Chị tật nguyền tố em ruột chiếm đoạt phần tài sản đồng thừa kế

Theo đơn kêu cứu, bà Đỗ Thị Tuyết cho rằng em gái Đỗ Thị Bích Liên đã dùng thủ đoạn chiếm đoạt tài sản đồng thừa kế.

Vừa qua, báo Công lý & Xã hội có nhận được đơn kêu cứu của bà Đỗ Thị Tuyết, sinh năm 1955, ngụ tại số 660/1 Nguyễn Duy Trinh (phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP. Hồ Chí Minh) về việc bị em ruột chiếm đoạt phần tài sản đồng thừa kế có diện tích 333.8m2, tọa lạc tại thửa 508 tờ bản đồ số 9 (BĐĐC 2004). Trên phần đất còn có căn nhà cấp 4 với diện tích 45m2, hiện là nơi sinh sống duy nhất của bà Tuyết từ năm 1975 đến nay.

Diện tích đất nói trên thuộc về quyền sở hữu của ông Đỗ Quốc Thái và bà Nguyễn Thị Đĩnh. Sau khi ông bà mất không để lại di chúc, phần tài sản được chia cho 8 người con đồng sở hữu, trong đó có bà Tuyết.

Ngày 20/3/2010, UBND phường Bình Trưng Đông lập “Bản cam kết” viết tay có chữ ký của bà Đỗ Thị Tuyết, cùng sự chứng kiến của bà Nguyễn Thị Vân (Phó Chủ tịch UBND phường).

Nhưng theo bà Tuyết, bà không hề biết sự tồn tại, không ký và không biết nội dung “Bản cam kết" nói trên, chữ ký cũng không hề giống với bút pháp ký tên của bà và khẳng định “Bản cam kết đó là giả".

Bà Đỗ Thị Tuyết cô lập trong chính căn nhà của mình.

Bà Đỗ Thị Tuyết cô lập trong chính căn nhà của mình.

Đầu năm 2016, bà Đỗ Thị Bích Liên tiến hành các thủ tục pháp lý và âm thầm sang nhượng toàn bộ phần tài sản nói trên cho mình mặc dù chưa thông qua ý kiến và sự đồng ý của các đồng sở hữu còn lại. Đến ngày 15/6/2016, bà Liên được UBND quận 2 cấp giấy chứng nhận QSDĐ, QSHNO và tài sản khác gắn liền trên đất số CC973808 và số CC9975809. Sau đó, bà Liên chuyển nhượng toàn bộ phần đất đang sở hữu cho bà Trần Nhật Phượng.

Sau khi có quyền sở hữu nhà đất, tháng 2/2018, bà Trần Nhật Phượng cử người đến tiến hành cưỡng chế, đuổi bà Tuyết ra khỏi nơi định cư, tháo đồng hồ điện, hủy hoại tài sản khi bà Tuyết vắng nhà. Tiếp sau đó, bà Phượng ra lệnh di dời cây khế 40 năm tuổi, tiến hành đập phá, xây dựng lại ngôi nhà mặc sự can ngăn của bà Tuyết. Sau khi có yêu cầu xuất trình giấy tờ pháp lý liên quan đến việc sở hữu cũng như giấy phép xây dựng. Bà Phượng liền trình ra “Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CD 404092” do Sở Tài nguyên Môi trường TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 23/11/2016 và giấy phép xây dựng số 73/GPXD- UBND do UBND quận 2 cấp ngày 3/11/2017.

Sau khi bị de dọa buộc phải rời khỏi nhà, bà Tuyết tìm đến Văn phòng Công chứng Thủ Đức (quận 2) nhằm trích lục “Văn bản phân chia di sản thừa kế” số 00001936 vào sổ ngày 14/3/2013, văn bản được xác lập với nội dung liệt kê những cá nhân đồng thừa kế tài sản. Trong văn bản ghi rõ các cá nhân có quyền đồng sở hữu bao gồm: bà Đỗ Thị Tuyết, bà Đỗ Thị Bích Liên và ông Đỗ Ngọc Hoàng. Trong khi đó, phần diện tích đất 333.8m2 thực chất có đến 8 cá nhân đồng sở hữu. Vậy 5 người đồng thừa kế hợp pháp kia ở đâu?

Ngôi nhà tranh chấp giữa bà Tuyết và bà Phượng

Quá bức xúc, ngày 21/5/2018, bà Tuyết lập đơn khởi kiện cùng yêu cầu dùng “Biện pháp khẩn cấp tạm thời” đối với ngôi nhà và thửa đất đang bị tranh chấp nhưng không được chấp thuận. Đến ngày 24/9/2018, bà Tuyết trực tiếp trao đổi yêu cầu cho áp dụng "Biện pháp khuẩn cấp tạm thời” lần 2 nhưng vẫn không được chấp thuận. Bí bách, bà Tuyết đành viết đơn khiếu nại lên cấp cao hơn. Vụ việc tới nay đã gần 2 tháng nhưng bà Tuyết vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản giải quyết khiếu nại nào.

