Chi tiết nội dung hộp đen vụ tai nạn máy bay Ukraine

Iran đã công bố giải mật hộp đen của máy bay chở khách Ukraine trúng tên lửa của Iran, tuyên bố sẵn sàng bồi thường Ukraine.

Hôm 23/8, ông Touraj Dehghani-Zanganeh, người đứng đầu Tổ chức Hàng không dân dụng (ICAO) Iran đã công bố báo cáo chính thức đầu tiên về nội dung trong hộp đen chiếc máy bay chở khách xấu số của Hãng hàng không quốc tế Ukraine (UIA).

Giám đốc Tổ chức Hàng không dân dụng (ICAO) Iran Touraj Dehghani-Zanganeh.

Giám đốc Tổ chức Hàng không dân dụng (ICAO) Iran Touraj Dehghani-Zanganeh.

Nội dung phân tích máy ghi âm buồng lái (CVR) và máy ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) của chiếc máy bay xấu số sau khi các hộp đen được gửi đến Pháp giải mã hồi tháng trước.

Máy bay chở khách của Ukraine bị trúng 2 tên lửa. Khi vừa cất cánh từ sân bay quốc tế Imam Khomeini ở Tehran thì nó trúng tên lửa thứ nhất, có thể làm hỏng thiết bị vô tuyến. Tên lửa thứ hai có khả năng trực tiếp tấn công máy bay do các video đêm đó cho thấy máy bay phát nổ thành một quả cầu lửa trước khi lao xuống ngoại ô thủ đô của Iran.

Theo ông Dehghani-Zanganeh, "19 giây sau khi tên lửa đầu tiên bắn trúng máy bay, có giọng nói của các phi công trong buồng lái, cho thấy mọi người còn sống sót... 25 giây sau, tên lửa thứ hai bắn trúng máy bay".

Ông Zangeneh xác nhận tên lửa đầu tiên có khả năng làm gián đoạn máy ghi âm của máy bay. "Đại diện của Mỹ, Ukraine, Pháp, Canada, Anh và Thụy Điển - những nước có công dân thiệt mạng trong vụ tai nạn – đều có mặt trong quá trình thu thập dữ liệu từ hộp đen" - ông Zangeneh nói thêm.

Ông Dehghani-Zanganeh kêu gọi tất cả các bên liên quan không chính trị hóa việc phân tích dữ liệu từ các hộp đen.

Hiện trường vụ tai nạn hàng không thảm khốc. Ảnh: AP

Giám đốc Zangeneh nêu rõ, Iran đã thừa nhận trách nhiệm trong các nhầm lẫn của mình và sẵn sàng thương lượng về mức bồi thường đầy đủ cho những sai lầm đó. Các mức bồi thường sẽ được chi trả trong khuôn khổ luật pháp quốc tế mà không có sự phân biệt.

Giới chức Iran và Ukraine đang trao đổi về việc bồi thường cho gia đình các nạn nhân, với vòng đàm phán sắp tới được dự định diễn ra trong tháng 10.

Trước đó, Chính quyền Tehran xác nhận họ vô tình bắn rơi chiếc máy bay Ukraine vào tháng 1/2020, thời điểm xảy ra căng thẳng tột độ với Mỹ. Tất cả 176 người trên máy bay đều thiệt mạng.

Phía Iran đã đàm phán với Ukraine, Canada và các quốc gia khác có công dân trên chiếc máy bay bị bắn rơi vì các quốc gia này đòi hỏi một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vụ việc.

Vụ việc xảy ra cùng buổi tối Iran mở cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào các căn cứ Mỹ ở Iraq để trả thù vụ Washington ám sát Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani vào ngày 3/1.

Lúc đó, quân đội Iran chuẩn bị cho một cuộc phản công tiềm tàng của Mỹ và dường như nhầm chiếc Boeing 737-800 với một tên lửa đang bay tới.

Hồi tháng trước, báo cáo ban đầu từ cuộc điều tra của Iran thừa nhận hệ thống tên lửa đặt sai vị trí, thông tin không chính xác giữa binh sĩ và chỉ huy cùng với quyết định khai hỏa dù chưa được phép là những nguyên nhân dẫn đến vụ bắn rơi máy bay Ukraine.

Các nhà phân tích và quan chức tình báo phương Tây tin rằng lực lượng Iran bắn hạ chiếc Boeing 737-800 bằng hệ thống Tor (NATO gọi là SA-15) do Nga sản xuất. Năm 2007, Iran nhận 29 đơn vị Tor M1 từ Nga theo một hợp đồng trị giá ước tính 700 triệu USD.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chi-tiet-noi-dung-hop-den-vu-tai-nan-may-bay-ukraine-3417769/