Chia cổ tức bằng cổ phiếu: Cổ đông lợi hay thiệt?

Chia cổ tức bằng cổ phiếu đang là hình thức được khá nhiều doanh nghiệp áp dụng. Tuy nhiên, để đánh giá điều này là lợi hay thiệt cho cổ đông thì còn tùy vào tình hình tài chính của chính doanh nghiệp.

Trả cổ tức bằng cổ phiếu không có tác động trực tiếp đáng kể nào tới doanh nghiệp và cổ đông. Ảnh: S.T.

Ồ ạt chia cổ tức bằng cổ phiếu

Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng:

Thời điểm hiện tại việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu không có gì đáng lo ngại bởi từ tháng 4/2018 đến giờ tuy thị trường có đi xuống nhưng không đáng kể. Khi thị trường đi lên, tiềm năng tăng giá cổ phiếu sẽ giúp nhà đầu tư có thêm lợi nhuận.

Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã đua nhau trả cổ tức bằng cổ phiếu. Ngày 18/6 vừa qua là ngày giao dịch không hưởng quyền của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank- mã chứng khoán VPB) để chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng tổng tỷ lệ trên 61%. Theo thông tin từ VPB, doanh nghiệp này đã trả cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu tỷ lệ 30,21% và phát hành cổ phiếu thưởng do tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 31,6%. Tổng tỷ lệ phát hành 61,81%.

Theo sau VPBank, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank – mã chứng khoán HDB) cũng thực hiện chốt danh sách cổ đông trả cổ tức đợt 1/2017 bằng tiền tỷ lệ 13%. Như vậy HDBank sẽ chi khoảng 1.275 tỷ đồng trả cổ tức lần này cho cổ đông. Trước đó HDBank đã quyết định nâng tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2017 tỷ 30% như kế hoạch lên 35% nhờ kết quả kinh doanh vượt kế hoạch. Trong đó sẽ trả 15% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.

Nhiều doanh nghiệp có mức trả lớn phải kể đến như Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) với 50%, Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom – FOX) hay Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) trả đến 70%.

Thời gian qua, khuynh hướng trả cổ tức bằng cổ phiếu ở nước ta khá phổ biến. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, khác với trả cổ tức bằng tiền mặt, trả cổ tức bằng cổ phiếu không có tác động trực tiếp đáng kể nào tới doanh nghiệp và cổ đông bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, không làm tăng nguồn vốn của doanh nghiệp do thực chất việc trả cổ tức bằng cổ phiếu chỉ là bút toán kế toán, trong đó doanh nghiệp ghi nhận giảm lợi nhuận chưa phân phối và ghi tăng vốn điều lệ lên một khoản tương ứng. Hoàn toàn không có dòng vốn mới chảy thêm vào doanh nghiệp. Tổng vốn chủ sở hữu, các khoản mục nợ phải trả và tài sản đều không đổi.

Thứ hai, hành động này sẽ không làm tăng tài sản của cổ đông. Thực chất, sau khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, số cổ phiếu mà cổ đông sở hữu tăng lên bằng với tỷ lệ chi trả. Nhưng đồng thời giá cổ phiếu cũng bị điều chỉnh giảm tương ứng, và vì vậy tổng giá trị cổ phiếu mà cổ đông sở hữu không tăng lên.

Thứ ba, trả cổ tức bằng cổ phiếu cũng không làm tăng tỷ lệ sở hữu của cổ đông. Lấy ví dụ, khi doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%, số lượng cổ phiếu mà cổ đông sở hữu tăng 30% nhưng đồng thời tổng số cổ phần lưu hành cũng tăng lên 30% và do vậy tỷ lệ sở hữu của cổ đông không thay đổi.

Theo ông Đỗ Việt Linh, trưởng nhóm Môi giới và Phát triển thị trường, Công ty Chứng khoán Tân Việt, bản thân việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không làm lợi trực tiếp cho cổ đông. Chỉ khi nào lợi nhuận giữ lại được tái đầu tư có hiệu quả làm giá cổ phiếu tăng lên thì cổ đông mới có lợi. ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư có thể sẽ bị thiệt nhãn tiền khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu trong trường hợp cổ phiếu đang được giao dịch dưới mệnh giá, nhưng giá áp dụng cho cổ phiếu trả cổ tức vẫn bằng mệnh giá.

Thận trọng khi "lướt sóng"

Thực tế, với một số mã cổ phiếu, không ít cổ đông năm nào cũng mong mỏi được nhận cổ tức từ cổ phiếu. Điển hình phải kể đến Vinamilk (VNM). Trong khoảng 10 năm qua, hầu như năm nào Vinamilk cũng đều đặn chia cổ tức 50% bằng cổ phiếu. Nhờ kết quả kinh doanh tốt, giá cổ phiếu VNM luôn nằm trong nhóm những cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn. Điều này giúp khoản đầu tư của cổ đông liên tục tăng.

Ở nhóm các ngân hàng lớn, phần đông cũng chờ đợi điều này bởi sự kì vọng giá cổ phiếu ngân hàng trở lợi thời hoàng kim, việc nhận thêm cổ phiếu sẽ giúp cổ đông có cơ hội gia tăng tài sản, phần tăng thêm này có thể cao hơn khoản tiền mặt nhận được. Trong khi đó, khoản đầu tư này cũng sinh lợi tốt hơn so với đi gửi ngân hàng lấy lãi.

Thực tế, trên thị trường chứng khoán, trong giai đoạn thị trường khởi sắc, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu được xem như một lực đỡ quan trọng cho giá chứng khoán tăng hàng ngày. Đối với những cổ phiếu có thị giá cao, việc này sẽ gia tăng tính thanh khoản do giá cổ phiếu đã được điều chỉnh giảm. Những nhà đầu tư ít vốn sẽ có thêm cơ hội đầu tư. Từ đó sẽ làm tăng cầu chứng khoán và tác động làm tăng giá chứng khoán.

Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, thời điểm hiện tại việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu không có gì đáng lo ngại bởi từ tháng 4/2018 đến giờ tuy thị trường có đi xuống nhưng không đáng kể. Khi thị trường đi lên, tiềm năng tăng giá cổ phiếu sẽ giúp nhà đầu tư có thêm lợi nhuận.

"Dưới góc độ nhà đầu tư, việc nhận được cổ tức là cổ phiếu hay tiền mặt không quan trọng. Quan trọng hơn cả vẫn là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả để giúp giá cổ phiếu tăng là có thể làm hài lòng cổ đông rồi", ông Phan Dũng Khánh nhận định.

Một vài chuyên gia cũng gửi lời khuyên cho các nhà đầu tư cần thận trọng trước các quyết định "đón sóng" cổ phiếu từ cổ tức chia thêm này. Chỉ nên chọn những cổ phiếu của các doanh nghiệp có các chỉ số tài chính tốt. Nếu doanh nghiệp có các chỉ số tài chính kém, nhu cầu thị trường không có thì thị giá cổ phiếu rất có thể đi xuống và nhà đầu tư không những không lãi khi “lướt sóng” mà còn có nguy cơ thủng túi.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chia-co-tuc-bang-co-phieu-co-dong-loi-hay-thiet.aspx