Chi tiêu quốc phòng châu Á tăng vọt

Theo báo cáo được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố trong tuần qua, căng thẳng với Trung Quốc đã dẫn tới việc các nước châu Á, trong đó có Ấn Độ và Nhật Bản, tăng cường chi tiêu quân sự.

Ấn Độ nâng cao chất lượng lực lượng vũ trang

Theo SCMP, tổng chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2017 vượt 1,73 ngàn tỷ USD, tăng 1,1% so với năm 2016. Trong đó, đáng chú ý nhất là chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ đã tăng 5,5% lên 63,9 tỷ USD , vượt qua Pháp trở thành quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn thứ 5 trên thế giới. “Chính phủ Ấn Độ còn có kế hoạch mở rộng, hiện đại hóa và nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng vũ trang, một phần được thúc đẩy là do căng thẳng với Trung Quốc và Pakistan”, báo cáo SIPRI cho biết. Theo ông Siemon Wezeman - nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI, chính những căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng như Pakistan đã trở thành động lực cho kế hoạch mở rộng, hiện đại hóa và tăng cường khả năng tác chiến quân sự của quốc gia Nam Á này.

Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra căng thẳng quân sự trong 72 ngày tại biên giới Doklam ở vùng Himalaya hồi năm ngoái. Đây là lần gần nhất hai nước đối đầu quân sự trong nửa thế kỷ. Bất chấp việc căng thẳng trong quan hệ Trung - Ấn đã giảm thiểu sau các cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 9 năm ngoái và cuối tuần qua tại Trung Quốc, những hình ảnh vệ tinh từ công ty tình báo địa chính trị Mỹ Stratfor vào tháng 1/2018 cho thấy hai bên vẫn tích cực xây dựng lực lượng quân sự dọc biên giới.

Bên cạnh đó, ông Shashank Joshi - một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Dịch vụ Hoàng gia London - cho biết Ấn Độ phải đối mặt với một thách thức lớn trong việc hiện đại hóa lực lượng của mình. “Rõ ràng, quan hệ của Ấn Độ với cả Pakistan và Trung Quốc đã khó khăn hơn trong thập niên qua, đặc biệt kể từ năm 2016 trở đi. Một trong những đơn vị quan trọng nhất là quân đoàn xung kích miền núi mới thành lập.

Được biết, danh sách các quốc gia có nguồn chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới trở nên tương đối ổn định trong những năm gần đây với Mỹ và Trung Quốc độc chiếm hai vị trí dẫn đầu. Trong năm 2017, hai cường quốc này đã lần lượt bỏ ra 610 tỷ và 228 tỷ USD cho các chi phí quân sự. Dựa theo những con số thống kê từ SIPRI, Trung Quốc đã chi cho quốc phòng gấp 3,6 lần so với người láng giềng Ấn Độ. Với tham vọng hiện đại hóa quân đội, muốn trở thành cường quốc thế giới trong tương lai, Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh quân sự. Bắc Kinh tuyên bố sẽ tăng 8,1% cho chi tiêu quốc phòng trong năm 2018 so với mức tăng 5,6% của năm 2017. Dù đây là con số thấp nhất từ năm 2010, trên thực tế, Trung Quốc chiếm đến 13% tổng chi tiêu quốc phòng của cả thế giới trong năm 2017 so với 5,8% của năm 2008.

Ông Adam Ni - một nhà nghiên cứu về chính sách an ninh và đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc - cho rằng việc tăng chi tiêu quân sự của Ấn Độ vẫn chưa đủ lớn để đối đầu Trung Quốc. Theo vị chuyên gia, công bố chi tiêu quốc phòng từ Trung Quốc bị các chuyên gia đánh giá là “được giảm đi” so với thực tế. “Ấn Độ đang làm những gì có thể để cải thiện quân đội của mình với mục đích ảnh hưởng đến tính toán chiến lược của Bắc Kinh theo hướng có lợi cho Ấn Độ”, ông nói.

Nhật Bản cũng liên tục 6 năm thúc đẩy chi tiêu quốc phòng

Không chỉ Ấn Độ, Nhật Bản cũng được ghi nhận đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng các quốc gia có chi tiêu quốc phòng hàng đầu thế giới, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp nước này tiếp tục đẩy cao chi tiêu quốc phòng lên tới 5,19 nghìn tỷ yên (45,76 tỷ USD). Việc Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng thể hiện sự thay đổi trong chính sách của nước này kể từ khi ngân sách quốc phòng bị cắt giảm năm 2012. Báo cáo cho hay: “Mối đe dọa rõ ràng xuất phát từ Trung Quốc và Triều Tiên vẫn là các nhân tố quan trọng nhất tác động tới chiến lược an ninh của Nhật Bản”.

Dù luôn bị các nước dè chừng, nhưng nhiều quan chức Trung Quốc cho rằng nhìn vào mức bình quân đầu người hay tỷ lệ trong GDP, đầu tư cho quốc phòng của Trung Quốc đang ở mức thấp. Bắc Kinh khẳng định Trung Quốc sẽ kiên trì con đường “phát triển hòa bình”, thực hiện chính sách quốc phòng “phòng ngự”, phát triển sức mạnh quân sự không tạo ra “mối đe dọa” cho bất cứ nước nào.

SIPRI đánh giá cán cân chi tiêu quốc phòng “rõ ràng đang nghiêng” về khu vực châu Á, châu Đại Dương và Trung Đông, góp phần chủ yếu là bởi các nước chi bộn tiền như Trung Quốc, Ấn Độ và Ả Rập Saudi.

Mến Thương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/quoc-te/chi-tieu-quoc-phong-chau-a-tang-vot-391635.html