Chi tiêu thông minh với thẻ tín dụng

Người sử dụng thẻ cần chọn lựa giải pháp chi tiêu thông minh từ các ngân hàng để cuộc sống vừa hợp thời, vừa có tiền tích lũy dài hạn.

Có nhiều người nói rằng, sau một thời gian xài thẻ thì không dám xài thẻ nữa vì không biết mình đang chi xài những gì. Vậy để không bị sợ và không để rơi vào trường hợp nợ thụ động, người tiêu dùng nên có những kinh nghiệm quản lý tài chính thông minh hơn trong việc dùng thẻ chi tiêu mỗi ngày.

Ảnh minh họa

Với suy nghĩ xài trước trả nợ từ từ, chị Thanh Thủy (nhân viên văn phòng) từ lâu không còn chi tiêu bằng tiền mặt. Thay vào đó, chị Thủy sử dụng thẻ tín dụng, hoặc thẻ ATM là hình thức thanh toán chính mà theo chị, vừa tiện lợi, vừa mang hơi hướng cuộc sống hiện đại.

Theo đó, mỗi ngày bước chân ra đường có hàng tá khoản chi tiêu, mua sắm chị Thủy đều dùng thẻ để thanh toán. Cũng từ đó, chị Thủy chỉ đến những nơi có thể thanh toán được bằng thẻ, dù đắt hơn một chút, nhưng mọi thứ tiện lợi khiến chị rất hài lòng. “Cuộc sống độc thân nên tôi không cần phải lo lắng gì nhiều, chi tiêu hàng ngày cũng không cần có kế hoạch bài bản. Thiếu tiền thì tôi xài bằng thẻ có thể nợ rồi trả từ từ sau. Còn nếu tháng nào chi tiêu ít thì tôi vẫn còn dư tiền trong thẻ, coi như tiết kiệm để có nguồn tài chính dự phòng những lúc ốm đau hay có việc quan trọng trở nên vô cùng khó khăn”, chị Thủy chia sẻ.

Cũng như chị Thủy, anh Hoàng Chương (chuyên viên Marketing tại một NHTMCP) cũng có cuộc sống khá thoải mái với nguồn tài chính hiện tại. Anh Chương là người có nhiều kinh nghiệm trong việc chiều chuộng bản thân khi thường xuyên đi du lịch, mua sắm và ăn uống ở những nơi đắt tiền. Làm trong ngành tài chính, nên anh Chương hiểu khá rõ những khoản nợ vay, lãi suất phải trả khi sử dụng thẻ tín dụng xài trước trả sau. Tính đến nay, anh Chương chưa gặp rắc rối gì trong việc nợ thẻ, nhưng anh cũng chia sẻ thật là có nhiều xài nhiều, không có tài khoản tiết kiệm.

“Mình đã tính toán tốt và ghi hết các khoản chi tiêu hàng tháng như tiền chợ, mua sắm, thanh toán điện, nước, điện thoại, mua sắm, du lịch, làm đẹp, tiền tiêu vặt… Có thời điểm mình căn ke lại để lập khoản A để tiêu, khoản B để tiết kiệm nhưng chỉ một vài hôm mình lại có việc tiêu luôn cả khoản B. Có lẽ mình chưa biết cách kiểm soát chi tiêu sao cho khoa học”, anh Chương tâm sự.

Thực tế, xu hướng không dùng tiền mặt đang lan tỏa và được nhiều người trẻ ủng hộ. Có những bạn trẻ khi tiếp xúc họ còn khoe rằng: “Bọn mình được ba mẹ mở thẻ ngân hàng cho với tên của mình, hoặc tên của ba mẹ. Từ đó, mọi chi tiêu mình đều dùng thẻ và ba mẹ cũng có thể kiểm soát được điều đó hàng tháng”.

Đây là điểm vô cùng tích cực trong ngành tài chính cũng như mọi hành vi tiêu dùng đang đi đúng với chủ trương không sử dụng tiền mặt mà NHNN Việt Nam hướng đến. Với những câu chuyện dùng thẻ ở trên, dễ thấy việc hướng người tiêu dùng vào sử dụng thẻ không quá khó, chỉ cần ngân hàng luôn đồng hành, người lớn sử dụng, thì người con, người cháu trong gia đình cũng theo đó mà làm theo.

