Chị tôi

Vừa về đến nhà thấy nhà cửa bừa bộn, lúc mọi người đi làm bà giúp việc đã bỏ đi, chị tôi không có ai trông coi nên đã làm đảo lộn mọi thứ trong nhà.

Từ nhỏ chị đã có vấn đề về thần kinh. Bà nội không muốn để mẹ nuôi nên đã đón chị về quê chăm sóc. Mẹ bảo, bà muốn giảm bớt gánh nặng cho mẹ để mẹ sinh thêm em bé. Vì thế nên mới có tôi. Chị sống ở quê đến năm 23 tuổi thì bà mất, khi đó bố mẹ mới đón chị lên thành phố.

Vì mọi người đi làm hết nên nhà tôi phải thuê giúp việc trông coi chị. Nhưng người nào cũng chỉ ở được một thời gian ngắn là lại bỏ đi, họ không thích chị. Bước vào phòng chị, tôi thấy chị đang ngồi đờ đẫn trên giường. “Chị”, tôi gọi khẽ. Chị không trả lời, tay ôm chặt con búp bê bằng vải mang từ dưới quê lên. “Để em dẫn chị ra phòng khách nhé”, tôi giơ tay định kéo chị thì bỗng nhiên chị hét toáng vào mặt tôi với vẻ rất kích động: “Cút đi”. Giật mình, tôi đành lùi lại.

Giám đốc đã rất ngạc nhiên trước quyết định nghỉ việc của tôi. Tôi giải thích tôi có 1 người chị ngày nào cũng bị nhốt trong nhà, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Giám đốc bảo: “Mời giúp việc là được rồi, việc gì em phải nghỉ việc”. Đã nửa năm kể từ ngày chị lên ở với chúng tôi nhưng tôi chưa hề tiết lộ cho ai biết về sự tồn tại của chị. Nói thật, sự tồn tại của chị ít nhiều làm tôi xấu hổ.

Nhưng hôm qua khi nhìn thấy chị cô độc một mình ngồi trên giường, nhìn ánh mắt buồn bã, giận dữ của chị, nghe tiếng chị hét đuổi tôi đi, tôi bỗng tỉnh ngộ. Thì ra giữa tôi và chị tồn tại những chướng ngại mà chỉ khi nào xóa bỏ được chúng chị mới có thể đón nhận tôi cũng như hòa nhập được với gia đình. Tôi nói với bố mẹ: “Chị cần có một người luôn ở bên cạnh, có như vậy sức khỏe của chị mới có thể nhanh chóng hồi phục”. Tôi nghĩ mình nên thử.

“Chị cần có một người luôn ở bên cạnh, có như vậy sức khỏe của chị mới có thể nhanh chóng hồi phục” - Ảnh minh họa

“Chị cần có một người luôn ở bên cạnh, có như vậy sức khỏe của chị mới có thể nhanh chóng hồi phục” - Ảnh minh họa

Nghỉ việc xong xuôi tôi mới báo cho bố mẹ biết. Bố giận lắm: “Ở dưới quê không phải chị con chưa khám bệnh, thuốc cũng uống đủ các loại rồi. Nếu có hy vọng chữa trị chẳng nhẽ bố mẹ lại bỏ qua?”. Tôi bảo: “Bố, nhưng chúng con là chị em”. Mẹ khóc còn bố thì im lặng. Không biết chị ra khỏi phòng từ lúc nào, chị giục: “Có cơm chưa, con đói rồi”. Tôi nhìn chị cười rồi nhanh chóng chạy vào bếp nấu cơm.

Lần đó chị cũng vào bếp. “Bà nội, bà nội”, chị đứng đằng sau lẩm bẩm. Lúc ăn cơm chị đã gắp thức ăn cho tôi, mồm luôn miệng: “Bà nội, bà nội”. Tôi buông đũa rồi nắm lấy tay chị, mắt nhìn chị chăm chú, phát âm từng từ một. “Em là em gái, em gái của chị”. Chị vội rụt tay lại và cúi đầu ăn. Tôi nhìn bố mẹ, mắt họ cũng đang đỏ ửng. Tối hôm đó tôi ôm gối sang phòng chị. Chị ôm búp bê vải đuổi tôi ra khỏi phòng nhưng tôi vẫn nhẫn nại giải thích: “Em là em gái chị đây mà”. Cuối cùng thì chị cũng lấy lại bình tĩnh.

