Chỉ thị số 40-CT/TW - 'kim chỉ nam' cho hoạt động tín dụng chính sách: Không để người nghèo và các đối tượng chính sách 'bị bỏ lại phía sau'

Tín dụng chính sách được xem là một trong những yếu tố quan trọng của tiến trình xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương. Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) - Chi nhánh Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực 'tích góp' từng đồng vốn nhỏ đem đến cho người khó khăn, mang lại hiệu quả to lớn về xã hội, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Được vay vốn Ngân hàng CSXH huyện Bá Thước, nhiều hộ dân xã Lũng Niêm đã lưu giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: PV

Quan tâm đến các hộ nghèo, gia đình chính sách

Được vay 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo từ Ngân hàng CSXH Mường Lát, gia đình bà Hà Thị Lan ở thị trấn Mường Lát đã đầu tư mua bò giống, đào ao thả cá. Đến nay, thu nhập của gia đình bà luôn giữ ổn định và là hộ dân điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương. Không chỉ gia đình bà Lan, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở huyện vùng biên Mường Lát, nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng CSXH, sự quan tâm sát sao của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương, đã vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và địa phương. Được biết, nhằm cụ thể hóa chủ trương huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tín dụng chính sách, như: Đã bố trí 100% chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn tham gia làm thành viên trong ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng CSXH huyện; quan tâm bố trí về địa điểm và bảo đảm an ninh, an toàn cho các buổi giao dịch tại các điểm giao dịch xã... Từ việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Từ năm 2015 đến 31-8-2020, toàn huyện Mường Lát đã có gần 12.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, góp phần giúp gần 3.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo giai đoạn 2015 - 2020, xây dựng được 1.386 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; hàng trăm lao động được vay vốn đi làm có thời hạn ở nước ngoài, xây dựng được 61 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách...

Ðến ngày 31-8-2020, tổng nguồn vốn huy động cho vay theo Chỉ thị 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh đã đạt 9.964,8 tỷ đồng với 21 chương trình tín dụng cho 257.624 gia đình chính sách và hộ nghèo được thụ hưởng... Nguồn vốn tín dụng chính sách được đưa đến tay người dân trên 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Từ nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đã giúp ngân hàng CSXH chủ động hơn về nguồn vốn để cho vay, giảm sự phụ thuộc đối với ngân sách Trung ương. Hiện tại, Ngân hàng CSXH Thanh Hóa tổ chức được điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội quản lý 6.895 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại thôn, xóm, tổ dân phố. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH tỉnh, trong 5 năm qua đã giúp cho 94.600 lượt hộ nghèo; 89.500 lượt hộ cận nghèo được vay vốn, tạo điều kiện để phát triển sản xuất; hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 14.000 lao động; giúp hơn 21.200 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, thực hiện tốt mục tiêu của Chính phủ “không để một học sinh nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí”; trên 173.500 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn được xây dựng, góp phần cải thiện môi trường điều kiện sinh hoạt xanh - sạch, không bị ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư nông thôn... Việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm 7,92% (từ 13,51% đầu năm 2016 xuống còn 9,57% năm 2019).

Những bài học kinh nghiệm

Không chỉ đạt hiệu quả về mặt tín dụng, thông qua thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nhiều bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cách làm hay, sáng tạo trong huy động vốn, phát huy nguồn vốn nội lực cũng được các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ tạo nên phong trào sâu rộng trên toàn tỉnh. Bài học đầu tiên là sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước là yếu tố tiền đề quyết định thành công của hoạt động tín dụng chính sách. Khai thác, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” là giải pháp quyết định sự thắng lợi toàn diện, góp phần thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách phục vụ mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền đi đôi với kiểm tra, giám sát từ Trung ương đến địa phương, góp phần thay đổi căn bản nhận thức của người nghèo và các đối tượng chính sách trong ý thức trả nợ và sử dụng vốn vay có hiệu quả hơn, góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn vay phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững. Tổ chức quản lý vốn tín dụng chính sách hiệu quả, phân bổ vốn hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị, chính quyền ở địa phương. Ðến nay, mô hình cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn đã phát huy được vai trò sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Triển khai kịp thời, đầy đủ các chương trình tín dụng chính sách tới cơ sở; phương thức giao dịch trực tiếp đối với người vay tại điểm giao dịch xã, ủy thác một số nội dung công việc qua tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện công khai, minh bạch có sự giám sát của chính quyền, của cộng đồng xã hội đã tạo được lòng tin của Nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước. Coi trọng và phát huy quyền dân chủ từ cơ sở, tạo điều kiện để người dân tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của ngân hàng. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản lý tín dụng CSXH đối với các tổ chức chính trị - xã hội, ban giảm nghèo cấp xã, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Tuyển chọn, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng CSXH tâm huyết, tinh thông nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật, tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác là nhân tố đưa đến thành công.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nguồn vốn để thực hiện một số chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các đối tượng chính sách, nhất là nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giúp người dân thoát nghèo bền vững. Nguồn vốn ủy thác sang ngân hàng CSXH của các cấp ủy, chính quyền địa phương thời gian qua tuy đã tăng lên song quy mô còn rất hạn chế, mới chỉ chiếm 0,9% tổng nguồn vốn. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng CSXH, chưa quan tâm quản lý nguồn vốn, chưa tích cực vào cuộc cùng ngân hàng để giải quyết, tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn dẫn đến chất lượng tín dụng một số nơi thấp, nợ quá hạn cao, chuyển biến chậm. Một số tổ chức hội nhận ủy thác cấp xã, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn chưa thực hiện tốt các nội dung ủy thác, thiếu sâu sát cơ sở, nhân lực kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau ở địa phương nên trách nhiệm chưa cao. Một số nơi công tác phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc sử dụng vốn của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả.

Ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc Ngân hàng CSXH Thanh Hóa, cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được từ thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng, khắc phục những tồn tại, khó khăn, hướng đến bảo đảm tín dụng chính sách phát triển theo hướng ổn định, bền vững, Ngân hàng CSXH Thanh Hóa tiếp tục chủ động phối hợp với các cấp, ngành từ cơ sở đến tỉnh huy động các nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng CSXH đã ban hành. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 40, nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng CSXH. Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng CSXH. Trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng tín dụng, công tác ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội của các tổ tiết kiệm và vay vốn... Nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực để thực hiện tín dụng CSXH; nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nguồn vốn tín dụng và có trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn vay. Rà soát, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động nhận ủy thác các tổ tiết kiệm và vay vốn. Triển khai và nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại hóa ngân hàng. Phối hợp hiệu quả giữa các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm với hoạt động tín dụng chính sách. Thực hiện tốt công tác truyền thông về tín dụng chính sách, đặc biệt những chính sách mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân biết để thực hiện và giám sát. Với tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 40-CT/TW, ngân hàng CSXH các cấp trong tỉnh kỳ vọng chính sách tín dụng không chỉ đáp ứng 100% nhu cầu mà còn phải đủ, nhanh để người dân không vì chậm tiếp cận tín dụng mà “bị bỏ lại phía sau” trong hành trình thoát nghèo, phát triển bền vững.

Nhóm P.V Kinh tế - Xã hội

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/chi-thi-so-40-ct-tw-kim-chi-nam-cho-hoat-dong-tin-dung-chinh-sach-khong-de-nguoi-ngheo-va-cac-doi-tuong-chinh-sach-bi-bo-lai-phia-sau/124859.htm