'Chìa khóa' cho tăng trưởng

Ngay từ đầu năm, Chính phủ và nhiều bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt vận dụng các giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hết quý I-2021, kết quả giải ngân vốn mới đạt hơn 60.749 tỷ đồng, bằng 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và chỉ nhỉnh hơn một chút so với cùng kỳ năm 2020.

Trên bình diện chung có nhiều lý do để “bào chữa” cho kết quả này. Đó là, quý I có thời gian trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nhiều ngày; dịch Covid-19 bùng phát ở một số địa phương; các đơn vị tập trung hoàn thiện hồ sơ thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công của năm 2020 và làm thủ tục kéo dài kế hoạch vốn sang năm 2021... Chưa kể, những khó khăn trong giải phóng mặt bằng vẫn luôn là cản trở rất lớn kéo chậm việc triển khai các dự án...

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, các đơn vị không nên vin vào lý do khách quan này mà thiếu quyết tâm, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, 31 bộ, cơ quan, địa phương chưa giải ngân kế hoạch trong quý I cần nghiêm túc lý giải, vì sao trên cùng một mặt bằng chung, vẫn có những đơn vị giải ngân được số vốn khá, như: Tỉnh Thái Bình đạt 43,24%, Bắc Ninh đạt 30,2%, Hưng Yên đạt 28,67%...? Liệu trong sự chậm chạp đó có phần nào của thói quen đầu năm "đủng đỉnh" hay sự tồn tại của “căn bệnh” trì trệ đang bám rễ?

Nhắc đến thực tại này để thấy, nếu không quyết tâm thì các nút thắt sẽ khó lòng được tháo gỡ và áp lực giải ngân vốn đầu tư công sẽ rất nặng nề cho thời gian còn lại của năm. Do đó, các bộ, cơ quan, địa phương cần xác định rõ giải pháp trọng tâm để sẵn sàng bứt phá.

Thực tiễn đã chứng minh, những đơn vị hoàn thành khối lượng giải ngân vốn đầu tư công lớn trong thời gian qua đều mang dấu ấn trách nhiệm, sự nhiệt huyết của người đứng đầu đơn vị, tổ chức. Tinh thần này tiếp tục được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16-4-2021 về phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV; tại đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch. Theo đó, các cấp, ngành phải quán triệt và thực hiện đúng chỉ đạo trên để mọi khó khăn được hóa giải kịp thời, dòng vốn đầu tư công luôn được khơi thông.

Muốn triển khai các dự án đầu tư công hiệu quả ngay từ đầu, các bộ, cơ quan, địa phương cần xây dựng kế hoạch giải ngân sát thực tiễn, đề ra nhiệm vụ gắn với lộ trình thực hiện cụ thể. Từ đó, dự báo được những khó khăn, vướng mắc để tìm định hướng giải quyết. Đặc biệt, những dự án liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng cần có kế hoạch chi tiết, cụ thể để không bị động trong quá trình triển khai. Với những dự án đã có đủ điều kiện khởi công thì cần tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ; yêu cầu chủ dự án và nhà thầu thực hiện nghiêm kế hoạch thi công, thủ tục thanh quyết toán...

Song song đó, các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục rà soát, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt. Đồng thời, trao quyền và trách nhiệm cho các cơ quan, chủ đầu tư đi kèm với cơ chế kiểm tra, giám sát tiến độ từng dự án để mọi rào cản được tháo gỡ ngay từ khi phát sinh.

Chỉ khi quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, giải ngân vốn đầu tư công mới được khơi thông, trở thành “chìa khóa” tạo động lực tăng trưởng cho năm 2021.

Thiện Mỹ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/996908/chia-khoa-cho-tang-truong