Chi tiết trong đạo luật quốc phòng của Mỹ có thể 'chọc giận' Trung Quốc

Mỹ có thể 'chọc giận' Trung Quốc vì một chi tiết liên quan tới Đài Loan nằm trong đạo luật quốc phòng mới được Tổng thống Biden ký thành luật.

Đạo luật Cấp phép Quốc phòng Quốc gia (NDAA) cho năm tài khóa 2022 với khoản chi tiêu quốc phòng lên tới 770 tỉ USD vừa được Tổng thống Joe Biden ký hôm 27/12 có đề cập tới việc Đài Loan sẽ có thể được mời tham dự cuộc tập trận hải quân quy mô lớn nhất thế giới mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vào năm tới.

Theo CNN, lời mời sẽ minh chứng cho những nỗ lực ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan, trong hoàn cảnh hòn đảo này đang đối mặt với “sự bắt nạt gia tăng và thái độ hung hăng” từ phía Trung Quốc.

Dàn chiến hạm tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018. (Ảnh: Reuters)

Dàn chiến hạm tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018. (Ảnh: Reuters)

Kể từ khi thông qua Đạo luật các mối quan hệ với Đài Loan vào năm 1979, Mỹ đã cung cấp cho Đài Loan nhiều giải pháp để tự phòng vệ.

CNN cho hay, một phần nội dung trong NDAA 2022 viết chiểu theo Đạo luật năm 1979, “Mỹ nên tiếp tục hỗ trợ sự phát triển năng lực, khả năng sẵn sàng và hiện đại hóa của các lực lượng vũ trang Đài Loan nhằm duy trì năng lực tự phòng thủ cần thiết bao gồm lời mời Đài Loan tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương được tiến hành trong năm 2022”.

Cuộc tập trận hải quân quy mô lớn nhất thế giới được dự kiến diễn ra vào mùa hè năm tới với sự tham gia của 48 đơn vị quân sự từ 20 quốc gia, cùng 25.000 binh sĩ, theo thông báo trong tháng này từ Hạm đội số 3 của hải quân Mỹ đóng quân ở San Diego và cũng là đơn vị giám sát RIMPAC.

Hải quân Mỹ cho tới nay vẫn chưa công khai danh sách chính thức các lực lượng được mời tham gia RIMPAC 2022, nhưng khả năng Đài Loan sẽ lần đầu tiên được mời tham dự.

Hôm 28/12, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii cũng chưa đưa ra lời bình luận về việc Đài Loan có được mời tham dự RIMPAC 2022 hay không.

Theo truyền thống, các nước tham dự RIMPAC là những đồng minh và đối tác của Mỹ bao gồm một số nước lớn ở Thái Bình Dương như Nhật Bản và Australia. Đáng nói, căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Australia cũng đang gia tăng liên quan tới vấn đề Đài Loan.

“Tham gia RIMPAC mang hàm ý chính trị nhiều hơn là một cuộc tập trận chuyên nghiệp. Nếu như lời mời Đài Loan là sự thật, Đài Loan sẽ có thể được xem là một người bạn và đối tác của Mỹ”, ông Carl Schuster, cựu giám đốc phụ trách hoạt động tại Trung tâm Tình báo chung thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh thêm, ngôn từ trong NDAA là “tuyên bố chiến lược chính trị mạnh mẽ xuất phát từ việc Trung Quốc leo thang hành động gây hấn với Đài Loan” và với các nước khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nếu như Đài Loan tham gia RIMPAC sẽ “gửi đi một tín hiệu chính trị mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng chính thái độ của Trung Quốc là nguyên nhân, đồng thời cho Trung Quốc thấy cái giá phải trả nếu chọn giải pháp quân sự”, ông Schuster nhận định.

Trước đây, Mỹ từng dùng các cuộc tập trận RIMPAC để hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc. Cụ thể, Mỹ từng mời quân đội Trung Quốc tham dự các đợt RIMPAC trong năm 2014 và 2016. Vào thời điểm này, hải quân Trung Quốc đã điều động 5 tàu chiến và hơn 1.200 binh sĩ tham dự.

Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc không được mời dự RIMPAC 2018 do căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang, sau khi Bắc Kinh có hành động đơn phương xây dựng và mở rộng hoạt động quân sự ở Biển Đông.

Theo ông Schuster, việc mời Đài Loan tham dự RIMPAC sẽ giúp hải quân Mỹ có cơ hội tiến hành huấn luyện cùng các đơn vị hải quân và binh sĩ Đài Loan, từ đó tăng cường các mối quan hệ và sự hiểu biết lẫn nhau.

Song ông Schuster cũng cho rằng, sự hiện diện của Đài Loan ở RIMPAC có thể dẫn tới sự bất đồng ý kiến của các nước tham dự còn lại.

“Cuộc tập trận nhằm gửi tín hiệu chính trị mạnh mẽ tới Trung Quốc, do đó Bắc Kinh sẽ thuyết phục các nước châu Á lâu nay vẫn tham dự RIMPAC như Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và Philippines từ chối lời mời, hoặc từ chối tham dự những nội dung diễn tập có các đơn vị Đài Loan tham gia”, ông Schuster cảnh báo.

RIMPAC 2022 sẽ là lần thứ 28 sự kiện lớn này được tổ chức. Mỹ, Australia và Canada là 3 quốc gia sáng lập cuộc tập trận thường niên RIMPAC vào năm 1971. Tuy nhiên, từ năm 1974, thêm nhiều quốc gia khác bắt đầu được mời tham dự sự kiện này.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/trung-quoc-nong-mat-vi-chi-tiet-trong-dao-luat-quoc-phong-cua-my-401706.html