Chi tiết về mẫu 'xe tăng bay' T-90S của Việt Nam đặt mua từ Nga

Hồi tuần trước, hãng tin Interfax (Nga) cho hay Việt Nam chuẩn bị nhận 64 xe tăng hiện đại T-90S do Nga sản xuất, theo hợp đồng số 704.

T-90S được mệnh danh là "xe tăng bay"

Không phải bây giờ thông tin Việt Nam mua xe tăng T-90S mới rộ lên, thực ra từ lâu những thông tin đồn đoán Việt Nam sẽ mua xe tăng T-90S để thay thế cho những chú "cua thép T-54/55" vốn đã luống tuổi và không còn đáp ứng tốt trong môi trường tác chiến hiện đại đã xuất hiện.

Hiện chưa rõ cấu hình của phiên bản xe tăng T-90S (kèm theo bản T-90SK chỉ huy) mà Việt Nam đặt mua. Theo trang tin Army-Technology, dòng xe tăng T-90S có kích thước 9,53 x 3,78 x 2,22 m (dài, rộng, cao) và trọng lượng 46,5 tấn. Động cơ V92 của T-90S có công suất 950 mã lực, cho phép xe tăng đạt tốc độ tối đa lên tới 60km/h, với tầm hoạt động 550 km.

Sức mạnh xe tăng T-90S

T-90S được sản xuất bởi tập đoàn Uralvagonzavod có trụ sở tại Nizhnyi Tagil, Nga. Là phiên bản xuất khẩu của xe tăng T-90, T-90S tăng được trang bị vũ khí có hỏa lực mạnh, hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, hệ thống giáp bảo vệ có khả năng chống được hầu hết các loại vũ khí chống tăng hiện đại và có tính cơ động cao. Do đó, T-90S còn được gọi là "xe tăng bay". Sau đây là một số đặc điểm của mẫu xe tăng này:

Tấn công

Vũ khí chính trên T-90S là pháo nòng trơn 2A46M 125mm, bản nâng cấp của kiểu pháo chống tăng Sprut đã từng xuất hiện trên các mẫu T-72 và T-80. Loại pháo này có đặc điểm là có thể dễ dàng tháo ra khỏi xe tăng mà không cần phải gỡ toàn bộ tháp pháo kèm theo.

Pháo chính được trang bị hệ thống ổn định tầm hướng và hệ thống nạp đạn tự động mới nhất. Nhờ sử dụng hệ thống nạp đạn tự động, pháo tăng T-90S có tốc độ bắn cao (khoảng từ 7-8 phát phút), nếu tính riêng tốc độ bắn, xe tăng T-90S vượt trội hầu hết các loại xe tăng có tính năng kỹ chiến thuật tương đương trên thế giới.

Vũ khí chính của T-90S là pháo nòng trơn 2A46M

Pháo cũng bắn được nhiều loại đạn như APDS (đạn xuyên giáp), HEAT (đạn nổ), HE-FRAG (đạn gém)... Một vũ khí khác trên T-90S chính là hệ thống tên lửa chống tăng mang tên 9M119M Refleks (NATO gọi là AT-11 Sniper), có thể được phóng từ nòng pháo. Tên lửa 9M119M Refleks có phạm vi hoạt động từ 100 - 4.000m và có thể di chuyển tới vị trí xa nhất trong vòng 17,5 giây. Tên lửa có khả năng chọc thủng cả các mục tiêu có vỏ thép bảo vệ dày tới 950 mm (như lớp giáp phản ứng nổ ERA) cũng như các mục tiêu bay thấp (5 km) như máy bay trực thăng.

Tên lửa 9M119M Refleks

T-90S còn có một số vũ khí phụ là một khẩu súng máy đồng trục PKA 7.62mm và một đại liên phòng không 12.7mm. Đại liên phòng không được điều khiển ở trong xe, xạ thủ có thể ngắm bắn khi đang ngồi phía trong xe tăng mà không cần phải nhô người ra ngoài tháp pháo, giúp giảm khả năng thương vong. Súng có tốc độ bắn 650-750 viên/phút, tầm bắn 2 km.

Ngoài ra T-90S còn được trang bị súng ngắn và 10 quả lựu đạn F-1 đặt ở phía trong khoang xe để tổ lái sử dụng trong trường hợp phải rời khỏi xe tăng và ra ngoài.

Phòng vệ

Theo Wikipedia, T-90S có hình dáng thấp giống như những tăng thời kỳ đầu của Nga, với một tháp pháo tròn thấp nằm chính giữa thân, nó được trang bị cả hệ thống bảo vệ chủ động và bị động, biến T-90S thành chiếc tăng chiến đấu được bảo vệ tốt nhất trên thế giới.

Về cơ bản thì hệ thống bảo vệ trên T-90S gồm 4 lớp: lớp 1 là hệ thống phòng thủ chủ động quang điện gây nhiễu Shtora-1 để chống lại các tên lửa dẫn đường bằng laser, hồng ngoại cũng như gây nhiễu các hệ thống hiển thị mục tiêu; lớp 2 có thể được lắp hệ thống phòng thủ chủ động Arena-E đánh chặn các loại đạn chống tăng (theo yêu cầu khách hàng), lớp thứ 3 là giáp phản ứng nổ gắn ngoài, và lớp cuối cùng là vỏ giáp được kết hợp giữa thép độ bền cao và vật liệu tổng hợp (composite).

