Chi tiết gây tranh luận trong tập cuối 'Thương ngày nắng về'

Phim kết thúc có hậu, được số đông khán giả yêu thích nhưng nội dung vẫn xuất hiện một số chi tiết gây khó hiểu.

Tác phẩm Thương ngày nắng về (đạo diễn Bùi Tiến Huy) khép lại sau 87 tập, để lại dư âm trong lòng nhiều khán giả. Tình mẫu tử thiêng liêng, hình ảnh người mẹ tảo tần, hết mực yêu thương các con được khắc họa rõ nét, chạm đến cảm xúc người xem.

Có thể nói trong những phim truyền hình Việt gần đây, cái kết của Thương ngày nắng về được ủng hộ nhiều nhất. Tuy nhiên, bên cạnh đó, phim không tránh khỏi những "hạt sạn", một số chi tiết khó hiểu.

Màn cấp cứu gây tranh luận

Những cảnh đầu tiên trong tập cuối là tình huống bà Nga bất tỉnh, phải nhập viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết não. Lan Phương, Huyền Lizzie, Ngọc Huyền đều thể hiện tốt cảm xúc ở phân cảnh này.

Nhưng khán giả chỉ ra một số điểm chưa hợp lý trong khi cấp cứu trường hợp nguy kịch, chẳng hạn chi tiết người nhà đứng ngoài cửa kính gào khóc và vẫn nhìn được khung cảnh bên trong, thao tác của bác sĩ chậm.

"Sốc điện tim mà không cởi áo", "Cấp cứu mà bác sĩ nói chậm, đứng tần ngần nhìn bệnh nhân. Chẳng bệnh nhân nào tụt SpO2 xuống 0 rồi mà lại không chuẩn bị nhanh để đặt ống nội khí quản hoặc bóp bóng mà vẫn thở oxy kính", "Phân đoạn cấp cứu mà cửa kính, cả nhà đứng ngoài nhìn vào không thực tế lắm"... là những thắc mắc từ khán giả trên fanpage phim.

 Hình ảnh bà Nga trong phòng cấp cứu.

Hình ảnh bà Nga trong phòng cấp cứu.

Ngoài ra, một điểm trừ khác là phân cảnh này được lồng ghép quá nhiều hình ảnh hoài niệm cùng những lá thư bà Nga gửi cho từng thành viên trong gia đình - con gái Vân Trang, Vân Vân, cậu Vượng.

Phân đoạn cấp cứu dừng ở cảnh bà Nga vẫn nằm bất động, bác sĩ đứng nhìn, phía ngoài gia đình khóc nức nở.

Sau đó, cảnh phim đột ngột chuyển sang mốc thời gian một năm sau. Lúc này, bà Nga bất ngờ xuất hiện, sức khỏe hồi phục bình thường. Do đó, một bộ phận người xem cho rằng tình tiết này chưa được giải thích hợp lý.

Bên cạnh đó, chi tiết ngày giỗ vẫn khiến nhiều người đặt câu hỏi - đó là đám giỗ của ai. Theo nội dung phim, đó là ngày giỗ của ông Mậu (chồng bà Nga). Nhưng sự không hợp lý nằm ở chỗ ông Mậu qua đời đã hàng chục năm. Trong khi, tại bối cảnh quán bún ốc, vợ chồng Mơ - Vượng bần thần khi nhắc đến giỗ. Người hàng xóm thân thiết với bà Nga còn thốt lên: "Nhanh nhỉ, mới đó mà đã đến giỗ rồi".

Có thể biên kịch và đạo diễn dùng chi tiết này với ý đồ "bẻ lái", đánh lừa khán giả, khiến họ vỡ òa khi biết bà Nga còn sống. Tuy nhiên, cách dẫn dắt như trên lại tạo cảm giác gượng và chưa đủ thuyết phục.

Chú rể đeo kính râm trong ngày cưới

Một chi tiết nữa được bàn tán xôn xao trên fanpage phim là hình ảnh nhân vật Hoàng Duy (Đình Tú) đeo kính râm trong ngày cưới. Suốt hai phần phim, Duy được tạo hình luôn đeo kính cận. Do đó, khán giả cảm thấy khó hiểu khi chú rể xuất hiện với cặp kính mát màu nâu đen xuyên suốt buổi lễ.

Vì chú rể đeo kính, ở những cảnh quay cận, khi cặp uyên ương trao nhẫn và nói lời thề nguyện, cảm xúc của nhân vật không được lột tả. Trong khi ở phía đối diện, cô dâu Vân Trang nước mắt lưng tròng. Nhiều khán giả cho rằng đây chỉ là chi tiết nhỏ nhưng lại ảnh hưởng đến toàn bộ phân cảnh, cả về mặt tạo hình lẫn cảm xúc.

"Cặp kính của chú rể phá hỏng cảm xúc giữa hai nhân vật, gần như không còn 'chemistry'", "Chú rể bỏ cặp kính đen đi thì hợp lý hơn", "Không hiểu sao Duy lại đeo kính râm trong ngày cưới", "Duy bình thường đeo kính cận, đến ngày cưới lại đeo kính đen", "Kính đẹp nhưng không hợp trong khung cảnh lễ cưới"... là một số trong rất nhiều bình luận từ khán giả theo dõi phim.

Hình ảnh Hoàng Duy đeo kính râm trong ngày cưới gây tranh luận.

Thêm một điều khiến người hâm mộ tiếc nuối là không có cảnh riêng của bà Nga và con gái Vân Trang trong ngày cưới. Trang là cô bé được bà Nga nhận nuôi từ nhỏ và dành rất nhiều tình cảm yêu thương. Với Trang, công ơn nuôi dưỡng của mẹ Nga lớn lao hơn bất cứ điều gì. Theo một số ý kiến, nếu có cảnh Trang ôm mẹ Nga trong ngày trọng đại của cuộc đời, mọi thứ sẽ trọn vẹn hơn.

Bỏ qua những điểm chưa hợp lý nói trên, Thương ngày nắng về đã thành công trong việc truyền tải thông điệp ý nghĩa về tình mẫu tử, tình cảm gia đình. Không ít khán giả tâm sự họ đồng cảm vì nhìn thấy hình ảnh người mẹ của mình qua nhân vật Nga "béo". Diễn xuất ấn tượng của NSƯT Thanh Quý lột tả chân thực hình tượng bà mẹ tần tảo sớm hôm vì thương con.

Những đoạn nhân vật tự sự, nhắn nhủ người chồng đã khuất và ba người con gây xúc động mạnh. "Mẹ dặn này, ngay cả ngày mai, mẹ có thể đi thì cũng buồn ít hôm thôi. Người ta đến tuổi như lá rụng về cội, cứ nghĩ nhẹ nhàng thì nó nhẹ nhàng. Qua dãi dầu mưa tuyết mới thương ngày nắng về", bà Nga nói với các con.

Thương ngày nắng về được chuyển thể từ kịch bản gốc Mother of mine (Hàn Quốc). Phim được thay đổi nhiều tình tiết, tuyến nhân vật để phù hợp với văn hóa Việt Nam và phần kết cũng tươi sáng hơn.

Phương Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chi-tiet-gay-tranh-luan-trong-tap-cuoi-thuong-ngay-nang-ve-post1342455.html