Chỉ sửa Nghị định số 95 là không đủ!

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021 về kinh doanh xăng dầu đưa ra một số điểm mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường này phát triển. Tuy nhiên, theo chuyên gia, muốn ổn định thị trường xăng dầu, nếu chỉ sửa Nghị định 95 là không đủ.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam BÙI NGỌC BẢO: Nên bỏ cách tính bình quân gia quyền

Việc Bộ Công thương đang sửa đổi Nghị định số 95/2021 về kinh doanh xăng dầu là hết sức cần thiết!

Lâu nay, giá cơ sở của chúng ta chưa bảo đảm tính đủ khiến trong một số thời điểm, doanh nghiệp từ đầu mối, phân phối đến bán lẻ đều lỗ. Đây chính là vấn đề của cơ chế và cần phải sửa đổi.

Cụ thể, trong công thức giá cơ sở, quy định xuyên suốt từ Nghị định số 83/2014 và Nghị định số 95/2021 yêu cầu doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông tối thiểu 20 ngày nhưng lại hoàn toàn không tính đến giá vốn của 20 ngày người ta đã lấy được hàng, trong khi nguyên tắc hạch toán của xăng dầu là nhập trước xuất trước. Chúng tôi đề nghị quy định của Nhà nước đối với hàng dự trữ lưu thông bao nhiêu ngày thì phải tính đủ số ngày giá đấy. Tức là dù có điều chỉnh giá 5 - 6 ngày một lần thì vẫn phải tính giá của 20 ngày dự trữ. Nếu không doanh nghiệp sẽ lỗ và không có tiền trả chiết khấu cho khâu bán lẻ. Rất mong lần sửa đổi này, Ban soạn thảo sẽ xem xét đưa vào.

Bên cạnh đó, cách tính bình quân gia quyền không phù hợp vì mỗi doanh nghiệp có chi phí khác nhau. Chúng tôi đề nghị hãy để cho các doanh nghiệp được cộng chi phí của họ vào trong công thức giá do liên bộ đưa ra. Chúng ta nên tôn trọng chi phí thực tế, sau đó có thể kiểm tra, rà soát lại xem giá của doanh nghiệp có đúng không.

Thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ rất bức xúc do không được chiết khấu tối thiểu và đề nghị cần có quy định cụ thể. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứng nhắc sẽ khó thực hiện vì doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cũng lỗ thì lấy gì để chiết khấu? Mấu chốt tôi cho rằng vẫn phải là bảo đảm có lãi cho các doanh nghiệp, bằng cách phải tính đúng, tính đủ.

Hiện, có nhiều điều kiện đặt ra cho lao động phổ thông làm việc tại các cột bơm xăng như tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, môi trường… Thực tế cho thấy, nếu chúng ta càng đặt ra nhiều điều kiện về quản lý thì càng có nhiều vấn đề khi thanh, kiểm tra. Vì thế, cần xem xét cắt bỏ các điều kiện đối với lao động phổ thông này.

Ngoài ra, khi sửa đổi Nghị định số 95 là phải yêu cầu sử dụng hóa đơn điện tử để kiểm soát bán lẻ. Hiện, khoảng 70% xăng dầu được phân phối thông qua hệ thống bán lẻ. Khi kết nối hóa đơn điện tử với các cột bơm sẽ giảm bớt đi nhiều khâu trung gian, bớt thủ tục cho doanh nghiệp.

Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ĐẬU ANH TUẤN: Trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp

Điều các doanh nghiệp bán lẻ rất bức xúc là về chiết khấu tối thiểu. Chúng ta định giá bán, khi chi phí cao gần tiệm cận giá bán thì phần nhỏ còn lại hầu như không chảy về doanh nghiệp bán lẻ. Đương nhiên có thỏa thuận giữa đầu mối nhập khẩu với thương nhân phân phối, thương nhân phân phối với bán lẻ, song trong chuỗi này, khi đàm phán, doanh nghiệp bán lẻ tương đối thiệt thòi. Từ đó, các doanh nghiệp này phải chịu mức chiết khấu 0 đồng.

Từ lẽ đó, chúng tôi cho rằng, một trong những nhu cầu sửa đổi Nghị định số 95 là nếu Nhà nước định giá thì chắc chắn phải định phần bằng nhau để hợp lý cơ cấu, thay vì Nhà nước định giá bán nhưng lại thả nổi cho tự định đoạt sẽ tạo ra sự không công bằng.

Việc vận hành quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay không còn phù hợp. Chúng tôi đã đặt hàng chuyên gia để so sánh nhóm không bình ổn với nhóm bình ổn thì thấy biên độ dao động của nhóm sử dụng quỹ bình ổn phức tạp hơn. Nguyên lý bình ổn là khi xả quỹ này ra với kỳ vọng giá mặt hàng đó sẽ xuống, nhưng không ai dự báo chính xác được thị trường, vì có thể xả quỹ rồi thì giá lại không ngừng tăng. Như vậy, sử dụng quỹ bình ổn là bỏ mất cơ hội phản ánh đúng tín hiệu của thị trường.

Do đó, chúng tôi cho rằng, đến giai đoạn cần thay đổi cơ chế quản lý xăng dầu theo định hướng thị trường hơn. Nếu đặt nhiều quy định để điều tiết, kiểm soát sẽ rất khó. Chúng tôi kỳ vọng việc sửa nghị định lần này sẽ bỏ bớt điều kiện kinh doanh. Cùng với đó, cần trao nhiều quyền hơn cho doanh nghiệp trong định giá, chủ động nguồn mua, tạo dựng được thương hiệu của mình.

Tất nhiên, khi thị trường hơn thì cũng cần nâng cao kỷ luật thị trường. Việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với các cây xăng sẽ tránh được xăng lậu, không rõ nguồn gốc. Việc thị trường hơn không có nghĩa vai trò của Nhà nước sẽ buông. Nếu tính thị trường tăng lên phải có khuôn khổ để giảm thuế phí vốn chiếm tỷ lệ khá lớn trong giá xăng dầu. Đây là cách để điều tiết giá rất tốt.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Cần thay đổi phương thức điều hành

Tôi cho rằng cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện chưa phù hợp khi lấy cơ chế điều hành mà đầu vào hoàn toàn là thị trường nhưng đầu ra lại quyết định bởi hành chính nhà nước. Do đó, cần phải thay đổi!

Trước tiên, Chính phủ cần thay đổi trong phương thức điều hành. Theo đó, khi phát sinh những vấn đề nóng như đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế họp lại với các cơ quan để ra quyết định. Trong trường hợp Nghị định số 95 có điểm vướng, Chính phủ có thể dùng công cụ bằng Nghị quyết thay đổi một vài điều khoản nào đó cho phù hợp, để tạo cơ sở cho bên dưới thực hiện.

Cần lưu ý, khoảng 70% xăng dầu phân phối ra thị trường thông qua hệ thống bán lẻ. Rõ ràng, bán lẻ chính là khâu quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng xăng dầu và cần phát triển nó. Song, thực tế, các doanh nghiệp bán lẻ rơi vào thua lỗ trong nhiều tháng. Cần phải chấm dứt sự mất mát, hao mòn của hệ thống bán lẻ càng sớm càng tốt!

Về lâu dài, không nên sửa đổi chắp vá Nghị định số 95 mà cần sửa một cách căn bản các căn bản pháp luật có liên quan theo hướng bớt kiểm soát của Nhà nước, để thị trường vận hành nhiều hơn, doanh nghiệp được tự chủ hơn.

Đan Thanh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/chi-sua-nghi-dinh-so-95-la-khong-du-i317849/