Chỉ sửa 3 điều của Luật Thi hành án dân sự là chưa đủ

Đại biểu quốc hội cho rằng nếu chỉ sửa ba điều của Luật Thi hành án dân sự thì chưa đủ, mới chỉ giải quyết được phần ngọn.

Video: Chỉ sửa 3 điều của Luật Thi hành án dân sự là chưa đủ

Ngày 6-1, Đoàn ĐBQH TP.HCM thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (THADS).

Nói về Luật THADS, ĐB Lê Thanh Phong (Chánh án TAND TP.HCM) cho rằng công tác THADS hiện nay có nhiều ách tắc, nhất là trong lĩnh vực thi hành các vụ án tham nhũng, hình sự tài sản rải rác ở nhiều nơi, THADS liên quan đến các tổ chức tín dụng ngân hàng rất khó thi hành. Cần thiết phải sửa Điều 55, 56, 57 để tạo ra cơ chế cho cơ quan THA chủ động làm song song trong việc xác minh, xử lý tài sản ủy thác THA ngay khi thụ lý, đây là điều rất cần nhưng tuy nhiên chưa đủ. Bởi hiện nay tài sản liên quan đến lượng án này chiếm tỉ lệ rất ít nhưng lượng tiền phải THA rất cao 85% lượng tài sản phải thi hành mà tỉ lệ thi hành được lại quá thấp, dưới 30%.

Ông Phong cho rằng với luật hiện nay, sửa đổi ba điều này chỉ là cái ngọn, chưa có gốc. Rất nhiều bản án xét xử đã có hiệu lực pháp luật nhưng không tổ chức THA được, giảm bớt tính nghiêm minh của pháp luật. Thực tế hiện nay vướng rất nhiều, nhiều Điều khoản chồng chéo.

Cụ thể, ở Điều 44a chưa xác định được địa chỉ cư trú của người phải THA thì coi như chưa có điều kiện THA. Thế nhưng điểm b khoản 1 Điều 48 cũng với nội dung chưa xác định được địa chỉ người phải THA thì được quyền hoãn THA. “Như vậy tạo ra một sự tùy tiện, chấp hành viên (CHV) có thể trả lời rằng chưa đủ điều kiện nhưng cũng có thể thụ lý rồi lại hoãn THA” - ông Phong nói.

ĐB Phong còn dẫn chứng thêm tại Điều 74, Điều 102 cho phép quá trình THA, người được THA, các cơ quan liên quan có quyền tranh chấp tài sản để xác định phần lợi ích chung. Trong thời gian qua rất nhiều vụ án liên quan đến tổ chức tín dụng, trong quá trình tổ chức THA thì phát sinh ra tranh chấp mới như thừa kế, người liên quan sở hữu tài sản… Như vậy một vụ án phải thi hành thì phát sinh thêm một vụ án thứ 2, 3…

Từ những dẫn chứng trên, ĐB Lê Thanh Phong đề nghị phải sửa luật một cách căn cơ, theo hướng trước đây nên đơn giản hóa thủ tục ở THA.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) nói thêm về Điều 57 của dự thảo quy định về thủ tục ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản.

Cụ thể, ĐB Hạnh cho rằng mục đích của việc sửa các quy định về ủy thác THA là đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý trong xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế có tài sản THA ở nhiều địa phương.

Việc quy định “tạm dừng” xử lý tài sản của cơ quan nhận ủy thác nhưng không giới hạn thời gian dừng là chưa triệt để. Do đó, ĐB Hạnh đề nghị bổ sung thời gian tạm dừng, quá thời gian đó, nếu không xử lý xong tài sản thì cơ quan nhận ủy thác phải tiếp tục xử lý tài sản nhận ủy thác.

Bên cạnh đó, điểm d, đ khoản 2 Điều 57 có khái niệm “dừng” khi tài sản do cơ quan ủy thác đã thu đủ tiền thi hành nghĩa vụ. Tuy nhiên, trong trường hợp này việc THA đã xong nên việc sử dụng khái niệm “dừng” là chưa chính xác vì người phải THA đã THA xong, cần thực hiện thủ tục kết thúc việc xử lý tài sản nhận ủy thác. Vì vậy nên sửa từ “dừng” thành từ “chấm dứt” để đảm bảo quyền của người có tài sản.

NGÂN NGA

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/chi-sua-3-dieu-cua-luat-thi-hanh-an-dan-su-la-chua-du-1037724.html