Tuy nhiên, ở câu chuyện trên cũng cho thấy trong điểm tích cực vẫn còn chứa đựng một điểm chưa tích cực của người tiêu dùng đó là đang rơi vào tình trạng “vung tay quá chán”. Hay nói khác hơn, vì sử dụng tiền trong thẻ quá dễ dàng khiến một số người dùng, đặc biệt là những người còn đang độc thân lạm dụng tiêu xài mà không có kế hoạch quản lý tài chính tốt. Điều này dẫn đến hiện tượng làm được bao nhiêu xài bấy nhiêu mà không có tích lũy, phòng khi có rủi ro để sử dụng.

Vậy, cần có giải pháp nào để quản lý tài chính hiệu quả cho người sử dụng thẻ để việc dùng thẻ trở nên hoàn hảo hơn?

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý chi tiêu qua thẻ cũng giống như lập sổ chi tiêu, điều này không quá khó. Quan trọng là người dùng phải chịu khó mất thời gian để tổng hợp chi tiết đầy đủ, từ nguồn thu, nguồn chi hàng ngày, đến việc tổng kết kỹ lưỡng hàng tháng, cân đối các nguồn và quyết tâm thực hiện theo mục tiêu tài chính đề ra. Thực tế, các việc làm ở trên đã được NH làm thay bằng cách cung cấp song song những ứng dụng thông minh, người dùng nên để ý.

Đơn cử, khi cầm trong tay một loại thẻ tín dụng nào đó. Thì đầu tiên, người dùng nên đăng ký sử dụng tất cả các dịch vụ tiện ích qua thẻ (chỉ cần đăng ký một lần). Sau khi đăng ký thành công, hàng tháng, ngân hàng sẽ tự động thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, Internet giúp bạn kiểm soát được việc chi tiêu ở những khoản này. Tiếp theo, với các dịch vụ Internet banking, Mobile banking và SMS banking, người sử dụng cần dùng điện thoại hoặc laptop là có thể chuyển tiền cho người thân, nạp card điện thoại, mua sắm online, vé máy bay, vé xem phim…

Với những khoản chính là giải quyết nhu cầu thiết yếu hàng ngày như mua sắm đồ ăn thức uống, mua sữa, quần áo cho con hay đồ dùng cho gia đình tại các siêu thị, người dùng có thể thoải mái dùng thẻ ATM để “quẹt” tại các hệ thống siêu thị lớn như Co.op mark, Citi mark, Big C…

Và tất cả mọi giao dịch sẽ dễ dàng tra cứu số dư và kiểm tra sao kê giao dịch để người chủ thẻ biết nguồn tài chính “ra-vào” hàng ngày mà không cần vất vả ghi chép. Vì ngân hàng đã làm thay điều đó cho chủ thẻ.

Sau một tháng chi tiêu tất cả các dịch vụ bằng thẻ, người dùng có thể cân đối được những khoản chi nào cần thiết, khoản nào không cần thiết để tiết kiệm vào tháng sau. Và một lời khuyên có vẻ hữu ích từ các chuyên gia là người chi tiêu qua thẻ nên đăng ký các gói tiết kiệm online tại nơi mình mở thẻ. Để mỗi tháng, trích một khoản tiền nhất định vào tài khoản tiết kiệm lấy lãi, số còn lại dùng để chi tiêu. Nếu thiếu hụt, có thể vay mượn một ít từ tài khoản thẻ tín dụng. Còn nếu không cần thiết có thể cắt giảm khoản chi tiêu đó, chờ đến tháng sau.

Nói chung, có rất nhiều cách giúp người chi tiêu qua thẻ quản lý tài chính một cách hiệu quả, tuy nhiên, dù là cách nào cũng đòi hỏi sự quyết tâm cao độ từ người chủ thẻ. Theo đó, người sử dụng thẻ cần chọn lựa giải pháp chi tiêu thông minh từ các ngân hàng để cuộc sống vừa hợp thời, vừa có tiền tích lũy dài hạn.

Triều Anh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/chi-tieu-thong-minh-voi-the-tin-dung-77442.html