Làm sao để văn chương thực sự có ích?

Dường như đang tồn tại trong đời sống những hoài nghi về ích dụng của văn chương nghệ thuật. Thậm chí, tâm trạng hoài nghi ấy lan sang cả những ngành khoa học cơ bản, vốn khó có thể đánh giá bằng hình thức định lượng.

Rõ ràng, với tâm lí thực dụng của xã hội đương đại, việc đọc một cuốn sách, một bài thơ, xem một bức tranh, nghe một bản nhạc cổ điển… có lẽ là điều xa xỉ, không dành cho đại chúng, không phù hợp với những âu lo, bề bộn trong cuộc sống. Vậy, làm sao để văn chương thực sự có ích?

Thời trung đại, nghệ thuật cố gắng đạt đến những chuẩn thẩm mỹ có sẵn trong truyền thống (chủ yếu là mỹ học Trung Hoa và sắc thái thẩm mỹ dân gian bản địa). Ích dụng của văn học-hiểu là văn học thành văn, chỉ thể hiện trong cộng đồng nho sĩ, trí thức phong kiến. Đại bộ phận dân chúng không tiếp cận được các giá trị này. Bởi thể, nói ích dụng của văn chương thực ra là nói trong một cộng đồng hẹp. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc văn chương bác học đã không phát huy ích dụng đối với một cộng đồng khác lớn hơn. Việc xây dựng con người theo mô hình đạo đức Khổng giáo đã triệt tiêu khá nhiều khía cạnh cá nhân vốn là yếu tính của sự tồn tại. Văn chương trở thành phương tiện để “tải đạo”, “ngôn chí” theo mẫu hình có sẵn cũng xuất phát từ đặc tính này và có vẻ như không đến được với bản chất đích thực của cuộc sống con người. Giai đoạn cận hiện đại, tiếp xúc với phương Tây, con người cá nhân phát triển. Đây là thời kì các nhu cầu cá thể được phát huy. Văn chương trở nên ích dụng hơn cùng với sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của chữ quốc ngữ, báo chí, nhà in… Văn học thoát ra khỏi tính khu vực để tiến đến những vận động theo tinh thần toàn cầu hóa. Cái tôi trong thơ mới tiếp cận được bản sắc cái tôi trong thơ Pháp, để bày tỏ khát vọng được sống một cách thành thực. Như thế, bản chất của con người, tại gốc rễ của nó là nhu cầu của mỗi cá thể được phát huy. Văn học thời chiến 1945-1975 ghi nhận sự hợp nhất con người cá nhân vào đoàn thể, văn chương phát huy tác dụng trong những nhiệm vụ lịch sử của dân tộc. Tuy nhiên, sau giải phóng, cộng đồng cũng phát hiện trở lại những thiếu khuyết của văn chương thời chiến, đó là chưa dành cho con người cá nhân những điều kiện thuận lợi để bày tỏ. Xã hội đương đại, không khí hậu chiến, cơ chế đổi mới, hội nhập, toàn cầu hóa đã trao trả lại cho con người cá nhân thế giới của riêng mình. Các nhà nghiên cứu, lí luận xã hội đã đề cập đến cuộc "toàn cầu hóa hiệp II" ở Việt Nam (sau giai đoạn tiếp xúc phương Tây cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 là "toàn cầu hóa hiệp I"). Con người cá nhân bản thể trở thành một mô hình phổ quát trong hướng tiếp cận và phô bày của văn chương, nghệ thuật đương đại. Các nhà văn trong hành trình sáng tạo của mình đã nỗ lực khám phá bản chất của tồn tại con người ngay trong bản thân mình. Tại đó, như đã nói ở trên, văn chương đã thể hiện được ích dụng của mình. Tuy nhiên, ngay khi cái tôi bản thể được lên tiếng, cộng đồng có vẻ lại hoài nghi tiếng nói của nó trong văn chương, nghệ thuật. Sự cực đoan hay vô lối của cái tôi khiến nó trở nên xa lạ, dị biệt. Sáng tạo dựa trên tinh thần phô bày cái tôi bản thể nhiều khi trở nên khó hiểu, mù mờ. Những thực hành nghệ thuật như thế, có thể nói, đã làm công chúng hoài nghi ích dụng của văn chương.

Cái tôi bản thể là một cá tính không lặp lại. Văn chương xây cất trên nền tảng của cái tôi, rất khác biệt, nhưng trên bình diện lí luận nhận thức, đó lại là một phổ quát. Những gì quá khó hiểu, xa lạ, mù mờ, có thể vẫn thể hiện bản sắc cá thể nhưng không phải là những yếu tính phổ quát. Do vậy nó vô ích với cộng đồng. Văn chương muốn phát huy ích dụng của mình phải đạt đến sự phổ quát. Chẳng hạn, con người cá nhân bản thể quan tâm đến khía cạnh văn hóa và sinh học của mình, đòi hỏi hiện hữu một cách toàn diện, truy vấn căn nguyên của tồn tại cá nhân, xác lập ý nghĩa của bản thân trong ý thức cao độ về kẻ khác… Văn chương nếu có thể phô bày được những khía cạnh này, tức là có cơ hội đến được với nhân loại. Trái lại, đào sâu vào cái tôi bản thể, nhưng chỉ bày tỏ được những nét khác biệt đến mức những cái tôi khác không thể chia sẻ, cộng đồng cảm thấy xa lạ, chính là sáng tạo ấy đã tự dựng nên giới hạn cho mình. Ngoảnh lại những sáng tác văn chương Việt Nam hậu chiến, Bảo Ninh, Dương Hướng, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều… có được thành công, tạo nên hiệu ứng xã hội khá rõ rệt, chính vì tác phẩm của họ chạm đến những vấn đề phổ quát của xã hội đương đại Việt Nam. Cái nhìn hậu chiến, cảm hứng thế tục, nhận thức lại quá khứ, mở ra những bình diện mới trong việc khám phá tâm linh, thân thể, vô thức… của con người là cơ sở cho việc xác lập vai trò, ích lợi của văn chương trong đời sống. Ngược lại, những thực hành văn chương của nhóm vụt hiện, thơ con chữ, con âm, thơ ngoài lời, thơ ảnh tự… có thể còn xa lạ với nhiều người, thiếu đi những sắc thái phổ quát, đại chúng. Bởi vậy, những trường hợp này rất dễ bị xem là vô dụng.

Văn chương mà rộng hơn là nghệ thuật chỉ có thể thể hiện được ích dụng của mình khi nó khám phá, thể hiện những vấn đề có tính phổ quát của đời sống. Không phải là đại chúng hóa văn học, mà tính phổ quát này hướng đến những giá trị căn bản của tồn tại người, muôn nơi và muôn thuở. Trong ý hướng đó, những giá trị sẽ được kiến tạo.

Tiến sĩ NGUYỄN THANH TÂM

Nguồn Dân Việt: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/lam-sao-de-van-chuong-thuc-su-co-ich-523195