“Chị là chị, em là em, chúng ta là chị em”. Tôi tiến dần về phía chị và ngồi lên giường, ánh mắt chị dịu dần khiến tôi cũng yên tâm hơn. Rồi bỗng nhiên chị quay sang nắm lấy tay tôi và cắn tôi một cái như trời giáng. Mặc dù đau lắm nhưng tôi cố không hét. Máu đang chảy ở tay nhưng tôi cố nhịn, quay sang chị mỉm cười: “Không sao đâu, chị và búp bê ngủ đi, ngày mai em sẽ dẫn chị đi mua quần áo, mua son”. Khuôn mặt đang choáng vẻ sợ sệt của chị bỗng tỏ ra tươi tắn hẳn: “Son, xinh đẹp”

Mới sáng sớm chị đã hô to ngoài phòng khách: “Son, son”. Tôi giúp chị tết tóc nhưng chị không chịu. Hồi còn bà, bà đã dạy chị làm rất nhiều việc như giặt quần áo, tết tóc, gấp chăn màn. Nhìn chị tết tóc vừa nhanh vừa đẹp, tôi khen chị khéo tay. Chị cười và lại réo rắt: “son, son”. Đây là lần đầu tiên tôi dẫn chị đi chơi. Tôi nắm chặt tay chị đi trên vỉa hè còn chị thì quay dọc quay ngang hỏi: “Son ở đâu?”. Tôi bảo: “Phải đi hết ngã tư này, sang dãy nhà bên kia mới có”.

Buổi tối ăn cơm, chị ra muộn nhất. Dưới ánh đèn tôi phát hiện chị đã tô son. Chính vì tô son nên chị ăn uống rất cẩn thận vì sợ son sẽ bay mất. Bố mẹ tôi nhìn nhau cười. Đang rửa tay trong nhà vệ sinh thì chị đến bên cửa hỏi tôi: “Em có lấy chồng không?”. Tôi giật mình. Những tiếng ồn ào, náo nhiệt của một đám cưới đang phát ra từ chiếc tivi ngoài phòng khách, tôi đoán chắc chị đã xem nên mới nghĩ ra câu hỏi này.

Tôi trả lời: “Có chứ ạ”. Vẻ mặt chị căng thẳng: “Bao giờ?”. Người tôi bỗng nóng bừng, thì ra chị không muốn rời xa tôi. Rồi chị lại réo rắt: “Son, son”. Câu nói hồn nhiên của chị tự nhiên làm tôi thấy hụt hẫng, thì ra không phải chị không muốn rời xa tôi mà bởi chị lo sau khi tôi đi sẽ không có người mua son cho chị nữa.

Suốt mùa xuân năm đó, ngày nào tôi cũng dẫn chị đi chơi, lúc thì ra công viên, lúc thì đi xem phim. Mỗi lần ra ngoài chị đều muốn tự mình tết tóc, tô son rồi đứng trước mặt tôi hỏi: “Có xinh không?”. Tôi giúp chị chỉnh lại bím tóc, quần áo rồi trả lời với vẻ đầy đắc ý: “Xinh lắm” khiến chị phấn trấn hẳn. Chị kéo tay tôi vui vẻ vừa bước vừa nói: “Hoa, cỏ, chim chóc”. Tôi động viên chị: “Chị hát đi”. Chị lắc đầu. Tôi liền khẽ hát: “Mùa xuân, mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ”. Chị cười. Tôi dừng bước và bắt chị hát.

Trong lúc bế tắc, chị bẽn lẽn cất lên mấy câu hát dân ca. Bà nội tôi vốn là người thích hát dân ca, chắc là bà đã dạy chị. Phút chốc một tia hy vọng đã bừng cháy trong tôi. Chị hoàn toàn khỏe mạnh như tôi vậy. Giờ thì tôi đã hiểu tại sao lúc nào chị cũng gọi bà nội. Có lẽ bà đã cho chị quá nhiều tình yêu và sự quan tâm, nó chiếm toàn bộ ký ức của chị. Mặc dù thần kinh của chị không được bình thường cho lắm nhưng chị hiểu được hai chữ “Cảm ân”.