Ở diễn biến khác, nhận được đơn khiếu nại của bà Tuyết, UBND phường Bình Trưng Đông tiến hành tổ chức buổi hòa giải nhưng không có cán bộ cấp quản lý trực tiếp tham gia, ông Phạm Huỳnh Sơn cán bộ địa chính là người thay thế lãnh đạo Phường trong buổi hòa giải. Tuy nhiên, theo thông tin từ bà Tuyết cung cấp, ông Sơn chính là người xác nhận sai sự thật hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận căn nhà và thửa đất đang tranh chấp.

Cụ thể, trong hồ sơ thừa kế có ghi, ông Đỗ Quốc Thái và bà Nguyễn Thị Đĩnh mất đi để lại căn nhà cho ông Đỗ Ngọc Hoàng trực tiếp quản lí sử dụng. Trong khi đó, phần di sản được thừa kế bởi tám người con đồng sở hữu và bà Tuyết là người đang trực tiếp sử dụng căn nhà. Trong buổi hòa giải, ông Sơn luôn đưa ra lời khuyên bà Tuyết nên di dời trả lại toàn bộ phần tài sản cho bà Phượng. Trong khi đó, ông Sơn không có dấu hiệu khuyên ngăn, giải thích bà Phượng tạm dừng thi công chờ xử lý.

Tìm đến ngôi nhà số 660/1 Nguyễn Duy Trinh nơi bà Tuyết đang sinh sống. Trong dáng vẻ mệt mỏi bà Tuyết tâm sự: ”Tôi đã ở ngôi nhà này từ lúc bé tới giờ và nó là chỗ ở duy nhất của tôi, nếu bị đuổi không biết tôi sẽ phải đi đâu. Bị chính đứa em ruột lừa dối tôi buồn lắm, nhưng bây giờ tôi chỉ mong có thể lấy lại phần tài sản hợp pháp của mình, để an tâm sinh sống hết quãng đời còn lại”.

Để thông tin thật chính xác và khách quan gửi đến bạn đọc, nhóm phóng viên đã tìm đến văn phòng Công chứng Thủ Đức và yêu cầu liên hệ công tác để trao đổi thông tin với ông Đặng Toại Tâm (trưởng phòng Công chứng Thủ Đức) nhưng bất thành với lý do bận họp và không thể sắp xếp lịch hẹn với phóng viên. Vài ngày sau, chúng tôi đành liên lạc với ông Tâm qua điện thoại và nhận được lời từ chối gặp mặt với lý do “Đây là tranh chấp dân sự, văn phòng Công chứng không thể cung cấp thông tin cho báo chí cũng như không có liên quan đến việc tranh chấp này”.

Chúng tôi tìm đến UBND phường Bình Trưng Đông để thu thập thêm thông tin liên quan đến sự việc. Trao đổi với nhóm phóng viên, ông Huỳnh Công Nghĩa Phó Chủ tịch kinh tế - đô thị và ông Phạm Huỳnh Sơn cán bộ địa chính phường Bình Trưng Đông thông tin: "Vào năm 2010 bà Tuyết và bà Liên có lập và xác nhận chữ ký vào bản cam kết với nội dung, cử ông Đỗ Ngọc Hoàng là người đại diện các đồng thừa kế. Bà Tuyết và bà Liên đã trực tiếp ký tên tại cơ quan nhà nước theo đúng trình tự pháp luật chứ không như bà Tuyết đã trình bày”.

Ông Sơn còn thông tin thêm: "Bà Trần Nhật Phượng được UBND Quận 2 cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và giấy phép xây dựng hợp pháp. Từ đó, theo quy định của pháp luật, bà Phượng có đủ cơ sở pháp lý để di dời, thay đổi hiện trạng ngôi nhà và thửa đất. Chính quyền Phường không đủ thẩm quyền để ngăn chặn dù đã nhận được đơn yêu cầu của bà Tuyết. Hình thức ngăn chặn chỉ được thực hiện khi có quyết định của Tòa án hoặc các cấp thẩm quyền có liên quan ra quyết định hủy bỏ hoặc đình chỉ các giấy phép kia, thì chúng tôi mới có đủ thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

NPV

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/doi-song/chi-tat-nguyen-to-em-ruot-chiem-doat-phan-tai-san-dong-thua-ke-18116.html