Chi tiền tỷ cho sở thích sưu tầm mô hình quân sự

Hơn 600 mô hình quân sự của anh Nguyễn Quang Việt (sinh năm 1989, Hà Nội) không chỉ đa dạng về thể loại mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về lịch sử Việt Nam và thế giới.

 Được truyền cảm hứng từ gia đình vốn có truyền thống về quân đội, anh Nguyễn Quang Việt đã đam mê và sưu tầm mô hình quân sự hơn 10 năm. Bộ sưu tập của anh đến nay đã lên đến hơn 600 chiếc, mô phỏng chi tiết lại vũ khí, phương tiện quân sự như xe tăng, phi cơ, tàu chiến… với nhiều tỉ lệ khác nhau. Trong đó có nhiều món nằm trong phiên bản giới hạn, ngày càng tăng dần giá trị theo thời gian.

Được truyền cảm hứng từ gia đình vốn có truyền thống về quân đội, anh Nguyễn Quang Việt đã đam mê và sưu tầm mô hình quân sự hơn 10 năm. Bộ sưu tập của anh đến nay đã lên đến hơn 600 chiếc, mô phỏng chi tiết lại vũ khí, phương tiện quân sự như xe tăng, phi cơ, tàu chiến… với nhiều tỉ lệ khác nhau. Trong đó có nhiều món nằm trong phiên bản giới hạn, ngày càng tăng dần giá trị theo thời gian.

Mô hình anh Việt sở hữu nhiều nhất thuộc về loại phương tiện quân sự Việt Nam với những câu chuyện mang giá trị lịch sử lớn. Mô hình chiếc máy bay MIG-21 (bên trái) do phi công Nguyễn Hồng Mỹ (thuộc lực lượng Không quân Việt Nam) điều khiển là một trong những mô hình anh Việt tâm đắc nhất vì có chữ ký của người phi công anh hùng được không lực Hoa Kỳ ngưỡng mộ này. Bên cạnh là mô hình chiếc F-4D do ông Dan Cherry (thuộc lực lượng Không quân Mỹ) lái và bắn hạ chiếc MIG-21 trong chiến tranh tại Việt Nam năm 1972. “Tôi vô cùng ấn tượng với hai mô hình này vì sau khi hòa bình lập lại, hai cựu chiến binh đã gặp nhau, hòa giải, trở thành bạn bè và viết nên câu chuyện ‘My enemy my friend’ nổi tiếng”, anh Việt chia sẻ.

Bộ mô hình mô phỏng chi tiết khoảnh khắc xe tăng quân ta tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 là công trình anh Việt sưu tầm lâu và công phu nhất. Từng bộ phận nhỏ đều phải đặt làm, tìm mua riêng lẻ bằng chất liệu chủ yếu từ nhựa, sắt; sau đó mới được dựng lại. Chia sẻ về quá trình này, anh cho biết: “Cái khó nhất ở công trình là về khâu lựa chọn sa bàn, mô hình; lấy góc khung hình và tìm được nghệ nhân tay nghề cao. Vì vậy tôi mất khoảng 1 năm rưỡi để sưu tầm và chờ đợi hoàn thành”.

Mô hình chiếc MIG-21 số hiệu 5121 do anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Tuân lái, bắn rơi chiếc B52 của Mỹ trong sự kiện ‘Điện Biên Phủ trên không’ là mô hình phiên bản giới hạn, không còn sản xuất ở thời điểm hiện tại.

Không chỉ sưu tầm mô hình quân sự đến từ Việt Nam, anh Việt còn sở hữu đa dạng mô hình mô phỏng phương tiện quân sự của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó nhiều nhất được đến từ Nga và Mỹ do đây là hai cường quốc có thời kỳ phát triển và cạnh tranh nhau mạnh mẽ về quân sự. Mô hình chiếc máy bay ném bom hạng nặng B-1 Lancer của không quân Mỹ (bên trái) và chiếc ‘Thiên Nga Trắng’ TU-160 của nước Nga sản xuất (bên phải) là ví dụ cho điều này khi cả hai đều có những điểm chung về hình dáng, nhiệm vụ và cùng hệ máy bay cánh cụp, cánh xòe.

Phiên bản mô phỏng chiếc trực thăng Sikorsky SH-3 Sea King nổi tiếng đã đi đón Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân đến mặt trăng sau khi người này hạ cánh từ tàu vũ trụ Apollo được anh mua với giá 7.500.000 đồng. Được biết, vì đã đấu giá trượt mô hình này đến 4 lần nên sau khi sở hữu, anh vô cùng trân trọng và gìn giữ.

3 chiếc F15-J thuộc lực lượng Phòng vệ Nhật Bản với tỷ lệ 1:72. “Các mẫu máy bay của Nhật Bản thường được sơn rất đẹp để kỉ niệm hoặc đánh dấu cột mốc lịch sử nào đó của đội bay, lực lượng phòng vệ trên không hay của lực lượng phòng vệ Nhật Bản nói chung. Từ đó, các mô hình những chiếc máy bay này cũng vô cùng thu hút người sưu tầm”, anh Việt đánh giá.

Ngoài những mô hình về phương tiện di chuyển, anh Việt còn sưu tầm nhiều mô hình vũ khí khác nhau, đặc biệt là tên lửa, những sáng chế nổi tiếng trên toàn cầu. Bộ sưu tập tâm huyết của người đàn ông này vẫn luôn được trưng bày, bảo quản trong tủ kính. Tuy nhiên vì số lượng ngày càng tăng cũng như có những mô hình lớn nên anh phải trưng bày ở bên ngoài hoặc đóng hộp cất đi.

Có những loại mô hình sau khi về tay cần được lắp ráp nhiều chi tiết phụ. Để có bộ sưu tập tâm huyết đồ sộ, anh phải ‘săn’ trên mạng, đặt mua, đấu giá và nhờ người xách tay từ nhiều nơi trên thế giới. Mô hình rẻ nhất anh sở hữu có giá 2.000.000 đồng, và cao nhất là hơn 20.000.000 đồng. Vì vậy không chỉ cất tủ kính, anh còn thường xuyên kiểm tra hỏng hóc, lau chùi, bảo dưỡng để tránh dính bụi bẩn, biến dạng.

Anh Việt cảm thấy khá thích thú với mô hình tiêm kích Su30Mk2 ở thời điểm hiện tại. Vì chiếc máy bay này sẽ được biểu diễn chính thức tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam vào cuối tháng 12, nhân dịp 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022).

Với niềm đam mê sở hữu mô hình quân sự từ nhỏ nên khi chưa kết hôn, anh Việt thường dành dụm tiền lương của mình để mua và tìm hiểu những câu chuyện nằm sau mỗi mô hình. Anh cũng cho biết, bản thân chỉ thỉnh thoảng trao đổi vài món với những người có chung sở thích chứ chưa từng có ý định kinh doanh. “Hiện tại tôi đã có gia đình nên cũng đã hạn chế việc sưu tầm của mình lại. Mỗi mô hình đều là hiện thân cho mỗi sáng chế của con người và có những ý nghĩa nhất định. Nên khi ngắm nhìn bộ sưu tập, tôi cảm thấy rất hài lòng và giảm bớt được nhiều căng thẳng trong cuộc sống”, anh tâm sự.

Thụy Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chi-tien-ty-cho-so-thich-suu-tam-mo-hinh-quan-su-post1381610.html