Một hôm anh giám đốc cũ đến nhà chơi. Chúng tôi đang ngồi trong phòng khách nói chuyện thì chị bước tới. Rõ ràng là chị đã trang điểm. “Uống nước đi”, chị rót nước mời anh khiến anh rất bất ngờ, anh nhìn tôi. Tôi vội giới thiệu: “Đó là chị gái em”. Anh cười: “Trông chị còn xinh hơn em đấy”. Câu nói của anh khiến chị không giấu nổi niềm vui, chị vội chỉnh sửa lại quần áo, đầu tóc. Chúng tôi nhìn nhau cười và bảo chị cùng ngồi xuống trò chuyện cho vui.

Mấy lần đưa chị cùng đi chơi, anh không tỏ ra phản đối nhưng lại nói khéo: “Để chị đi cùng chúng ta mãi thế này cũng không tiện lắm, người ngoài họ sẽ dị nghị”. Tôi cúi đầu không nói. Cùng làm việc với anh hơn 2 năm, tôi cũng rất có cảm tình với anh, thậm chí còn định nhận lời cầu hôn của anh. Nhưng lúc này đây, một vấn đề rất thực tế đang đặt ra trước mắt tôi, đó là chị. Tôi biết rất rõ rằng, cho dù chị có dần hồi phục đi nữa thì chị cũng không thể lấy chồng. Cuộc đời này của chị sẽ gắn liền với cuộc sống của tôi. Tình yêu của tôi chắc chắn phải có chỗ dành cho chị.

“Cứ để chị sống với bố mẹ, khi nào bố mẹ già, chúng ta sẽ đưa chị đến bệnh viện tâm thần, chi phí chúng ta sẽ lo”. Anh hiểu rõ tâm tư của tôi nên đã nói vậy. Tôi biết, tình yêu anh dành cho chị cũng chỉ đến vậy mà thôi. Nén nỗi đau tình yêu, tôi chia tay anh. Cũng vì lý do đó mà tôi đã ốm một trận thập tử nhất sinh.

Chị không biết chuyện của tôi nên liên mồm hỏi: “Giám đốc đâu, chúng ta đi công viên chơi đi”. Mẹ bực lắm: “Còn hỏi nữa à, tất cả là do con đấy”. Chị mở to mắt cố phân tích lời của mẹ. Tôi vội giải thích: “Chị, giám đốc bận lắm, không có thời gian. Đợi em khỏi ốm, em sẽ dẫn chị đi chơi”. Tôi đuổi khéo mẹ ra ngoài rồi quay sang bảo chị đi ngủ. Chị đặt búp bê lên giường rồi vỗ vỗ vào đầu tôi: “Ngoan ngủ đi, mai chị lại đến nhé”. Sáng tỉnh dậy tôi tìm khắp nhà mà không thấy chị đâu. Tôi vội gọi điện hỏi bố mẹ, bố mẹ bảo trước khi đi làm còn thấy chị trong nhà. Tôi hốt hoảng, bố mẹ cũng vội vàng về, chúng tôi chia nhau đi tìm. Đang thất thần thì tôi bỗng nghĩ đến từ son. Vội vàng phi đến chỗ vẫn đưa chị đến mua thì thấy chị đang chăm chú chọn. Nhìn chị mà tôi không dám tin, chị đã có thể tự mình đến được đây. “Chị mua cho mình dùng hay tặng ai”, chị bán hàng hỏi. Ngập ngừng một lúc chị bảo: “Em gái, em gái”.

Tôi định bước tới thì chị bỗng nói tiếp: “Em gái, không xinh, giám đốc, không lấy”. Tim tôi bỗng đập thình thịch. Thì ra chị hiểu được những chuyện xảy ra, là chị mua son cho tôi. Tôi lùi lại mấy bước nhìn chị chọn màu son, trả tiền rồi bước ra khỏi cửa hàng (chị cũng có tiền vì mọi người đến chơi hay cho chị). Ánh mặt trời rọi thẳng vào khuôn mặt của chị.

Đang mải ngâm nga: “Chị em, chị, em” thì tôi gọi, chị tỏ ra vô cùng ngạc nhiên trước sự xuất hiện của tôi. Tôi cười: “Chị em, chị là chị, em là em”. Chị nhảy cẫng lên rồi đặt vội thỏi son vào tay tôi: “Xinh đẹp, giám đốc sẽ lấy”. Tôi ôm trầm lấy chị, nước mắt ràn rụa. Tôi biết, dù đi hết cuộc đời này tôi cũng không thể giúp chị giống như tôi nhưng tôi có thể khẳng định một điều rằng, những trở ngại trước kia giờ đã tan biến.

Video Cháy Chung cư Carina Plaza TP. HCM

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/chi-toi-d125331.html