Chi tiền tăng thêm cho cán bộ phải đúng-trúng, không thì hòa cả làng

TP HCM đang phản biện vấn đề chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức. Số tiền hơn 2.300 tỷ chi thế nào để đem lại hiệu quả đang là vấn đề đáng bàn

Tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP HCM quản lý, nhiều ý kiến của các tầng lớp nhân dân đều kỳ vọng đây là cú hích để tạo thêm động lực cho các bộ, công chức, viên chức của thành phố tiếp tục nâng cao hiệu quả công việc.

Toàn cảnh hội nghị

Theo Sở Tài chính TP HCM, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị giai đoạn 2018-2020 theo lộ trình như sau: Năm 2018 tăng tối đa 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Năm 2019 tối đa 1,2 lần và năm 2020 tối đa 1,8 lần.

Kinh phí để thực hiện tăng thu nhập cho cán bộ, công chức gồm trên 140.000 người trong năm 2018 là hơn 2.340 tỉ đồng.

Nhiều cán bộ, công chức, viên chức, cho rằng, đây sẽ là động lực tạo sự cạnh tranh, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, đảm bảo tương xứng với năng suất lao động cho cán bộ, viên chức, công chức.

Tuy nhiên, để có thể nhanh chóng triển khai, nhiều đại biểu đề nghị cần phải có hướng dẫn cụ thể.

Bà Đỗ Thị Chánh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM cho biết: "Cái quan tâm là làm sao qua thực hiện đề án, chất lượng công chức, viên chức làm việc hiệu quả cao hơn. TP HCM có áp lực công việc lớn, hiệu quả công việc cao do đó cần cụ thể quy định tiêu chí đánh giá cán bộ công chức phù hợp khi thực hiện cơ chế đặc thù".

Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM cho rằng, áp lực cán bộ, công chức, viên chức thành phố rất lớn. Nhưng điều ông Ngân băn khoăn làm sao để việc chi thu nhập tăng thêm nhưng phải tránh cào bằng.

Hiện nay, việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức rất phức tạp, xuất hiện vấn đề tâm tư. Vì thế phải tổ chức đánh giá làm sao để nội bộ không mất đoàn kết, có thể đi kèm đề án này cần có thêm một đề án đánh giá cán bộ.

Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân cho rằng áp lực cán bộ, công chức, viên chức thành phố rất lớn.

Để tránh cào bằng, ông Ngân đề xuất, mỗi đơn vị cần phải xây dựng tiêu chí và định lượng. Tất cả cái đó sẽ hạn chế bớt khâu bình bầu cảm tính, dẫn đến tâm tư.

Để làm được điều này, cần phải thay đổi cách nhìn, thậm chí việc tuyển dụng cũng phải xem xét lại để gắn trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức nhằm làm việc tốt.

Ông Châu Minh Tỷ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM lo ngại cách đánh giá cán bộ mang “tính chất bình quân”, người giỏi cũng như người yếu là bất hợp lý. Theo ông Tỷ phải cá thể hóa cán bộ, công chức. Vì đơn vị yếu kém vẫn có cán bộ làm việc hiệu quả, đơn vị hoàn thành công việc tốt nhưng vẫn có cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Tỷ đề nghị có tiêu chí đánh giá hợp lý, nếu đánh giá chung chung thì ai cũng hoàn thành nhiệm vụ tốt, rất khó phân loại, đánh giá cán bộ.

Để làm được điều này, ông Tỷ đề nghị thời gian tới có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào trong việc đánh giá cán bộ, công chức viên chức, làm sao để tạo sự công bằng.

Ông Châu Minh Tỷ phát biểu tại hội nghị.

"Chúng ta có thể áp dụng công nghệ thông tin để đánh giá cán bộ. Vấn đề chủ yếu là đánh giá sao để chi khoản tiền này đúng đối tượng và đúng mục đích mới có tác dụng. Chứ cứ làm theo cách cũ như hiện nay thì cuối cùng cũng cả làng được hết", ông Tỷ nêu quan điểm.

Tiến sỹ Huỳnh Thế Du – Đại học Fulbright cho rằng mục tiêu của của cơ chế đặc thù là nâng cao vai trò, vị thế của mình không chỉ so với các địa phương trong cả nước mà TP HCM nên cạnh tranh với Manila, Bangkok, Singapore và nhiều đô thị nữa.

Một trong những yếu tố quan trọng là động cơ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.

Ví dụ ở chính quyền hiệu quả nhất ở Singapore, cán bộ công chức làm tốt và tích cực sẽ đạt được 2 mục tiêu là thu nhập và thăng tiến.

Trong khi ở Việt Nam đang bị cơ chế khuyến khích ngược. Đó là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức gây khó khăn kéo dài buộc cá nhân, doanh nghiệp phải biết điều, biết “cảm ơn”. Từ đó, họ có thêm thu nhập ngoài luồng. Họ lại phải cảm ơn cấp trên, dẫn đến tình trạng “mua quan, bán chức”.

Việc bình xét cán bộ ở ta vẫn còn đang theo tiêu chí “anh, chị có sai gì không?”, vẫn là cơ chế quy hoạch từ trước trong khi tiêu chí quan trọng nhất là tạo ra cơ chế cạnh tranh hơn, một vị trí nào đó luôn luôn có thể mất vị trí vào một người khác tốt hơn…

Theo Tiến sỹ Huỳnh Thế Du, với cơ chế đặc thù này, TP HCM nên đi tiên phong trong việc giải quyết vấn đề khuyến khích ngược. Đó là không nên cào bằng, tăng lương cho tất cả hơn 140.000 cán bộ công chức, viên chức mà tập trung vào một số những người làm việc ở những điểm quan trọng, tạo ra nút thắt.

TS Huỳnh Thế Du cho rằng không nên cào bằng, tăng lương cho tất cả hơn 140.000 cán bộ công chức, viên chức.

Chủ trì hội nghị phản biện, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đề nghị, Sở Nội vụ và Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải tổng hợp lại và đề xuất các tiêu chí cụ thể để dễ thực hiện sau khi được HĐND thành phố thông qua, tránh việc quay về như cũ khi thực hiện, không đánh giá năng suất, không tạo sự công bằng tương đối trong mức chung.

Bà Tô Thị Bích Châu phát biểu tại hội nghị.

Cán bộ, công chức, viên chức TP HCM đang rất kỳ vọng về dự thảo chi thu nhập tăng thêm này và hy vọng nó sẽ tạo nên bước đột phá mới. Vì thế, các ngành chức năng cần cố gắng đưa ra một dự thảo đề án thật sự sẽ tạo nên được động lực cho cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục yên tâm cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của thành phố./.

Hà Khánh/VOV- TP HCM -

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/chi-tien-tang-them-cho-can-bo-phai-dungtrung-khong-thi-hoa-ca-lang-735235.vov