Chỉ số SIPAS 2019: Người dân ít hài lòng nhất về lĩnh vực đất đai, môi trường

Năm 2019, 84,45% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ nói chung của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tăng gần 1,5% so với năm 2018, gần 2,3% so với năm 2017.

Ngày 19-5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 (PAR index 2019) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 (SIPAS 2019).

Chỉ số SIPAS đánh giá mức độ hài lòng và mong đợi của người dân, tổ chức về quá trình cung ứng, kết quả dịch vụ công thông qua 5 yếu tố cơ bản: Tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức trực tiếp giải quyết công việc; kết quả dịch vụ; việc tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Phạm Minh Hùng cho biết, năm 2019, 84,45% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ nói chung của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tăng gần 1,5% so với năm 2018, gần 2,3% so với năm 2017.

Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 (ảnh: Thanh Tuấn)

Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 (ảnh: Thanh Tuấn)

Trong đó, tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng về tiếp cận dịch vụ là 86,48%, về thủ tục hành chính là 86,54%, về công chức là 85,62%, về kết quả dịch vụ là 88,56% và về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức là 73,66%.

Người dân, tổ chức hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc 3 cấp và 16 lĩnh vực dịch vụ ở các mức khác nhau. Trong 3 cấp hành chính, cấp huyện nhận được mức hài lòng cao nhất (85,53%), cấp tỉnh thấp nhất (83,35%); trong số 16 lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực giao thông, vận tải nhận được mức hài lòng cao nhất (88,45%) và lĩnh vực đất đai, môi trường thấp nhất (79,06%).

Chỉ số SIPAS 2019 của 63 tỉnh nằm trong khoảng 73,81 - 95,26%; trong đó, tỉnh Quảng Ninh có chỉ số cao nhất là 95,26% và tỉnh Bình Thuận có chỉ số thấp nhất là 73,81%.

Đáng quan tâm, các chỉ số phản ánh cảm nhận của người dân, tổ chức về việc phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, bị trễ hẹn, bị phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực đều ở mức thấp và có xu hướng giảm dần qua các năm kể từ năm 2017.

Năm 2019, 5,41% người dân, tổ chức phải đi lại từ 4 lần trở lên; 1,41% bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 0,47% bị công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí theo quy định; 4,44% bị trễ hẹn và trong số những người bị trễ hẹn thì có 42,63% nhận được thông báo về việc trễ hẹn và 27,12% nhận được xin lỗi về việc trễ hẹn.

Tuy nhiên, SIPAS 2019 cho thấy, 63/63 tỉnh đều để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần, 62/63 tỉnh xảy ra trễ hẹn trả kết quả dịch vụ; 62 tỉnh trễ hẹn đều thực hiện không nghiêm quy định về thông báo, xin lỗi về việc trễ hẹn đối với người dân, tổ chức, trong đó có 01 tỉnh không thực hiện bất kỳ thông báo nào và 06 tỉnh không thực hiện bất kỳ xin lỗi nào; 62/63 tỉnh có công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 46/63 tỉnh có công chức gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí…

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chi-so-sipas-2019-nguoi-dan-it-hai-long-nhat-ve-linh-vuc-dat-dai-moi-truong-193682.html