cách về chất lượng y tế giữa các thành phố lớn và vùng xa xôi, hẻo lánh của đất nước, nơi không đủ bác sĩ để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Với việc sử dụng hệ thống chia sẻ tài liệu và video phát trực tiếp, các chuyên gia có thể hướng dẫn nhân viên y tế tại cơ sở chẩn đoán cho bệnh nhân. Ngoài ra, hình thức tư vấn sức khỏe trực tuyến cũng đang phát triển nhanh chóng. Với đông đảo đội ngũ y sĩ, bác sĩ, DXY-một trong những mạng lưới bác sĩ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc-chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn cho những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, như tiểu đường trên nền tảng mạng xã hội WeChat.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của phòng thí nghiệm Tsinghua-iFly Teck thuộc Đại học Thanh Hoa và công ty AI hàng đầu của Trung Quốc iFlyTek đã hợp tác phát triển robot Xiaoyi. Robot này được sử dụng tại các bệnh viện Trung Quốc nhằm hỗ trợ các bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị lâm sàng, góp phần nâng cao độ chính xác và rút ngắn thời gian điều trị.

Trung Quốc đang cố gắng khắc phục vấn đề thiếu hụt bác sĩ và đặt mục tiêu tăng số lượng bác sĩ trên toàn quốc trong thời gian tới. Bắc Kinh đã ban hành luật hỗ trợ cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản dựa trên internet. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, trong năm nay, việc sử dụng công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có thể giúp cải thiện chất lượng dịch vụ y tế công cộng, vốn từ lâu là một mối quan tâm lớn do khó tiếp cận và tốn kém.

Không thể thay thế con người

Tuy vậy, các công ty công nghệ ở Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những trở ngại lớn. Ví dụ, các công ty này phải thuyết phục bệnh nhân khám bệnh trực tuyến hoặc khiến các bệnh viện chấp thuận chi thêm tiền vào những thiết bị công nghệ cao, hứa hẹn tăng hiệu quả khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Trong khi đó, nhiều bác sĩ và chuyên gia y tế cho rằng, công nghệ không thể giải quyết được hết các vấn đề mà ngành y tế Trung Quốc phải đối mặt. Ông Li Tiantian, người sáng lập và cũng là Chủ tịch DXY nhận định: “Công nghệ là quan trọng nhưng chưa đủ nếu tồn tại độc lập”.

Ông Wang Aihu, một chuyên gia tim mạch tại Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh, cho biết các trung tâm y tế ngày càng tăng cường sử dụng hệ thống đặt lịch hẹn khám bệnh và thanh toán trực tuyến. Chính ông cũng tiến hành thăm khám cho bệnh nhân ở các vùng sâu, vùng xa qua internet. Dù vậy, bác sĩ này nhận định hệ thống y tế tích hợp AI hoặc bác sĩ robot không thể thay thế hoàn toàn con người. “Những công nghệ đầy hứa hẹn này giúp đẩy nhanh và cải thiện hoạt động chẩn đoán nhưng không thay thế các bác sĩ, bởi đội ngũ này phải làm nhiệm vụ kiểm tra kết quả chẩn đoán”, ông Wang Aihu nhận xét.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chia-khoa-giam-tai-cho-benh-vien-o-trung-quoc-546260