Chỉ vì chiếc nón cưới

Đám cưới rộn ràng của đôi bạn trẻ Hiếu và Dung khuấy động không gian vốn yên tĩnh của thôn Đoài. Lẽ ra lễ cưới đã được tổ chức từ đầu năm, nhưng vì tuân thủ giãn cách xã hội do dịch Covid-19, cho nên phải lùi đến cuối thu năm nay.

Đám cưới rộn ràng của đôi bạn trẻ Hiếu và Dung khuấy động không gian vốn yên tĩnh của thôn Đoài. Lẽ ra lễ cưới đã được tổ chức từ đầu năm, nhưng vì tuân thủ giãn cách xã hội do dịch Covid-19, cho nên phải lùi đến cuối thu năm nay.

Chú rể Hiếu nhà ở thị trấn, gia đình có cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng; còn Dung làm nghề may tại nhà, gia cảnh bình thường như bao gia đình khác trong thôn. Được cái là Dung xinh xắn, nết na, có nhiều chàng trai ướm hỏi, song cuối cùng cô lại phải lòng anh chàng Hiếu và nhận lời cầu hôn sau gần một năm tìm hiểu. Trước ngày hôn lễ, hai bên gia đình đã thống nhất đến từng chi tiết thủ tục ăn hỏi, cưới xin, lễ lại, cỗ bàn cũng được bàn đi bàn lại đầy đủ. Thế rồi đám cưới diễn ra đúng như dự định, có đông đảo người thân, họ hàng, bạn bè, chòm xóm tíu tít giúp đỡ, chung vui. Vốn dĩ, dân thôn Đoài có một thủ tục truyền thống từ xưa là nhà trai phải sắm sửa nón lá cho cô dâu đội trong ngày cưới. Chiếc nón này được mẹ chú rể mang theo từ nhà khi sang rước dâu để cô dâu đội trên suốt quãng đường về nhà chồng. Theo lý giải của các cụ, chiếc nón cưới biểu tượng cho tình cảm tròn đầy của đôi lứa, đồng thời giúp cô dâu che mưa nắng, tránh bị nhạt nhòa son phấn. Cũng bởi thủ tục này mà từ mấy hôm trước, bà Dịu, mẹ của Hiếu, đã phải đích thân xuống tận chợ quê lùng mua chiếc nón ưng ý, vì các cửa hàng trên thị trấn giờ không còn bán nón.

Tới giờ đón dâu, sau khi đôi bạn trẻ làm thủ tục lễ gia tiên thì đến lượt bà Dịu trao nón cưới cho cô dâu. Trong khi Dung khép nép và lễ độ đón nhận chiếc nón cưới từ tay mẹ chồng thì phía mấy bà, mấy cô nhà gái lại xì xào tiếng bàn luận. Chẳng hiểu vô tình hay cố ý mà mấy người bên nhà trai cũng nghe được, đại ý là: “Nhà chú rể có đến nỗi nào đâu mà sắm chiếc nón ọp ẹp, rẻ tiền thế nhỉ! Ít ra cũng phải ra chỗ hàng lưu niệm du lịch mà mua lấy một cái cho nó óng ả” hay “Cả đời mới có một lần thôi mà mẹ chồng cũng không lo được cho con dâu...”. Câu nói tưởng chỉ là vu vơ ai ngờ khiến bà Dịu cảm thấy nóng mặt. Bà tiến đến gần vặn hỏi mấy bà, mấy cô bên nhà gái: “Chiếc nón như thế mà các bà còn chê thì cũng đến chịu, nhà trai chỉ có thế thôi!”. Một bà bên nhà gái cũng không chịu vừa, bĩu môi dè bỉu: “Nón cưới sao không trang trí hoa văn, dây buộc còn xỉn mầu úi xùi!”... Cứ thế mỗi người một câu không ai nhịn ai, thậm chí bên nhà gái có người còn gay gắt đòi nhà trai đi mua chiếc nón khác mới được rước dâu. Chỉ khổ cho cô dâu, chú rể lúng túng chẳng biết làm sao. Cũng may là có mấy cụ cao tuổi của hai bên gia đình phải lên tiếng mới dẹp bỏ được lộn xộn.

Từ một thủ tục đẹp mà vì những cố chấp, thiếu tế nhị trong ứng xử đã mang đến những phiền muộn cho đôi bạn trẻ trong ngày cưới. Chỉ mong sao các gia đình thực hiện nếp sống văn minh, cưới hỏi vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm, tránh những rườm rà, tốn kém, làm mất ý nghĩa ngày vui của đôi trẻ.

NHÂN KHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dong-chay/chi-vi-chiec-non-cuoi-621880/