Chỉ trích người khác, có gì hay! (*): Dùng luật để 'trị'

Đã đến lúc phải vận dụng triệt để các quy định của pháp luật để kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm nhằm ngăn chặn những thông tin giả, nói xấu, bôi nhọ của người dùng trên mạng xã hội

Cuộc sống luôn cần sự phản biện đa chiều, vì thế việc lên tiếng phản đối những cái chưa được, không tốt của một hiện tượng, cá nhân, tổ chức... là cần thiết nhằm đem lại sự thay đổi tích cực góp phần cải thiện xã hội.

Ai cũng có thể là nạn nhân

Hiện rất nhiều người nghĩ mạng là "ảo" nên truy cập vào những web có nội dung không lành mạnh, kích động; lang thang trên mạng, "ném đá" bất kỳ ai, bất kỳ vấn đề gì mình không thích hoặc đơn giản chỉ là chạy theo đám đông, dù không hiểu ngọn ngành câu chuyện. Thậm chí, nhiều việc tốt bỗng trở nên lố bịch bởi những lời bình luận thiếu thiện chí, cợt nhả của cộng đồng mạng.

Không khó để điểm lại một số vụ ăn "gạch đá" của cộng đồng mạng thời gian qua như sự nổi lên của ca sĩ vườn Lệ Rơi, phát ngôn gây sốc của Kenny Sang, vụ MC Phan Anh kêu gọi cộng đồng làm từ thiện, một nữ giáo viên ở một trung tâm tiếng Anh xúc phạm học viên là "mặt người óc lợn" hay gần đây nhất là đề xuất cải tiến chữ viết của ông Bùi Hiền, quảng cáo của Coca-Cola, ý kiến về giải pháp chống ngập của một đại biểu... Hoặc đơn giản hơn là một bộ phim, một status của ai đó... Tất cả đều nhanh chóng trở thành những chủ đề để cộng đồng mạng "ném đá", mắng mỏ, mạt sát không thương tiếc, đôi khi dùng cả những từ ngữ thô tục nhất. Đến mức có người đã phải than: "Nếu gạch đá trên mạng biến thành tài sản, chắc Việt Nam giàu lâu lắm rồi".

Nguyên nhân của hiện trạng này được nhiều chuyên gia xã hội chỉ ra, đó chính là cảm giác tự do, sự thiếu vắng trách nhiệm, thiếu chính kiến trong nhận định, không có bản lĩnh của người chơi mạng xã hội (MXH). Họ có thể lớn tiếng xúc phạm, chửi mắng bất cứ ai, chỉ dựa trên sự chủ quan, định kiến và sự lây lan cảm xúc một cách vô thức của hội chứng đám đông. Ngoài ra, dù bộ luật hình sự và dân sự đã có quy định cụ thể để xử lý các trường hợp bịa đặt, xúc phạm, vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức... song những kẻ loan tin sai sự thật, xúc phạm danh dự người khác hiếm khi bị buộc chịu trách nhiệm, nếu có cũng chỉ là những trường hợp cá biệt.

Mỗi khi bình luận, viết một điều gì đó trên trang cá nhân, phải biết mình viết gì và hậu quả của nó. Ảnh: TRINH TRINH

Mỗi khi bình luận, viết một điều gì đó trên trang cá nhân, phải biết mình viết gì và hậu quả của nó. Ảnh: TRINH TRINH

Ràng buộc trách nhiệm

MXH không còn đơn thuần là một trò chơi. Xu hướng lạm dụng MXH chỉ trích, phỉ báng, bịa đặt đang ngày càng nhiều. Đã đến lúc phải vận dụng triệt để các quy định của pháp luật để kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm nhằm ngăn chặn những thông tin giả, nói xấu, bôi nhọ của người dùng trên MXH.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần quyết liệt yêu cầu các nhà cung cấp thông tin như Google, Facebook, YouTube... có đại diện tại Việt Nam để xác định được tư cách pháp nhân của họ; khi có vấn đề xảy ra, sẽ có đủ cơ sở pháp lý để kiện họ ra tòa cũng như bắt buộc họ phải chịu xử phạt theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc này cũng khiến cho các nhà cung cấp thông tin buộc phải chủ động và có chính sách kiểm duyệt gắt gao hơn trong việc cho phép đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng, mang tính lăng mạ, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác trên MXH.

Về phía cá nhân người chơi MXH, mỗi khi bình luận hoặc viết một điều gì đó trên mạng, trang cá nhân, phải biết mình viết gì và hậu quả của nó; đừng đánh giá, nhận định theo đám đông. Bởi mỗi con chữ, trong hoàn cảnh nào đó, có thể khiến người đọc được nó chạm vào bước đường cùng. Cái xấu, cái tiêu cực cần phải lên án để bị bài trừ, việc lên tiếng trên mạng cũng là một hình thức đấu tranh. Điều đó không sai. Nhưng nếu vì bức xúc với cái xấu mà "ném đá", đánh hội đồng, dùng những lời nói, câu chữ, hành vi kém văn hóa thì đã vô tình tự đồng hóa mình với cái xấu và người bị ảnh hưởng trực tiếp là chính bản thân.

Dành thời gian tìm hiểu những gì thực sự có ý nghĩa cho bản thân, thay vì quan tâm đến những thứ không liên quan cũng chẳng có lợi cho kiến thức; ngược lại thể hiện sự hạn chế trong văn hóa ứng xử.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-7

Phạm Nguyễn Quỳnh Thư

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/chi-trich-nguoi-khac-co-gi-hay-dung-luat-de-tri-20190725212528021.htm