Shtora-1 giống như đôi mắt đỏ của T-90S

Sức mạnh thật sự của lớp vỏ giáp T-90S vẫn còn trong vòng bí mật, nhưng theo ước tính của một số nguồn thông tin thì vỏ giáp trước của T-90A có độ bền tương đương 550 - 650 mm thép cán (khi chống chọi với đạn APFSDS) hay 750 mm (khi chống đạn nổ lõm - HEAT). Khi được trang bị thêm giáp phản ứng nổ thế hệ 2 là Kontakt-5 thì thông số này có thể tăng lên 800-830 mm (chống đạn APFSDS) và 1.150-1.350 mm thép (chống đạn HEAT).

Lớp giáp phản ứng nổ giáp Kontakt-5

Những khu vực khác của xe tăng như nóc tháp pháo, hai bên xe... thì vỏ giáp mỏng hơn và khả năng bảo vệ nhìn chung yếu hơn, nhưng cũng rất khó để xuyên phá nếu chỉ sử dụng vũ khí chống tăng kiểu cũ.

Các hệ thống điện tử

Như đã đề cập, xe tăng T-90S được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động quang điện gây nhiễu Shtora-1. Shtora-1 gồm 12 ống phóng màn sương cần chưa tới 3 giây để hình thành và kéo dài tới 20 giây, màn sương này sẽ gây nhiễu các thiết bị chỉ định bằng laser cũng như ngụy trang cho xe tăng trước các thiết bị ngắm bắn quang học.

Minh họa hệ thống Shtora-1

Hệ thống phòng thủ chủ động (APS - Active Protection Systems) Arena-E trên T-90S là lớp bảo vệ thứ hai của xe nếu Shtora-1 không gây nhiễu được tên lửa của địch. Arena-E gồm một radar lắp trên nóc tháp pháo, máy tính điều khiển và 25 hộp phóng đạn đánh chặn lắp xung quanh tháp pháo, cung cấp khả năng bảo vệ hiệu quả trước đạn chống tăng có tốc độ bay đạt tới 700 m/giây và thời gian phản ứng là khoảng 0,07 giây.

Hệ thống phòng thủ của xe tăng cũng được áp dụng công nghệ tàng hình, sử dụng các lớp sơn đặc biệt, làm bằng vật liệu hấp thụ sóng điện từ, giảm thiểu các nguồn bức xạ nhiệt, điện từ và hồng ngoại, khiến các thiết bị trinh sát của địch khó phát hiện ra.

Bên cạnh các hệ thống bảo vệ thụ động và chủ động, T-90S cũng được lắp hệ thống bảo vệ sinh-hóa-phóng xạ (NBC) và thiết bị quét mìn KMT. Trong tương lai, T-90S có thể được trang bị hệ thống thông tin thế hệ mới nhất với khả năng tự động hóa hoàn toàn để tiến tới mục tiêu điều khiển xe tăng từ xa.

Tính cơ động

T-90S có động cơ diesel đa nhiên liệu V-84MS 840 mã lực (618 kW) bốn thì V-12 piston, có thể chạy bằng nhiên liệu T-2, TS-1 kerosene và A-72 benzine. Động cơ này cho tỷ lệ sức mạnh trên trọng lượng chỉ đạt 18,06 mã lực/tấn, kém đáng kể so với loại T-80U và T-84 (xấp xỉ 26 mã lực/tấn).

Về sau, T-90S và các mẫu T-72 mới được trang bị các động cơ mạnh hơn như V-92 950 mã lực và V-96 1100 mã lực, cuối cùng nâng tỷ lệ này lên 20,4 mã lực/tấn và 23,7 mã lực/tấn, mặc dù vẫn còn kém so với T-84. Tuy nhiên, do khối lượng thấp (47 tấn so với 61 tấn của M1 Abrams và 48 tấn của T-84), xe tăng T-90S vẫn đạt được tốc độ đáng kể, có thể ngang ngửa với T-80 và T-84.

Đồng thời trục lăn của T-90S rộng hơn T-72B nên nó chịu tải lớn hơn, và vòng sắt của T-90S có thể là loại xích hỗn hợp sắt-cao su hoặc xích sắt có khớp nối đều được. Kíp lái còn có thể chuẩn bị thiết bị lội nước trong 20 phút với chướng ngại nước sâu 5 mét.

Những thực tế chiến trường cho thấy xe tăng T-90S có độ tin cậy rất cao, xe có khả năng lắp đặt các trang bị tự cứu kéo, lắp đặt các thiết bị quét mìn và có thể vận chuyển được bằng hầu hết các phương tiện cơ động vận tải ở Việt Nam, bao gồm cả vận chuyển đường sắt.

G.L

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/2352178/chi-tiet-ve-mau-xe-tang-bay-t-90s-cua-viet-nam-dat-mua-tu-nga