Chìa khóa cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Trong khi chính quyền Mỹ vẫn chưa đưa ra được một 'phương pháp tính toán mới' theo đúng yêu cầu của Bình Nhưỡng liên quan đến tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đã đi đến kết luận rằng Washington hoàn toàn không thể đáp ứng hai yêu cầu mà chính quyền Bình Nhưỡng đưa ra để nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân song phương.

Mặc dù ông Kim Jong-un mới đây đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tăng cường khả năng răn đe chiến tranh (hạt nhân) của Triều Tiên, song dường như vẫn có ý chờ đợi một "tính toán mới" của chính quyền Donald Trump. Thực tế đã cho thấy, cam kết phi hạt nhân hóa của ông Kim Jong-un đang suy yếu dần và chính quyền Trump cũng ngày càng "mất hứng thú" với Triều Tiên.

Câu hỏi đặt ra là tới đây liệu có bước đột phá nào cho sự bế tắc về đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng? Tiến sĩ Kwak Tae-hwan – cựu Chủ tịch Viện Nghiên cứu thống nhất quốc gia Hàn Quốc (KINU) cho rằng, dường như cả Triều Tiên và Mỹ đều không sẵn sàng nhượng bộ lẫn nhau để đạt được thỏa hiệp vào thời điểm này. Trong bối cảnh này, chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, với tư cách là một bên liên quan trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, có thể và cần phải tìm ra một vai trò tích cực trong việc giải quyết sự bế tắc này.

Một cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh tư liệu

Một cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh tư liệu

Theo Tiến sĩ Kwak Tae-hwan, Tổng thống Moon Jae-in đã chủ động đề xuất thúc đẩy một số dự án hợp tác liên Triều trong năm 2020, song không nhận được phản hồi tích cực từ phía Triều Tiên. Điều đáng tiếc hơn nữa là tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng không đạt được bước đột phá nào kể từ khi cuộc gặp thượng đỉnh không thành công giữa Kim-Trump diễn ra tại Hà Nội (Việt Nam) hồi tháng 2-2019.

Mỹ đã sử dụng triệt để các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm vào Bình Nhưỡng như một "quân bài mặc cả" để tiến hành phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Triều Tiên đã kêu gọi Mỹ cần đưa ra các biện pháp "bồi thường tương ứng" cho các hành động mang tính thiện chí và tự nguyện của Bình Nhưỡng hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, đã không có phản hồi từ Washington. Mỹ kiên định lập trường "phi hạt nhân hóa trước tiên" trong khi Triều Tiên kiên định với một công thức hành động "có đi có lại". Đây chính là lý do giải thích tại sao cho đến nay cả Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa thống nhất được cách thức tiến hành phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Như một công thức sáng tạo để rút lại chính sách thù địch chống Triều Tiên, Tiến sĩ Kwak Tae-hwan đưa ra đề xuất rằng bốn bên liên quan (bao gồm Mỹ, Trung Quốc và hai miền Triều Tiên), trước hết cần xem xét về một tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Tuyên bố này sẽ là bước đầu tiên trong lộ trình hướng tới một cơ chế hòa bình không có vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Cuối cùng, bốn bên cần ký kết một hiệp ước hòa bình đa phương, chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Tiến sĩ Kwak Tae-hwan cho biết, Trung Quốc cũng bắt đầu quan tâm đến khái niệm "tuyên bố kết thúc chiến tranh (tuyên bố hòa bình)". Tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) tháng 8-2018 tại Singapore, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lần đầu tiên đưa ra tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng, Bắc Kinh chính thức ủng hộ việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Ông cũng nói rằng một tuyên bố như vậy sẽ là một tuyên bố chính trị, đóng một vai trò hữu ích trong việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo này.

Triều Tiên từ lâu đã mong muốn có được một tuyên bố chấm dứt chiến tranh với Mỹ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng ủng hộ một tuyên bố chấm dứt chiến tranh do bốn bên liên quan ký kết theo yêu cầu của Bắc Kinh. Phía Trung Quốc cũng đã nói với Mỹ rằng, họ sẽ không ủng hộ một tuyên bố kết thúc chiến tranh mà không có sự tham gia của họ. Trong khi đó, chính quyền Moon Jae-in cũng thông báo sẽ rút khỏi tuyên bố kết thúc chiến tranh liên quan đến ba bên để ủng hộ một tuyên bố kết thúc chiến tranh của bốn bên.

Tiến sĩ Kwak Tae-hwa cũng nói thêm, Mỹ từ lâu cũng đã muốn tham gia một "hiệp ước hòa bình bốn bên." Thực tế là chính quyền Trump vẫn chưa "toàn tâm toàn ý" với đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh bởi Washington vẫn muốn thay bằng một tuyên bố hòa bình. Hiện có hai lý do giải thích quan điểm này của Mỹ. Thứ nhất, Mỹ muốn chứng kiến những bước đi cụ thể của Triều Tiên trong vấn đề phi hạt nhân hóa trước khi đặt bút ký kết một tuyên bố hòa bình. Thứ hai, Washington lo ngại rằng Triều Tiên sẽ yêu cầu Mỹ giảm hoặc rút các lực lượng đồn trú tại Hàn Quốc sau khi tuyên bố hòa bình được ký kết.

Để giải quyết bế tắc này, Tiến sĩ Kwak Tae-hwan đề xuất các bên đưa ra một tuyên bố đa phương chấm dứt chiến tranh và ký kết một hiệp ước hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, văn bản pháp lý có tính ràng buộc cao hơn một tuyên bố chấm dứt chiến tranh song phương giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Nói cách khác, Mỹ, Trung Quốc và hai miền Triều Tiên phải ký tuyên bố chấm dứt chiến tranh trước khi họ cùng nhau ký hiệp ước hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Tiến trình thiết lập một cơ chế hòa bình không có vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ bắt đầu bằng việc từ bỏ chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng, và đây cũng chính là một trong hai "điều kiện tiên quyết" để phi hạt nhân hóa mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã yêu cầu. Bên cạnh đó, một hiệp ước hòa bình đa phương trên bán đảo Triều Tiên cũng sẽ đảm bảo sự tồn tại của chế độ cầm quyền hiện nay ở Bình Nhưỡng. Tiến sĩ Kwak Tae-hwan đi đến kết luận rằng, một khi hai "điều kiện tiên quyết" này được đáp ứng, thì tâm lý "bị bao vây" của giới lãnh đạo tối cao ở Triều Tiên mới được giải phóng.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chia-khoa-cho-tien-trinh-phi-hat-nhan-hoa-ban-dao-trieu-tien-205836.html