Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Nhiều thay đổi bất ngờ

(VnMedia) – Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 (PCI 2017), điểm số PCI bình quân đã lên cao nhất kể từ giai đoạn khởi đầu của Báo cáo PCI từ năm 2005 đến nay, và gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số. Đặc biệt, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7 trên tháng điểm 100.

Sáng nay (22/3), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017.

Được thực hiện năm thứ 13 liên tiếp, báo cáo PCI 2017 dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn tổng thể, bảng xếp hạng năm nay có nhiều diễn biến thú vị và chứng kiến sự đổi ngôi ngoạn mục của vị trí quán quân. Theo đó, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7 trên thang điểm 100.

Sau nhiều năm đứng vị trí thứ nhất, Đà Nẵng đã nhường ngôi cho Quảng Ninh và xếp vị trí Á quân trên bảng xếp hạng với 70,1 điểm. Là nơi khởi nguồn cho mô hình "Cafe doanh nhân", Đồng Tháp tiếp tục nắm giữ vị trí số ba trong bảng xếp hạng PCI 2017 với 68,8 điểm.

 Tại buổi công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017

Tại buổi công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017

Sự quay trở lại của Long An (66,7 điểm) trong Top 5 sau lần đầu tiên vào năm 2011. Bến Tre (66,7 điểm) cũng là cái tên lần đầu tiên bước vào Top 5 với các thành phần cải thiện rõ rệt trong chỉ số tính năng động tiên phong của chính quyền và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Trên bảng xếp hạng PCI 2017, các địa phương Vĩnh Long (66,1 điểm), Quảng Nam (65,4 điểm), TP. HCM (65,2 điểm), Hải Phòng (65,2 điểm) và Cần Thơ (65,1 điểm) lần lượt góp mặt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Bất ngờ lớn nhất trên bảng xếp hạng PCI năm nay là Hải Phòng. Đây là lần đầu tiên tỉnh này góp mặt vào top 10 và dẫn đầu chỉ số thành phần Đào tạo lao động, lĩnh vực mà thành phố này luôn duy trì được điểm số cao trong 5 năm trở lại đây.

Điều tra PCI năm 2017 cho thấy, một tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh. 52% doanh nghiệp dân doanh sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, mức cao nhất kể từ 2011 trở lại đây. Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa rất thấp, chỉ ở mức 8%.

Cảm nhận tích cực về triển vọng phát triển còn rõ rệt hơn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), có tới 60% doanh nghiệp FDI cho biết có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Điều tra năm 2017 cũng thể hiện, các doanh nghiệp FDI đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam tích cực hơn. Thời gian cần thiết để hoàn tất các thủ tục cấp phép đầu tư đã cải thiện đáng kể. Những gánh nặng thủ tục giai đoạn hậu đăng ký đối với doanh nghiệp FDI như: bảo hiểm xã hội, thuế, lao động cũng đã được giảm bớt so với những năm trước đó. Tương tự, đối với các doanh nghiệp dân doanh, các doanh nghiệp FDI cho biết việc chi trả chi phí không chính thức, tình trạng nhũng nhiễu đã giảm đáng kể so với trước đây.

Các doanh nghiệp mong muốn, chính quyền các cấp tiếp tục duy trì đà cải cách môi trường kinh doanh của năm 2017 trong thời gian tới trong một số lĩnh vực như: thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy.

Cùng với đó, Việt Nam cần có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, nhất là nhân lực trình độ cao, nhóm lao động mà các doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng.

Bức tranh PCI 2017 có nhiều khởi sắc

Phát biểu khai mạc tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) 2017, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bức tranh PCI 2017 đã có nhiều khởi sắc. Bằng chứng, điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ giai đoạn khởi đầu của Báo cáo PCI từ năm 2005 đến nay, và gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số của mình. Điều này phản ánh rõ ràng môi trường kinh doanh ở các địa phương đã có những cải thiện rất ấn tượng dưới sự điều hành của Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. “Hành trình chuyển lửa về các địa phương đã mang lại kết quả tích cực”, ông Lộc nói.

Ở cấp độ quốc gia, những chỉ số phản ánh về chi phí không chính thức và thủ tục hành chính đã được cải thiện, phản ánh những kết quả tích cực của nỗ lực phòng chống tham nhũng và cải cách thủ tục hành chính mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện.

“Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy, với 52% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 60% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây”, ông Lộc dẫn chứng.

Đáng chú ý là, trong hành trình cải thiện môi trường kinh doanh, các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã có nhiều bứt phá, rút ngắn một cách ngoạn mục khoảng cách với các tỉnh/thành phố thuộc nhóm tiên phong. Tác động cải cách đã lan tỏa.

5 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các đầu tàu kinh tế của cả nước Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ đã có cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành và lần đầu tiên đã góp mặt đầy đủ trong trong Top 15 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong năm qua.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201803/chi-so-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-nhieu-thay-doi-bat-ngo-597970/