Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018: Nhiều khả năng đạt mức tăng trưởng hơn 10%

Chiều ngày 17/10, tại Hà Nội, tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nhấn mạnh ngành công nghiệp Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 10% trong năm 2018.

Sản xuất công nghiệp được mở rộng và gia tăng liên tục. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp duy trì được đà tăng trưởng, với mức tăng khá cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP chung của cả nền kinh tế.

Trong đó, Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) 9 tháng đầu năm 2018 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 ước tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 2,7%; ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì họp báo.

Tính chung 9 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 12,7%; quý II tăng 8,2%; quý III tăng 10,7%), đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây, qua đó đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng12,9% (quý I tăng 15,7%; quý II tăng 9,6%; quý III tăng 13,2%), đóng góp 9,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung, đây là mức tăng cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,7%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 2% (chủ yếu do khai thác dầu thô giảm).

Đáng chú ý, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 9 tháng các năm 2012-2016. Trong khi đó, ngành công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,97%), làm giảm 0,14 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế nhưng mức giảm đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm 8,08% của cùng kỳ năm trước.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 53,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 25,9%; sản xuất kim loại tăng 18,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 14,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 14,8%; sản xuất dệt tăng 13%... Đặc biệt là, các ngành trên đều có mức tăng rất tích cực (tăng cao hơn mức tăng bình quân 12,9% của nhóm công nghiệp chế biến chế tạo).

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng đầu năm 2018 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: alumin tăng 105,7%; than sạch tăng 10,1%; sắt, thép thô tăng 36,6%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 25,3%; xăng dầu các loại tăng 47,6% chủ yếu do đóng góp của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa); vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 19,9%; tivi tăng 26,5%; ôtô tăng 16%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: điện thoại di động giảm 2,8%; phân urê giảm 5,8%; dầu thô khai thác giảm 10,2%; động cơ diezen giảm 32,2%.

Tình hình sản xuất của một số ngành như nhóm ngành khai khoáng vẫn gặp khó khăn. Chỉ số sản xuất của ngành trong tháng 9 giảm 2,7%; tính chung 9 tháng, tốc độ tăng trưởng của ngành giảm 2 % so với cùng kỳ năm 2017.

Đối với khai thác dầu thô và khí, công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí tiếp tục được triển khai theo kế hoạch đề ra. Sản lượng khai thác dầu thô tháng 9 đạt 1,1 triệu tấn, tính chung 9 tháng đầu năm ước đạt 10,5 triệu tấn, giảm 10,2% so với cùng kỳ, vượt 5,3% so với kế hoạch 9 tháng và bằng 79,8% kế hoạch năm (trong đó: khai thác dầu ở trong nước 9 tháng đạt 9,09 triệu tấn, vượt 5,6% - tương đương vượt 490 nghìn tấn so với kế hoạch 9 tháng; ở nước ngoài 9 tháng ước đạt 1,47 triệu tấn, vượt 3,0% kế hoạch 9 tháng).

Trong 9 tháng đầu năm 2018, ngành cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hiện trạng khai thác của các mỏ 9 tháng đầu năm đúng với dự kiến. Do đó, dự báo sản lượng dầu khí sẽ vượt mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao trong năm 2018. Trong đó:

Dự kiến, sản lượng khai thác dầu thô cả năm 2018 đạt 13,68 triệu tấn, vượt 450 nghìn tấn (tương đương 3,4%) kế hoạch năm. Trong đó, khai thác dầu thô trong nước ước đạt 11,76 triệu tấn, vượt 450 nghìn tấn (tương đương 4%) so với kế hoạch Chính phủ giao.

Về khai thác khí: Sản lượng khai thác khí đốt thiên nhiên 9 tháng đầu năm đạt khoảng 7,4 tỷ m3, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2017. Dự kiến cả năm sản lượng khai thác khí ước đạt 10 tỷ m3, vượt 400 triệu m3 (tương đương 4,1%) kế hoạch năm.

Hiện nay, Dự án Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã hoàn thành các mốc hoạt động chính gồm: Hoàn thành khởi động tất cả các phân xưởng công nghệ, sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng, tất cả các phân xưởng công nghệ đang được vận hành tại công suất phù hợp theo kế hoạch. Dự án đã xuất bán thành công các lô sản phẩm gồm: xăng, diezen, propylene, lưu huỳnh, benzene, p-xylene.

Công tác chuẩn chạy kiểm tra đặc tính kỹ thuật đang được triển khai tích cực, phấn đấu đạt mốc nghiệm thu và bàn giao sơ bộ (IA) trong tháng 11/2018. Đây sẽ là đóng góp lớn vào năng lực mới tăng của nền kinh tế.

Toàn cảnh họp báo thường kỳ tháng 10/2018 của Bộ Công Thương.

Có thể thấy rằng, tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngày càng được cải thiện, 9 tháng đầu năm 2018 chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 12,7%; quý II tăng 8,2%; quý III tăng 10,7%), đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây.

Ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá với 9 tháng tăng 8,98% so với cùng kỳ năm 2017, đóng góp 2,91 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng giá trị tăng thêm khoảng 12,65%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 9 tháng các năm 2012-2016.

Sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm được mở rộng và duy trì đà tăng trưởng với mức tăng khá cao, mức tăng của các tháng đều cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chủ lực chế biến chế tạo giữ vững được xu hướng tăng trưởng khá, tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, là nhân tố chính tác động tích cực đến tăng trưởng chung của toàn ngành. Nhóm ngành chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp tiếp tục tăng với tốc độ cao nhất (tăng 12,9% ).

Mặc dù tăng trưởng sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện nhưng về cơ bản, sản lượng sản xuất đều đạt và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch, tiêu thụ ổn định, Bên cạnh đó, ngành công nghiệp khai khoáng cũng đã nỗ lực, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu Chính phủ giao.

Cân đối về điện được đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu về điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện 9 tháng 2018 tăng 9,7%; cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần công nghiệp khai khoáng.

Dự báo sản xuất công nghiệp các tháng cuối năm tăng trưởng tích cực, do các yếu tố thuận lợi từ nền kinh tế thế giới và kinh tế trong nước.

Tốc độ tăng IIP 9 tháng các năm 2012-2018 lần lượt là: 6,1%; 5,3%; 6,8%; 9,9%; 7,1%; 8,8%; 10,6%.

Tốc độ tăng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng các năm 2012-2018 lần lượt là: 5,5%; 6,7%; 8,3%; 10,2%; 10,5%; 12,2%; 12,9%.

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng của một số năm: Năm 2012 tăng 8,74%; năm 2013 tăng 6,58%; năm 2014 tăng 7,09%; năm 2015 tăng 10,15%; năm 2016 tăng 11,20%; năm 2017 tăng 12,77%; năm 2018 tăng 12,65%.

Bùi Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chi-so-san-xuat-cong-nghiep-nam-2018-nhieu-kha-nang-dat-muc-tang-truong-hon-10-518220.html