'Chìa khóa' để ngành da giày hội nhập mạnh mẽ

Những tháng cuối năm 2019 ghi nhận bức tranh trái ngược giữa hai ngành sản xuất và xuất khẩu (XK) tương đồng là dệt may và da giày khi các đơn hàng XK dệt may sụt giảm khoảng 20% so bình quân cùng kỳ các năm, còn các đơn hàng XK da giày lại tăng 8-10%. Tận dụng tốt các cơ hội thị trường, cùng với việc từng bước giải quyết tốt công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là lý do giúp XK da giày đạt nhiều thành tích.

Nội địa hóa đến đâu?

Theo số liệu của Hiệp hội Da, Giày, Túi xách Việt Nam (Lefaso), hiện nay, ngành da giày đã chủ động được hơn 70% nguyên liệu phụ cho các dòng sản phẩm trung bình và 50% nguyên liệu cho các dòng sản phẩm trung bình khá. Trong đó, khoảng 90% bao bì giấy, 80% đế các loại, hơn 80% các loại khuôn-last, 60% phụ liệu, 50% da các loại… Nhìn chung, các chủng loại nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước có chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn cho sản xuất hàng XK hầu hết là sản phẩm của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng khá đa dạng như: Phụ kiện kim khí, nhựa, chỉ may, keo dán, một số hóa chất, da thành phẩm sản xuất từ da muối, da bán thành phẩm, giả da từ nhựa tổng hợp PU, PVC cao cấp…

Ðáng chú ý, những khung khổ hội nhập được Việt Nam thực thi gần đây đã và đang là cơ hội để thu hút đầu tư vào CNHT ngành da giày. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Lefaso nhận định, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) đã ký kết và chuẩn bị đi vào thực thi không chỉ là cú huých cho da giày Việt Nam mở rộng thị trường XK mà còn mang đến kỳ vọng lớn trong thu hút vốn vào phát triển CNHT cho ngành.

Trên thực tế, một số nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU), tiêu biểu là Italia đã hỗ trợ khá toàn diện cho ngành da giày Việt Nam, như phát triển đội ngũ thiết kế, quản lý cấp cao và hỗ trợ ngành tiếp cận và chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến, đặc biệt là công nghệ ngành CNHT. Những hỗ trợ này phần nào đáp ứng được nhu cầu của DN và giúp mở cánh cửa cho DN Việt Nam nắm bắt, vươn ra được thị trường thế giới.

Ðánh giá cao tiềm năng hợp tác của DN Việt Nam và DN Italia trong phát triển CNHT, bà Gabriella Marchioni Bocca, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất máy, thiết bị và công nghệ dành cho sản phẩm giày, đồ da và thuộc da của Italia (ASSOMAC) nhấn mạnh, chỉ trong vòng 5 năm (2013 - 2018) giá trị xuất khẩu máy móc ngành da giày Italia vào thị trường Việt Nam đã tăng gấp 10 lần, từ 3,4 triệu Euro lên 31 triệu Euro. Riêng Italia hiện là nhà cung cấp máy móc lớn thứ hai trong ngành da giày cho Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc.

Nhờ đó, hoạt động XK của ngành da giày Việt Nam đang tăng trưởng ổn định, có triển vọng phát triển trong các tháng cuối năm 2019 và những năm tiếp theo. Không chỉ vậy, Việt Nam cũng đã duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cơ hội mở rộng thị trường và tăng sức cạnh tranh của các DN trong ngành tiếp tục có nhiều thuận lợi. Phần lớn DN da giày có lượng đơn hàng XK tăng trung bình 5 - 10% so cùng kỳ năm trước.

Tại thị trường Mỹ, việc dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép XK từ một số nước có thế mạnh về lĩnh vực này đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép XK của Việt Nam. Ðặc biệt, Trung Quốc đang chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao nên các đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam. Mặt khác, Hiệp định Ðối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019 đang giúp ngành da giày mở rộng thị trường khu vực châu Mỹ với cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng như Mexico và Canada. Tổng kim ngạch XK giày dép các loại 11 tháng ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 12,5% so cùng kỳ năm ngoái. Với những thuận lợi về thị trường, dự báo sản xuất ngành da giày năm 2019 sẽ tăng hơn 10% so năm 2018.

Vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị

Mặc dù đã đạt được một số thành tích, song nhìn chung, CNHT ngành da giày vẫn bị đánh giá là còn điểm yếu. Thí dụ như nguyên phụ liệu cho ngành mới chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng của ngành đạt được không cao. Theo thống kê của Lefaso, hằng năm, các DN vẫn phải nhập khẩu các phụ liệu như: da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất…

Ðề cập giải pháp cho vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Lefaso cho rằng: Nhà nước cần hỗ trợ ngành hình thành các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT chuyên biệt cho ngành. Các khu công nghiệp này phải có nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Chính phủ tạo cơ chế thu hút các DN có công nghệ xử lý nước thải tiên tiến hỗ trợ DN da giày. Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Ðể đạt được mục tiêu kim ngạch XK tăng trưởng 10%, Lefaso đang tăng cường tham gia các hoạt động tham vấn các cơ quan nhà nước trong việc ban hành các chính sách liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Ðồng thời, thúc đẩy phát triển CNHT nguyên phụ liệu da giày, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và duy trì phát triển bền vững.

Về phía các cơ quan chức năng, để hỗ trợ DN đẩy mạnh phát triển CNHT ngành da giày, đại diện Bộ Công thương cho rằng, da giày là ngành thời trang, thay đổi liên tục, do đó cần phát triển CNHT sao cho hợp lý. Thứ trưởng Công thương Cao Quốc Hưng khẳng định: Chính phủ luôn ủng hộ DN. Nhưng chỉ có thể hỗ trợ ở mặt chính sách, còn việc hiện thực hóa hiệu quả các chính sách này rất cần sự chủ động của DN. Quá trình thực hiện đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực, tuy nhiên Lefaso Việt Nam cần có định hướng mới và cụ thể để các cơ quan chức năng của bộ nghiên cứu, triển khai theo hướng phù hợp.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Công nghiệp (Bộ Công thương):

Ðể ngành da giày Việt Nam nắm bắt được những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA…, cần giải quyết vấn đề xây dựng thương hiệu. Ðến nay, ngành da giày vẫn nằm trong chuỗi gia công, vẫn chưa có sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu riêng. Do đó, Lefaso và các DN cần tập trung nâng cao chuỗi giá trị cho ngành trong thời gian tới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/goc-nhin-kinh-te/item/42583802-%E2%80%9Cchia-khoa%E2%80%9D-de-nganh-da-giay-hoi-nhap-manh-me.html