Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2018 cho thấy lòng tin của người dùng còn thấp

Trong khuôn khổ Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2018 (VOBF 2018) được tổ chức hôm nay (14/3) tại Hà Nội, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa chính thức công bố Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2018 (E-business Index – EBI).

Theo thông tin từ VECOM, Báo cáo này dựa trên khảo sát của hàng nghìn doanh nghiệp và được xây dựng trên 4 trụ cột là hạ tầng và nguồn nhân lực, giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và dịch vụ công trực tuyến (G2B) và các yếu tố liên quan tới tên miền internet, thu nhập bình quân đầu người và số doanh nghiệp tại mỗi địa phương.

EBI 2018 là nguồn thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử trên phạm vi cả nước. (Nguồn: Sblaw)

Được VECOM xây dựng từ năm 2012, EBI 2018 là nguồn thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử trên phạm vi cả nước, ở các cấp từ Trung ương, địa phương, đến đông đảo các tổ chức và doanh nghiệp, đồng thời cũng gợi mở nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Báo cáo cho thấy, tốc độ tăng trưởng về thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam năm 2017 ước tính tăng 25% so với năm trước. Riêng với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Với lĩnh vực thanh toán, năm 2017, tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016, trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%.

Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 100 - 200%. Trong lĩnh vực du lịch, tỷ lệ đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến tăng mạnh, đạt mức 30%. Nếu kết hợp với đà tăng trưởng 2 chữ số của doanh thu du lịch thì có thể ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch trực tuyến đạt trên 50%.

Cũng theo báo cáo EBI 2018, trong khi TMĐT trên phạm vi cả nước tiếp tục phát triển nhanh chóng thì chỉ số năm nay cho thấy TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục giữ vai trò tiên phong. Tuy nhiên, 2 thành phố lớn này đã bỏ xa tất cả các địa phương còn lại. Trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 9 tỉnh không xuất hiện trong báo cáo EBI 2018, gồm 5 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La), 4 tỉnh miền Tây Nam Bộ (Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng). Đây là những tỉnh có số tên miền quốc gia .vn thấp, trung bình từ 3.000 dân trở lên mới có 1 tên miền.

Như vậy, các số liệu ước tính của EBI 2018 tiếp tục cho thấy TMĐT Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển nhanh, nhưng chưa thực sự bền vững do lòng tin của người tiêu dùng còn thấp và đặc biệt mức chênh lệch khá lớn giữa các địa phương.

Báo cáo này dựa trên khảo sát của hàng nghìn doanh nghiệp. (Ảnh: CV)

Như nhận định của ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương, sau 20 năm internet vào Việt Nam, cho tới nay, TMĐT Việt Nam đang có tốc độ phát triển rất nhanh, hiện diện hàng ngày và ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống không chỉ doanh nghiệp mà còn cả người dân.

Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết, nhiều hoạt động TMĐT tại Việt Nam hiện vẫn chưa có cơ sở pháp lý để điều chỉnh. Đây là thách thức không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác trên thế giới, kể cả các nước đã phát triển TMĐT, hoặc các nước có môi trường pháp lý chưa theo kịp tốc độ phát triển của TMĐT.

Chu Văn

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/chi-so-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-2018-cho-thay-long-tin-cua-nguoi-dung-con-thap-67696.html