Chi tiết kỹ thuật vỏ hầm 'vạn năng' metro Nhổn - ga Hà Nội

Chuẩn bị cho máy đào hầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội hoạt động là đào đoạn đi ngầm và lắp đặt các đốt hầm. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và chủ đầu tư vừa có buổi thị sát, đánh giá nhà máy sản xuất vỏ hầm cho dự án.

Đại diện Hội đồng nghiệp thu Nhà nước kiểm tra mẫu vỏ hầm tại nhà máy

Tại nhà máy được đặt ở tỉnh Hà Nam, đại diện Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã nghe báo cáo của các đơn vị có liên quan, sau đó thực hiện kiểm tra sơ bộ các thông số kỹ thuật, dây chuyền, phương pháp, nguyên liệu sản xuất, đóng góp các ý kiến để hoàn thiện trước khi dự án bước vào giai đoạn sản xuất vỏ hầm đại trà.

Báo cáo với đại diện Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, nhà máy sản xuất vỏ hầm do nhà thầu dự án lắp đặt vận hành. Nhà máy được trang bị công nghệ hiện đại và dây chuyền sản xuất khép kín, từ đây từng đốt hầm metro Nhổn – ga Hà Nội sẽ được sản xuất và được kiểm tra kỹ thuật chặt chẽ.

Thông tin về các thông số vỏ hầm, đại diện MRB cho biết, vòng vỏ hầm là loại vạn năng, bao gồm có 6 miếng ghép lại. Vòng vỏ hầm có đường kính trong 5,7m, đường kính ngoài 6,3m, bề rộng vòng 1,5m, chiều dày vỏ gầm 0,3m. Mỗi đốt hầm có chiều dài là 1.5m

Thiết bị sản xuất vỏ hầm tại nhà máy

Thiết bị sản xuất vỏ hầm tại nhà máy

Việc sản xuất các đốt hầm đúc sẵn được thực hiện qua các công đoạn khép kín gồm: Đầu tiên là gia công cốt thép, kiểm tra tổ hợp cốt thép từng chi tiết nhỏ. Chuẩn bị ván khuôn, lắp đặt cốt thép và các phụ kiện rồi đổ bê tông vào khuôn.

Sau đó các tấm vỏ hầm sẽ được che phủ bằng các buồng kín để thực hiện công tác bảo dưỡng bằng hơi nước cho đến khi bê tông của tấm vỏ hầm đạt tới 60% cường độ nén quy định, tương đương với 30 MPa (thời gian khoảng từ 4 - 6 tiếng). Tiếp đó các tấm vỏ hầm sẽ được chuyển đến khu vực bảo dưỡng nước trong vòng 7 ngày.

Tiếp đến, sản phẩm sẽ được cẩu chuyển từ bể ngâm đến khu vực lưu trữ. Tại đây, sản phẩm được sơn lớp bảo vệ epoxy, đánh dấu từng đốt hầm để phục vụ cho việc lắp đặt thi công. Công đoạn cuối cùng tại nhà máy, là sản phẩm sẽ được chuyển ra khu vực lưu kho, lắp gioăng EPDM, thanh dẫn và tấm đệm.

Về tiến độ sản xuất, MRB cho biết: dự kiến, đơn vị trực tiếp sản xuất vỏ hầm sẽ tiến hành sản xuất vỏ hầm bắt đầu từ tháng 4/2021. Công suất dự kiến là 12 vòng vỏ hầm/ngày, tương đương 72 phiến vỏ hầm. Nhà máy sẽ sản xuất với tổng số 3.488 đốt và 20.928 phiến hầm để phục vụ đoạn đi ngầm của dự án.

Đoạn đi ngầm của dự án metro Nhổn – ga Hà Nội từ Cầu Giấy về ga Hà Nội (Gói thầu CP3) là một trong những gói thầu quan trọng nhất của dự án. Phạm vi công việc chính của gói thầu gồm: Đường hầm đôi, ray đơn với đường kính trong 5.7m và chiều dài đường hầm 2,573m; các ga ngầm bao gồm: Ga Kim Mã (Ga 09), Ga Cát Linh (Ga 10), Ga Văn Miếu (Ga 11) và Ga Hà Nội (Ga 12); Đường dốc hạ ngầm; Khu quay đầu/ Gara; Trục cứu nạn. Nhà thầu chính của gói thầu CP03 là Liên danh Hyundai - Ghella. Dự án có tiến độ chạy tầu vào cuối năm 2021 và chạy cả tuyến vào năm 2022.

Trọng Đảng

Tin tài trợ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chi-tiet-ky-thuat-vo-ham-van-nang-metro-nhon-ga-ha-noi-post1323805.tpo