Chỉ tại...hoa hồng

Từ chuyện nhỏ như photo, mua vài chục cây chổi, mấy chục quyển sách… cứ mua cho tập thể là người đi mua sẽ được nhận hoa hồng từ ít đến nhiều tùy vào số lượng.

LTS: Phản ánh những bất cập trong việc chi hoa hồng trong trường học, nhà giáo Đăng Bình mong muốn những khoản tiền đó sẽ được sử dụng vào những việc tốt mang lại giá trị tốt đẹp cho ngành giáo dục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cũng chẳng biết việc chi hoa hồng cho người mua, người môi giới có từ bao giờ, chỉ biết rằng việc chi “hoa hồng” càng trở nên phổ biến ở nhiều nơi và ngày càng biến tướng.

Và ngay trường học - môi trường giáo dục chỉ dạy chữ, dạy người cũng không ngoại lệ.

Từ những việc nhỏ nhất

Chỉ cầm vài xấp đề ôn tập của một số lớp đi photo, giá phải trả cho cửa hàng cũng khoảng hơn một trăm ngàn đồng nhưng người chủ nói:

Em ghi cho chị 350 đồng một tờ (thực tế giá họ tính chỉ 250 đồng) để về chị thanh toán cho cơ quan”.

Ảnh minh họa, nguồn: edek.org.cy.

Khi nghe tôi phản đối, họ nói: “Tùy chị thôi, ai chẳng thế, lần sau chị nhớ ghé hàng em nhé”.

Từ chuyện nhỏ như photo, mua vài chục cây chổi, mấy chục quyển sách… cứ mua cho tập thể là người đi mua sẽ được nhận hoa hồng từ ít đến nhiều tùy vào số lượng mình sẽ mua.

Ngoài chuyện mua bán, đến chỉ cho người quen đặt đồ đám cưới, gọi đám tang… đều được phía đối tác trả tiền gọi là tiền môi giới.

Đôi khi tiền hoa hồng, tiền môi giới cũng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng món đồ mình mua hay chất lượng phục vụ vì người bán họ bán được số nhiều nên bớt lại chút ít phần lời của mình để giữ chân khách.

Nhưng đa phần, chi tiền hoa hồng thì đương nhiên người ta phải bớt đi chất lượng sản phẩm hoặc tăng giá sản phẩm lên để bù lại số tiền phí đã bỏ ra.

Hoa hồng nhà trường vào túi ai?

Cá nhân đi mua cho tập thể được chào mời hoa hồng. Còn nơi trường học thì sao?

Cả một tập thể nhà trường như thế việc trao đổi mua bán cứ xảy ra thường xuyên thì hoa hồng sẽ vào túi ai?

Trước đây, một số tờ báo đã từng lên án về việc nhận hoa hồng của một số Hiệu trưởng trên những khẩu phần ăn của trẻ.

Để trả hoa hồng từ 15 đến 20% cho Hiệu trưởng, nhà cung ứng đã phải bớt chất lượng từng phần ăn của các em xuống.

Thế nên, nhìn những hộp đồ ăn của học sinh một số trường bán trú nhiều người không khỏi xót xa.

Điển hình như vụ bữa ăn của trẻ mầm non Trường Thạch Ngàn tỉnh Nghệ An chỉ có miến luộc.

Hay bữa ăn của học sinh Trường Tiểu học Điện Biên 2, Thành phố Thanh Hóa suất cơm trưa của học sinh chỉ vỏn vẹn một miếng cá thu nhỏ, gắp rau muống xào, cơm trắng và nước canh rau muống… đã làm dấy lên sự phẫn nộ của dư luận trong thời gian qua.

Ngoài chuyện bữa ăn ở trường bán trú những khoản hoa hồng được trích nhiều nhất phải kể đến hoa hồng bán bảo hiểm cho học sinh.

Ngoài bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn thuộc dạng không bắt buộc nhưng vì muốn nhận hoa hồng các Hiệu trưởng đã lập lờ đánh lận con đen buộc giáo viên phải bán, phụ huynh phải mua cho các em.

Theo tiết lộ thì % trích lại của loại bảo hiểm tai nạn thế này không dưới 10%.

Rồi hoa hồng từ việc mua dàn máy vi tính, ti vi, đèn chiếu, máy lạnh, sách vở học sinh, sách tham khảo… đến việc sửa chữa bàn ghế, thay hệ thống điện, xây dựng một số công trình phụ của trường…

Có thể nói rất nhiều hoa hồng được trích từ việc mua và bán một số sản phẩm trong nhà trường.

Vậy hoa hồng vào túi ai? Chắc chắn không phải vào túi giáo viên, công nhân viên của trường.

Trả lời câu hỏi này chỉ có thể là Hiệu trưởng và kế toán nhà trường.

Cũng vì lợi ích của những món tiền hoa hồng như thế mà khá nhiều Hiệu trưởng đã biết cách quản lý hoa hồng về một mối.

Đó là việc mua cái gì, mua ở đâu người đi mua (có thể là nhân viên thư viện mua sách tham khảo, vở phần thưởng, nhân viên lao công mua chổi, nhân viên thiết bị mua đồ dùng dạy học và văn phòng phẩm, thậm chí cả công đoàn mua bánh kẹo trung thu cho trường…).

Người mua chỉ việc đến địa chỉ mà Hiệu trưởng giới thiệu lấy về.

Một nhân viên văn phòng bức xúc khi nói về Hiệu trưởng của mình “Ông ấy ăn bẩn lắm, bao nhiêu hoa hồng lấy hết không cho lấy một đồng tiền xăng”.

Một đại lý sách tiết lộ “thời buổi cạnh tranh nên hoa hồng chi ra cũng mang tính cạnh tranh vì mình trích thua nơi khác sẽ mất mối làm ăn ngay".

Thế nên để tăng hoa hồng cho người mua, buộc nhà cung cấp phải bớt đi chất lượng.

Nhưng khi sự việc xảy ra, như đồ ăn của trẻ kém chất lượng, các công trình mới xây đã bị sự cố… dư luận lại lên án, công kích nhà thầu, người cung cấp.

Thực ra thủ phạm mới chính là những khoản "hoa hồng” kếch xù rơi vào túi ai kia. Vậy làm thế nào để ngăn chặn việc chi và nhận “hoa hồng” của đối tác? Việc này sẽ vô cùng khó.

Ngoài việc buộc trách nhiệm cả người đứng đầu, người trực tiếp kí hợp đồng với các đối tác thì tất cả giáo viên trong trường cần có tiếng nói chung để buộc Hiệu trưởng công bố công khai một số khoản hoa hồng được đối tác trích lại.

Nhà trường sẽ dùng những khoản tiền này để trao học bổng, giúp đỡ học sinh nghèo và xây dựng, tu bổ một số công trình để phục vụ việc giảng dạy cho học sinh.

Tài liệu tham khảo:

https://news.zing.vn/hop-kiem-diem-vu-phu-huynh-to-bua-an-cua-tre-mam-non-chi-co-mien-luoc-post793726.html

Đăng Bình

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chi-taihoa-hong-post184099.gd