Chỉ với 3.000 đồng nhà đầu tư có thể trở thành cổ đông của doanh nghiệp nghìn tỷ

Ngoài việc mua được một cốc trà đá, chỉ với 3.000 đồng, nhà đầu tư còn có thể mua cổ phiếu của hàng chục doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, thậm chí trở thành cổ đông của những doanh nghiệp vốn hàng nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Trong nhóm doanh nghiệp có giá cổ phiếu dưới 3.000 đồng đáng chú ý phải kể đến Tổng CTCP Xây lắp dầu khí (mã PVX), CTCP Tập đoàn F.I.T (mã FIT), CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã HQC), CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã ITA)… Mỗi doanh nghiệp đều có những câu chuyện riêng, những lý do khác nhau để trôi về vùng giá chỉ đủ mua cọng hành, cốc trà đá như hiện nay.

Cổ phiếu PVX của Xây lắp dầu khí Việt Nam – một trong những Tổng cổng ty lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong quá khứ từng có giá hơn 30.000 đồng/cổ phiếu thời điểm năm 2010 (theo giá điều chỉnh). Tuy nhiên, đi cùng với kết quả kinh doanh kém hiệu quả, PVX dần trượt dài và đã hơn 6 năm giao dịch dưới mệnh giá, thậm chí 2 năm trở lại đây, PVX còn xuống dưới 3.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, PVX đang giao dịch trên sàn HNX với thị giá 1.100 đồng/cổ phiếu tương đương vốn hóa thị trường vỏn vẹn 440 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ lên đến 4.000 tỷ đồng. Sau 7 năm lên sàn, số lỗ lũy kế của PVX tính đến hết tháng 9 năm 2018 đã lên đến 3.487 tỷ đồng.

Cổ phiếu HQC của Địa ốc Hoàng Quân, nhanh chóng vươn lên mức 23.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh) chỉ 3 tháng kể từ khi lên sàn. Nhưng sau đó chưa đến 1 năm, HQC đã lao dốc xuống mức 5.000 đồng/cổ phiếu và giao dịch dưới mệnh giá đã hơn 7 năm nay. Một năm trở lại đây, cổ phiếu này luôn giao dịch dưới 3.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, cổ phiếu HQC đang giao dịch trên HoSE chỉ với 1.560 đồng/cổ phiếu tương đương vốn hóa thị trường còn hơn 700 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ lên đến 4.766 tỷ đồng.

Cổ phiếu FIT của Tập đoàn F.I.T lên sàn từ năm 2013, FIT tạo đỉnh 17.040 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh) hồi cuối năm 2014 sau đó giao động trong vùng 12.000 – 15.000 đồng/cổ phiếu trước khi chuyển sàn sang HoSE tháng 8/2015.

Sau nhiều thăng trầm trên thị trường, có thời điểm FIT đã phục hồi về mức xấp xỉ 13.000 đồng/cổ phiếu (tháng 9 năm ngoái). Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm, FIT đã lao dốc nhanh chóng xuống còn vỏn vẹn 2.990 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường ở mức 760 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 2.547 tỷ đồng vốn điều lệ.

Vấn đề của FIT có lẽ đến từ tốc độ tăng vốn chóng mặt? So với thời điểm lên sàn năm 2013, đến nay vốn điều lệ của FIT đã tăng hơn 16 lần, vốn chủ sở hữu cũng theo đó tăng lên xấp xỉ 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận lại không tăng tương xứng dẫn đến ROE của FIT đi xuống rõ rệt qua từng năm. Tính đến hết quý III vừa qua, FIT thậm chí còn báo lỗ hơn 3,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi 112,4 tỷ đồng sau thuế.

Trong khi đó, cổ phiếu ITA của Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo lên sàn từ rất sớm (cuối năm 2006) và có thời điểm thị giá vượt hơn 30.000 đồng/cổ phiếu (sau điều chỉnh). Tuy nhiên, từ tháng 3/2014, ITA đã giao dịch dưới mệnh giá đồng thời liên tục giảm qua từng năm. Đến nay, thị giá cổ phiếu ITA chỉ còn 2.740 đồng/cổ phiếu tương đương vốn hóa thị trường ở mức 2.500 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ gần 9.400 tỷ đồng.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam còn không ít tên tuổi lớn từng được nhiều người biết tới như Quốc Cường Gia Lai (mã QCG), Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG), Thủy sản Hùng Vương (mã HVG), Gỗ Trường Thành (mã TTF), Tôn Hoa Sen ( mã HSG), Ngân hàng SHB (mã SHB), Thép Nam Kim (NKG)…hiện đang giao dịch với thị giá hơn 3.000 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mệnh giá.

Nhiều nhà đầu tư mua vào với mong đợi những đợt dậy sóng để có thể “ăn bằng lần” với những cổ phiếu trên nhưng cũng có không ít nhà đầu tư mất hết thành quả thậm chí cháy tài khoản chỉ sau một cú “rơi tự do” ngay sau đó.

THANH HÀ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/chi-voi-3000-dong-nha-dau-tu-co-the-tro-thanh-co-dong-cua-doanh-nghiep-nghin-ty-3482047.html